Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

10:16 | 23/07/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng với nhiều sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí khắt khe nhất của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể có thể thấy nhiều sản phẩm OCOP vẫn chủ yếu được biết đến tại các địa phương và nguyên nhân khiến sản phẩm làng nghề khó vươn xa đó là do thiếu liên kết…
Hà Nội: Đẩy mạnh xúc tiến, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng cả nước
Lan tỏa thương hiệu sản phẩm OCOP của Thủ đô

Chất lượng sản phẩm được nâng cao

Hiện nay cả nước hơn 5.000 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là khoảng gần 2.000. Nhiều nghệ nhân đã được xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các đặc sản vùng miền, đây là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” có đủ phẩm chất đạo đức, tài năng xuất sắc, có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

4301 syn phym ocop
Tăng cường kết nối đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối hiện đại (ảnh Đ.Đ)

Từ thực tế trên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng phát triển sản phẩm ở các làng nghề là rất lớn và độc đáo. Tuy nhiên, để khơi dậy được tiềm năng đó cần phải có những hoạch định và hướng phát triển lâu dài và bền vững. Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm thương mại; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…

Trong 10 năm qua, ngành Công Thương luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tiêu chí về điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.Việc triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đưa điện sáng về các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nhờ đó, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm, hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của chương trình OCOP. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa trong chương trình OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm…

Bên cạnh Chương trình OCOP, các chương trình như khuyến công và phát triển làng nghề đang ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: Thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống, sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam...

Cùng với đó, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn thể hiện gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền và dân tộc. Đặc biệt, nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử thì nay đã được khôi phục, phát triển trở lại.

Kết nối kênh phân phối – nhà sản xuất

Là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước, tuy nhiên Hà Nội cũng là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất khi có đến 1350 làng nghề (chiếm 1/3 làng nghề truyền thống cả nước). Nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP đến các địa phương, cũng như tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP…

Có thể thấy, trong quá trình phát triển kinh tế, việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các làng nghề tại Hà Nội. Nếu trước kia, những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương được sản xuất theo phương thức truyền thống thì khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm truyền thống sẽ được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng, được mang thương hiệu cụ thể như: Gạo hữu cơ Đồng Phú, nếp cái hoa vàng Thụy Lâm, sữa bò tươi Phù Đổng, gốm sứ Bát Tràng... Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Tuy nhiên, một số chủ thể có sản phẩm OCOP vẫn còn trăn trở về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, do thị trường tiêu thụ bấp bênh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải cắt giảm sản xuất. Cụ thể, làng nghề xuất khẩu sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) hiện không có nhiều đơn hàng xuất khẩu mới, rất cần tìm kiếm thị trường trong nước để ổn định sản xuất…Do đó, nhiều làng nghề muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào…

Thực tế cũng cho thấy, hiện trên kệ hàng tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội…các sản phẩm OCOP đến từ các vùng miền, các địa phương xuất hiện khá ít ỏi so với khối lượng khổng lồ các sản phẩm ngoại nhập. Theo các chuyên gia kinh tế, các sản phẩm OCOP (trong đó có nhóm nông sản, thực phẩm) khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm; quy chuẩn… Bởi thế, trước những cơ hội lớn đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại các địa phương cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nắm bắt cơ hội đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua kênh phân phối hiện đại.

Nhằm tăng cường kết nối với các nhà sản xuất, cũng như hỗ trợ các địa phương kết nối với các nhà bán lẻ trong khâu tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục mời thành viên là các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước cùng gặp gỡ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP để bàn thảo hoạt động mua/bán sản phẩm. Khi các nhà bán lẻ tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất để mua/bán sản phẩm thì giảm được chi phí trung gian và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá cạnh tranh…

Thông qua việc kết nối kênh phân phối và người sản xuất, các sản phẩm OCOP được giới thiệu đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước, qua đó thúc đẩy chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt, giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đồng thời thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương, tạo chuỗi liên kết bền vững giúp nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này