Đẩy mạnh gắn kết doanh nghiệp và nhà trường

13:46 | 28/07/2020
(LĐTĐ) Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhiều công việc sẽ bị thay thế, nhưng sẽ có những công việc mới ra đời… Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp là phải đào tạo, đào tạo lại người lao động để có tay nghề, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Chiến lược nâng cao năng suất lao động
Khẳng định vai trò của Công đoàn tại doanh nghiệp
Tăng cường gắn kết doanh nghiệp với đào tạo nghề

Áp lực 4.0

Theo dự báo, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng nhân viên sẽ giảm đi 1/10 so với hiện nay, như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Đặc biệt, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng trình độ trung cấp, cao đẳng cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN.

5424 cong nhan hnm
Các học viên được học thực hành trên hệ thống công nghệ hiện đại.

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến năng suất lao động thấp. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới dựa trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng còn nhiều bất cập, khi nhân lực được qua đào tạo có tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi các doanh nghiệp lại thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương;

Mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động còn chưa tốt; học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn cao; đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nơi còn chưa thực sự hiệu quả; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm vẫn còn khá lớn (khoảng 30%) và có xu hướng gia tăng.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tỷ lệ các doanh nghiệp có ý kiến về kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với những kỹ năng mà doanh nghiệp cần rất lớn. 65% chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những kỹ năng mà trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp phải tự đào tạo hoặc đào tạo lại lao động theo hình thức vừa học, vừa làm.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam, tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra giải pháp đối với giáo dục và đào tạo là: Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.

Nhà trường và doanh nghiệp phải song hành

Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Theo đó, giáo dục nghề nghiệp cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Trong đó, đòi hỏi cấp thiết là đổi mới chương trình, tổ chức hoạt động đào tạo.

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất mới trong cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp sẽ đòi hỏi sự thay đổi về trình độ và năng lực của người lao động. Các năng lực và trình độ này có thể chia thành 3 nhóm: Các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo; các kỹ năng về thể chất bao gồm kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kỹ năng kết nối; và các kỹ năng về xã hội như giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm.

Những điều kiện và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0đã đặt ra các yêu cầu mới đối với năng lực của nguồn nhân lực trong thời đại hiện nay. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (Gray, A. 2016) thì 10 kỹ năng cần thiết của nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: Kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp; kỹ năng tư duy phê phán phản biện; kỹ năng sáng tạo; kỹ năng quản lý con người; kỹ năng hợp tác trong công việc; kỹ năng xúc cảm xã hội; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng định hướng dịch vụ; kỹ năng thương thuyết, đàm phán và kỹ năng thích ứng.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người học, người sử dụng lao động và môi trường làm việc (bao gồm cả môi trường làm việc ảo), đòi hỏi các hoạt động đào tạo phải thay đổi căn bản. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề. Trong môi trường 4.0, phương pháp đào tạo cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Một trong những giải pháp quan trọng là phải gắn kết với doanh nghiêp trong hoạt động đào tạo. Đẩy mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, phát triển các trường trong doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ và tổ chức của doanh nghiệp. Mặt khác, tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp.

Đồng thời, cần thúc đẩy ươm mầm và khởi tạo doanh nghiệp. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trước hết là ở các trường chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm. Chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp nhất thiết phải được cập nhật, bổ sung kiến thức và kỹ năng khởi sự doanh nghiệp; nhà trường phải đổi mới quản trị như doanh nghiệp và là vườn ươm tạo ra những nhà quản trị doanh nghiệp mới trong kỷ nguyên số.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, song phương trong các lĩnh vực của giáo dục nghề nghiệp như nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, quản trị nhà trường… Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam; thực hiện liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo nghề nghiệp.

Ngọc Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này