Ngành Du lịch "nín thở" mong dịch Covid-19 sớm được không chế!

14:57 | 11/08/2020
(LĐTĐ) Đang trên đà hồi phục với tín hiệu khá lạc quan sau 3 tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19 thì ngành du lịch lại gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần hai bùng phát trong cộng đồng. Với diễn biến phức tạp của dịch bùng phát trở lại tại một số địa phương, hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa bị ngưng trệ.
Khách đồng loạt hủy tour, hãng lữ hành kẹt cứng
Giá tour giảm rẻ chưa từng có, gọi nhau xách ba lô đi du lịch

Lao đao vì lượng khách hủy tour

Đang trên đà hồi phục với tín hiệu khá lạc quan sau 3 tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19 thì ngành du lịch lại gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần hai bùng phát trong cộng đồng. Từ ngày 25/7, những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày được phát hiện ở Đà Nẵng và lan sang một số địa phương.

5358 img 0370
Ảnh minh họa Cao Tiến

Tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Nhiều địa phương trên cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người mắc, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh… Có thể nói, doanh nghiệp du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch vẫn phải tiếp tục “gánh” bộ máy quản lý, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch để duy trì hoạt động. Bởi nếu cắt giảm lao động quá mức, khi dịch vụ hoạt động trở lại sẽ không kịp ứng phó với việc thiếu nhân sự trầm trọng. Còn nếu tiếp tục duy trì thì sẽ không đủ chi phí để trả lương khi không có việc làm cho người lao động. Rất nhiều công ty lữ hành có quy mô nhỏ và siêu nhỏ buộc phải đóng cửa hoặc buộc phải “thanh lọc” một lượng lớn nhân viên, hướng dẫn viên không có việc làm vì không thể trụ lại suốt thời gian qua. Các doanh nghiệp không nhiều nguồn vốn sẽ rơi vào thế khó khi phải xoay sở tài chính. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc cho nghỉ không lương để chờ du lịch phục hồi. Trong đợt một, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên, nhiều lao động du lịch vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, khi dịch Covid-19 quay trở lại, các doanh nghiệp du lịch một lần nữa đứng trước nhiều thách thức. Lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% cuối tháng 7 và tháng 8/2020, là hai tháng cao điểm du lịch nội địa. Các hãng hàng không, doanh nghiệp khách sạn, nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục đối mặt với khó khăn mới. Các doanh nghiệp lữ hành cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả chung của ngành du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành du lịch. Bởi vậy, cần có các giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình hiện nay và kịch bản khôi phục sau dịch.

Mong hoàng hôn qua mau!

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc công ty Vietravel cho biết tổng số khách hủy tính đến 5/8 lên tới hơn 22.000 lượt, đơn vị gặp nhiều khó khăn với một số bên cung ứng dịch vụ. Các đối tác thường đưa ra phương án bảo lưu, chuyển giai đoạn. Tuy nhiên, đơn vị lữ hành lại phải đối mặt áp lực chuyển trả tiền tour cho khách hàng. Bà Phương Hoàng kiến nghị hỗ trợ chính sách tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp hàng đầu về vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí... Đây là cách tạo đầu kéo cho ngành du lịch phục hồi lại; đồng thời cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng địa phương làm trung gian, giúp đơn vị lữ hành nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không. Qua đó, các công ty có thể sử dụng để phục hồi kinh doanh sau dịch.

Cùng với khó khăn về nhân sự, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ khó khăn, cụ thể là việc hoãn nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp du lịch; thứ hai là giảm 50% VAT cho hệ thống Khách sạn ở Việt Nam; giá thuê đất và việc các nhà đầu tư, các khách sạn lớn bỏ ra vốn lớn cho nên các ngân hàng cần có chính sách giảm lãi vay, tiếp tục cho hoãn trả lãi vay trong thời điểm khó khăn này.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, ngành Du lịch cả nước ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ USD, sau 100 ngày không có ca nào lây lan trong cộng đồng, trong vòng gần 2 tháng, ngành Du lịch lấy lại sức sống, với chính sách kích cầu du lịch của Chính phủ. Khi đó, các công ty lữ hành, các doanh nghiệp xem như bình minh đang lên, thế rồi vào những ngày cuối tháng 7, hoàng hôn ập đến với việc Covid-19 xuất hiện tại thành phố du lịch Đà Nẵng, nụ cười bỗng tắt trên môi. Nay với quyết tâm cao của Chính phủ, các cấp, ngành và chính quyền địa phương, hy vọng hoàng hôn sớm qua mau để bình minh và ngày mới lại đến với ngành Du lịch!

Vấn đề về việc hoàn tiền cho khách hàng do hoãn, hủy tour, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn với các yêu cầu bồi hoàn từ khách hàng. Khi khách mua tour, doanh nghiệp cũng phải ứng một phần tiền với các bên cung ứng dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn... Do đó, việc hoàn hủy khi gặp sự cố không phải chuyện mà doanh nghiệp có thể đơn phương giải quyết.

“Ở một số nước, nếu điểm đến không nằm trong vùng dịch bệnh, thiên tai, dịch vụ diễn ra bình thường nhưng khách muốn hoàn tiền 100%, doanh nghiệp cần chia sẻ tâm lý e ngại của họ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đưa ra giải pháp chỉ hoãn (tối đa 12 tháng) chứ không cho phép hủy", ông Tài chia sẻ quan điểm.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Vân, trước khó khăn chung của tất cả đơn vị hàng không, lữ hành, lưu trú, điểm đến.., điều cần nhất lúc này là các đơn vị phải cùng đoàn kết, chia sẻ để có chính sách hoàn, hoãn tour và các dịch vụ hợp lý cho du khách.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, dù dịch Covid-19 ngày càng khó lường, nhưng thông qua các ý kiến, cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động ứng phó khi dịch bùng phát. Tổng cục Du lịch tiếp tục trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ có những chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch, như tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch được vay vốn với lãi suất ưu đãi để hoàn, hủy tour cho khách và trả lương cho người lao động; giảm giá điện bán lẻ, thuế, tiền thuê đất… đến hết năm 2020 thay vì đến tháng 7/2020.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này