Lan tỏa truyền thống hiếu học

10:47 | 25/08/2020
(LĐTĐ) Thăng Long - Hà Nội có rất nhiều ngôi làng khoa bảng. Thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những địa chỉ như vậy. Tại đây, nét đẹp trong văn hóa của miền đất danh hương, khoa bảng được tỏa sáng. Đặc biệt, ở chốn làng quê mạch nguồn của văn hóa đọc vẫn bền bỉ thấm sâu vào con người nơi đây.
Thời kỳ mới trong phát triển văn hóa đọc
Phát triển văn hóa đọc cho phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng

Gìn giữ văn hóa đọc

Với người dân Bình Vọng, nơi có thư viện phục vụ bà con từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc. Thư viện thôn Bình Vọng được thành lập năm 1999, là một trong những thư viện đầu tiên của huyện Thường Tín. Ý tưởng thành lập thư viện là của các ông Dương Văn Phi và Lương Văn Tăng. Vốn là những cán bộ, sĩ quan quân đội nghỉ hưu.

4138 img 1756
Các cuốn sách được sắp xếp ngăn nắp, khoa học trên giá và tủ sách tại thôn Bình Vọng. Ảnh: Giang Nam

Lần gặp ông Lương Văn Tăng tháng 9/2017, khi lần đầu ghé thăm thư viện, ông Tăng có kể với tôi về hành trình lập thư viện đầy ý nghĩa. Chẳng là, mỗi buổi chiều hằng ngày người già, trẻ nhỏ tập trung rất đông ở nhà văn hóa mà không có gì để giải trí, những người cao tuổi trong thôn bàn nhau mang hết sách báo nhà mình ra quyên góp, thành lập thư viện, phát triển văn hóa đọc ở thôn quê. Cứ thế, ý tưởng nhỏ dưới sự chung sức, đồng lòng của những người nhiệt huyết dần thổi bùng lên ngọn lửa ham học, ham đọc ở Bình Vọng.

Những ngày đầu lập thư viện, dân làng Bình Vọng hồ hởi, người gom sách, người mua sắm bàn ghế, giá sách, người dọn dẹp, cải tạo gian nhà cũ ở đình làng để làm phòng đọc. Giờ không gian đọc đã được người dân và chính quyền địa phương mở rộng, khang trang hơn, giúp người dân tiếp cận với các đầu sách trở nên dễ dàng và thuận tiện.

Đáng chú ý, dù là một thư viện nhỏ cấp cơ sở, nhưng thư viện của làng Bình Vọng lại hoạt động khá chuyên nghiệp. Thư viện gồm phòng đọc và một kho chứa sách. Trong phòng sách, các giá, tủ đựng sách được sắp xếp rất khoa học, dễ nhìn, được ghi chú cẩn thận từng lĩnh vực, giúp người dân tiện tra cứu, tìm sách. Ở đây còn trang bị cả máy vi tính để tra cứu đầu sách. Đáng chú ý, sách ở thư viện được chia thành nhiều lĩnh vực như: Chính trị xã hội, khoa học kỹ thuật, văn học, pháp luật, thiếu nhi. Ngoài ra, do yêu cầu thực tế của địa phương, thư viện còn có 2 tủ sách riêng đó là sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; tủ sách người Bình Vọng viết… Đáng mừng hơn cả, từ khi có thư viện, bà con dần hình thành thói quen đọc sách, trẻ em ham học hơn, tỉ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của làng cũng cao hơn trước nhiều. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng được nâng cao.

Cũng tại huyện Thường Tín, ở thôn Đống Chanh (xã Minh Cường), phong trào đọc sách báo cũng phát triển mạnh. Tại đây, phòng đọc sách báo với trên 1.000 cuốn sách đem đến nguồn tri thức, thông tin dồi dào tới đông đảo người dân trong thôn.

Có thể thấy, giữa thời đại công nghệ 4.0, dư luận cho rằng công nghệ sẽ lấn át văn hóa đọc truyền thống thì mạch nguồn của văn hóa đọc vẫn tồn tại theo cách riêng của nó. Hơn hết, việc xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả.

Nét đẹp cần nhân rộng

Thực tế, những năm gần đây, xây dựng văn hóa đọc luôn là vấn đề cả xã hội chung tay. Dễ thấy, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 90% học sinh, sinh viên có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, trí thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; 80% trẻ mầm non được tiếp cận và thường xuyên nghe đọc sách, giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu với sách và hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ; 100% cơ sở giáo dục có thư viện hoạt động hiệu quả. Sau một thời gian thực hiện Đề án, có thể thấy nhiều hoạt động đã góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả.

4142 img 1775

Riêng tại thủ đô Hà Nội, đã có nhiều mô hình khuyến khích, thúc đẩy văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Đáng kể đến là việc thực hiện “Ngày hội đọc sách” hay các mô hình thư viện miễn phí phục vụ cộng đồng đang ngày càng được nhân rộng. Chẳng hạn, tại Hà Nội có thư viện tư nhân Dương Liễu, thư viện thôn Minh Khai (huyện Hoài Đức) hay Thư viện D Book Free được đánh giá cao về tính sáng tạo, hiệu quả trong việc thúc đẩy văn hóa đọc.

Thư viện thôn Bình Vọng đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương. Tới thư viện, trẻ em có thêm những cuốn sách hay để trau dồi kiến thức, lớp trẻ thì đọc sách để học cách quản lý kinh tế, làm giàu, nông dân đọc để học cách chăn nuôi, trồng trọt. Một điểm rất đáng chú ý là, việc bảo vệ, xây dựng và phát triển thư viện luôn được người dân Bình Vọng xem là nhiệm vụ chung. Để điều hành hoạt động của thư viện, Bình Vọng quy tụ nòng cốt là các cụ cao niên, tình nguyện tham gia. Từ khi có thư viện, bà con dần hình thành thói quen đọc sách, trẻ em ham học hơn, tỉ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của làng cũng cao hơn trước, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Không nói đâu xa, tại huyện Thường Tín, từ mô hình thư viện ở Bình Vọng, Đống Chanh hiện đã lan tỏa ra 29/29 xã, thị trấn trong toàn huyện. Tại các địa phương, quy mô sách báo, lượng người đọc ngày càng tăng cao. Ngoài lượng sách hiện có, mỗi năm hai lần huyện Thường Tín đều phối hợp với Thư viện thành phố Hà Nội tổ chức luân chuyển hàng trăm đầu sách tới các tủ sách cơ sở làm phong phú về số lượng và chất lượng sách báo phục vụ bạn đọc tại các thôn, xã.

Trở lại sự phát triển thư viện thôn Bình Vọng, theo tìm hiểu vùng đất này nổi danh có truyền thống hiếu học. Nhiều thế hệ đã truyền nối nhau làm rạng danh tiếng thơm Bình Vọng. Chẳng hạn, thế kỷ XVI, Bình Vọng có nhiều người đỗ đạt cao và ra triều đình làm quan, trong đó nổi tiếng là cụ Trần Lư đỗ tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1502); Nguyễn Hữu Đăng đỗ tiến sĩ năm Đinh Mùi (1667); Lê Nguyễn Thường (Lê Trọng Thường) đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1772); Lê Tông Quang, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Ngọ (1822); Nguyễn Tông (Nguyễn Trữ) đỗ tiến sĩ năm Kỷ Sửu (1829). Đáng quý ở chỗ, nghiệp đèn sách như đã ngấm vào máu, vào tinh thần cầu thị, hiếu học của người Bình Vọng. Tôi đã vài lần được trò chuyện với người dân nơi đây, thấy quý ở chỗ, người dân nơi đây rất ít khi mang chuyện con cháu đỗ đạt ra phô trương. Có lẽ, tất thảy người dân nơi đây từ lâu đều xem chuyện đèn sách là thú vui, niềm cảm hứng.

Trải qua nghìn năm lịch sử, truyền thống khoa bảng luôn được các thế hệ người Bình Vọng vun bồi. Thư viện sách chỉ là minh chứng cho sự tiếp nối, lan tỏa truyền thống hiếu học nơi đây. Thư viện đã thúc đẩy phong trào học tập cộng đồng tại địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của ngôi làng ven đô./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này