Con người và Thủ đô Hà Nội, nguồn cảm hứng cho điện ảnh an ninh tình báo

14:53 | 20/08/2020
(LĐTĐ) Con người Hà Nội mang sẵn tinh hoa truyền thống của thủ đô ngàn năm văn vật, họ chính là chất liệu vô cùng phong phú cho văn học và điện ảnh an ninh tình báo.
Kỳ 2: Những thước phim cách mạng tháng 8 không thể nào quên
Kỳ 1: Bám sát từng cuộc chiến đấu của dân tộc
Tổ chức Tuần phim kỷ niệm ngày thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam

Theo nhà văn Thái Kế Toại (Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Hà Nội), trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan chỉ huy đầu não về quân sự và tình báo của thực dân Pháp, các tổ chức phản động. Các hoạt động tình báo phản gián của ta, tuy xa mặt trận nhưng lại có vai trò quyết định đối với các hoạt động quân sự và an ninh nội bộ của lực lượng cách mạng.

Trong thời kỳ Hà Nội trở thành thủ đô của đất nước xã hội chủ nghĩa thì lại là Tổng hành dinh của các cơ quan quân sự, an ninh tình báo của ta, chỉ huy các kế hoạch tình báo phản gián cho cả miền Bắc và cách mạng miền Nam. Đây còn là một chiến trường tình báo hấp dẫn với các nước đế quốc, chính quyền Sài Gòn. Hà Nội vừa là khởi nguồn, vừa là mục tiêu của những chiến dịch tình báo đối với cả hai bên ta và địch.

Con người Hà Nội gồm những người sinh ra tại Hà Nội, với gốc gác lâu đời mang sẵn tinh hoa truyền thống của thủ đô ngàn năm văn vật và những người từ các địa phương cả nước hội tụ về sinh sống, làm việc. Họ có thể trở thành những chiến sĩ an ninh tình báo lý tưởng của bộ máy tình báo của ta cũng như là đối tượng câu móc hấp dẫn của tình báo địch, là chất liệu vô cùng phong phú cho văn học và điện ảnh an ninh tình báo.

1358 unnamed
Phim truyện “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (ảnh trong phim)

Chính vì những lẽ đó, con người Hà Nội, thành phố Hà Nội, ngoài việc trở thành đề tài sáng tạo cho văn học nghệ thuật nói chung còn là chất liệu hấp dẫn cho văn học nghệ thuật của lực lượng công an trong đó có Điện ảnh công an nhân dân, nơi nhà văn Thái Kế Toại có nhiều thời gian gắn bó trên cương vị Giám đốc.

Ông cho biết, từ khi ra đời đến nay trong hơn 50 năm hoạt động Điện ảnh công an nhân dân luôn luôn gắn bó với con người và địa bàn Hà Nội. Có thể thấy hình ảnh đậm nét Hà Nội qua hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa và hàng trăm bộ phim tài liệu, phim truyện của các nghệ sĩ điện ảnh công an.

“Chất liệu con người và mảnh đất Hà Nội thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của chúng tôi, dù là tác phẩm về những chiến dịch phản gián, tình báo xảy ra từ các địa phương cực nam tổ quốc. Chất liệu con người và mảnh đất Hà Nội còn xuất hiện trọn vẹn trong hàng chục tác phẩm phim tài liệu và phim truyện trong danh mục sáng tác từ 1965 đến nay”, nhà văn cho biết.

Về các đề tài phản ánh lịch sử và chiến tranh cách mạng, có các phim tài liệu như “Vụ án Ôn Như Hầu”, “Bộ trưởng của chúng tôi”, “Người trong truyện”; phim truyện “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, “Tội và tình”, “Điệp vụ thứ nhất”, “Mùa Hạ không quên”.

Trong đó, đáng chú ý nhất bộ phim truyện “Điệp vụ thứ nhất” được thực hiện công phu như một phim truyên nhựa với kinh phí lớn và sự chuẩn bị nhiều năm. Nhân vật chính của phim một nữ chiến sĩ tình báo xuất thân từ một nữ sinh hoa hậu Hà Nội, hy sinh hạnh phúc cá nhân hoạt động trong cơ quan chỉ huy quân đội Pháp khám phá và chuyển được ra chiến khu Việt Bắc kế hoạch tấn công Việt Bắc của trung tướng Sa Lăng.

Chiến công của nữ điệp viên Kiều Mai đã đóng góp quan trọng vào chiến thắng lịch sử Thu Đông Việt Bắc tháng10/1947 góp phần bảo vệ an toàn Hồ Chủ Tịch và Chính phủ kháng chiến của ta. Cùng với Kiều Mai tạo nên chiến tích lịch sử đó còn có những chiến sĩ trinh sát, cán bộ chỉ huy điệp báo Hà Nội vốn xuất thân từ những học sinh, thanh niên yêu nước, mưu trí, giàu lòng quả cảm.

Ngoài nội dung chính trị nghiệp vụ bộ phim truyện “Điệp vụ thứ nhất” còn là một hoài niệm về vẻ đẹp quá khứ của Thủ đô. Bộ phim đã tái hiện được không khí cuộc sống Hà Nội những năm 1945-1947, những đường phố cũ, những biệt thự cổ, nhà thờ Cửa Bắc, chùa cổ Kim Liên, những đồ vật sinh hoạt, trang phục quý phái, phong cách các cô gái tân thời, những làng cổ ngoại thành đều toát lên một vẻ đẹp Hà Nội cổ kính, duyên dáng, trầm mặc.

“Sau “Điệp vụ thứ nhất” chúng tôi còn làm tiếp bộ phim truyện “Mùa hạ không quên” với bối cảnh Hà Nội 1945-1946. Một lần nữa đạo diễn Nguyễn Quang và họa sĩ Dân Nam đã tái hiện được cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt của các chiến sĩ công an khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu trong những bối cảnh đặc trưng của con người và cảnh sắc Hà Nội”, nhà văn Phan Kế Toại chia sẻ.

Các tác phẩm về Hà Nội và con người Hà Nội của Điện ảnh công an đã phản ánh được cuộc đấu tranh sinh động phức tạp của cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân của lực lượng công an và quần chúng nhân dân, đã góp phần truyên truyền trong phạm vi cả nước và quốc tế một phần hình ảnh cuộc sống, văn hóa Hà Nội.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này