“Thần giữ của”- nét hiện đại trong Chèo dân gian

09:54 | 23/07/2020
(LĐTĐ) Vốn đã đọc câu chuyện cổ tích “Thần giữ của”, tôi đi xem vở Chèo cùng tên với tâm thế tò mò, để xem vở diễn có phải là minh họa và diễn giải cho câu chuyện hay không như cách mà lâu nay người ta vẫn thường làm với các tác phẩm từ đề tài dân gian.
“Thần giữ của”- vở chèo theo phong cách hài dân gian
Liên hoan Nghệ thuật hát Chèo không chuyên Hà Nội 2020

Nhưng hóa ra tôi đã nhầm, cái nhầm đầy thú vị. Cảnh đầu tiên là cảnh đòi nợ, khi mà ông giám sinh trong truyện cổ tích giờ đây là con nợ cho gã phú ông, mà khán giả đều biết chắc sau đó sẽ lập thần giữ của. Cảnh đòi nợ hài hước, đầy ngoa dụ của chèo. Ở chèo, nhất là chèo dân gian, đặc trưng là mọi thứ được đẩy lên tận cùng.

4248 20200625 214841
Vở chèo “Thần giữ của”

Cầm đầu đám đòi nợ là nhân vật Lý, khiến người ta hiểu anh ta có thể tên là Lý, cũng có thể là mang chức lý trưởng. Ngay chi tiết này cũng mang tính ẩn dụ, rằng một khi đã bị đồng tiền sai khiến, thì một nhân vật quan chức tầm cỡ ở địa phương cũng khom lưng trước một gã phú ông nào đó. Ở cảnh này, các nhân vật tha hồ tung tẩy từ trò lời, vốn là đặc trưng của chèo và là nền tảng để các trò chơi chữ trong các chặp hài kịch ngày nay được phát tiết, đến lời ca, bởi bài bản chèo đủ nhiều và đủ cung bậc để có thể sử dụng cho mọi tình huống.

Đến đây thì tôi hiểu ra đường dây của kịch bản phần nào. Phong cách viết kịch bản sân khấu của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng không dễ đoán, bởi anh viết rất nhiều thể dạng khác nhau. Ở đây, ý đồ của tác giả là xâu chuỗi câu chuyện lại. Trong truyện cổ tích, ông giám sinh gả con cho gã phú ông để sau này bị biến thành thần giữ của, thì ở vở chèo này, lý do gả con được làm rõ, bởi ông giám sinh vay tiền. Tôi cho rằng đó là cách lý giải khéo léo, vừa không sai lệch với câu chuyện gốc, lại vừa làm rõ nghĩa và chặt chẽ hơn. Để rồi đến cảnh sau, mọi chuyện được hé lộ dần dần.

Khi tôi đang băn khoăn tại sao ông giám sinh, bố của cô Lụa xinh đẹp sẽ là thần giữ của, lại phải vay tiền của gã phú ông khi bản thân ông không có nhu cầu gì lớn, thì ngay lập tức được sáng tỏ. Hóa ra ông vay tiền cho Văn Nhường-là học trò của mình cũng như là bạn thanh mai trúc mã với con gái mình-lên kinh ứng thí. Đau xót thay, khi con gái ông phải về với gã phú ông để làm lẽ, thì cậu học trò Văn Nhường đã thành quan, mới về tới nơi, nhậm chức tại chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Biết chuyện người mình yêu phải thành thần giữ của, cậu học trò nay đã thành quan tìm cách cứu cô Lụa, khi bản thân anh đã theo dõi gã phú ông này, bởi ngoài việc đó, gã còn gây ra nhiều tội ác khác có hại cho dân cho nước.

Cách kể chuyện này khá mạch lạc và nhiều tầng lớp, tôi cho rằng đó chính là tính hiện đại. Ngày hôm nay, một số vở trước kia là kinh điển, nay khó mà xem lại được là bởi, cách kể chuyện khá cũ kỹ, đơn điệu. Cách kể chuyện trong “Thần giữ của” là chuyện lồng trong chuyện, lại bám khá kỹ câu chuyện gốc, thế nên không gây cho người xem cảm giác khó chịu và xa lạ. Có nhiều cách phóng tác, có thể lật lại cả câu chuyện gốc, biến đen thành trắng, biến anh hùng thành tội đồ, biến người tốt thành người xấu, tuy nhiên cách phóng tác đó đôi lúc phản tác dụng bởi người xem đã quá quen với hình tượng cũ, nếu không có gì thật đặc sắc thì khó mà khiến người xem thay đổi được cách nghĩ. Cách kể chuyện của vở chèo “Thần giữ của” là cách kể chuyện tinh tế, giữ nguyên những suy tư của người xưa gửi gắm trong câu chuyện, lại lồng ghép vào đó những câu chuyện về lòng biết ơn, về trách nhiệm của người cầm cán cân công lý ở địa phương, thậm chí chuyện đòi nợ khiến khán giả liên tưởng đến những băng nhóm tín dụng đen đang hoành hành ở các địa phương. Mượn tích xưa nói chuyện nay, về mặt này, vở chèo đã thành công.

Dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Chèo Việt Nam trong vở này, có đủ đất để diễn. Từ vai hai gã đòi nợ thuê có hai cái tên rất dân gian, Khoai và Sắn, khiến người ta liên tưởng đến cặp hề là biểu tượng của chèo. Người ta đi xem chèo, ngoài việc thưởng thức các làn điệu, còn là để xem hề. Một vở chèo hay bao giờ cũng kèm theo những màn hề đặc sắc. Hai nhân vật hề xuyên suốt vở chèo, đem lại cho khán giả những tràng cười vui vẻ và như được thư giãn. Nhất là khi một anh hề đóng đoạn giả gái sau khi chết, rồi chêm vào một câu rõ ràng là của thời đại mới “Là con gái thật tuyệt”, khiến khán giả bật cười một cách tự nhiên dù biết rằng đó hoàn toàn là câu nói không phải của thời xưa.

4247 20200625 205822

Có những tình tiết tuy rất nhỏ và thoáng qua nhưng tôi rất thích bởi ngôn ngữ chèo đặc quánh. Đó là cảnh gã phú ông khi chăm sóc bồi bổ cho cô gái tên Lụa để làm thần giữ của, bắt gia nhân bê từng món ăn lên và giới thiệu xuất xứ “sang chảnh”. Nó khiến khán giả liên tưởng đến thói hợm hĩnh và khoe giầu của trọc phú mọi thời đại. Tính hiện đại của vở chèo này cũng từ những tình tiết nhỏ như thế, được xử lý rất tinh tế.

Một câu chuyện dân gian vốn ma mị nhưng được tác giả và đạo diễn xử lý rất đời thường, với phong cách hài dân gian được đẩy đến cao trào. Tuy nhiên, đến cảnh đưa cô Lụa vào hang sâu làm thần giữ của, lúc này sự ma mị và liêu trai lại được đẩy lên tối đa, tạo cho người xem ấn tượng ghê rợn về lòng tham của con người. Khi lòng tham trỗi dậy, con người còn mạnh hơn cả ma quỷ. Màn múa trong hang là ý đồ của đạo diễn, nhưng phải dành lời khen cho Nghệ sĩ ưu túAn Chinh ở sự già giơ khi không chỉ minh họa cho vở diễn, mà chị còn cho màn múa một đời sống riêng, tạo thành một tiết mục độc lập.

Trong vở chèo này, đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Lê Thanh Tùng đã phát huy tối đa sở trường hài của mình. Các bài hát trong vở có những bài ít khi được dùng, nhưng hợp với ngữ cảnh và tình huống của nhân vật. Đạo diễn xử lý bài ca vừa phải, đến độ khán giả tưởng là vở này hát ít, nhưng khi nhớ lại thì hóa ra cũng không ít. Đủ độ nên khiến khán giả không cảm thấy lê thê và còn muốn nghe tiếp. Đó cũng là cái khéo của đạo diễn, bởi nếu tham bài hát nhiều quá, đôi khi khán giả lại chán và không có nhu cầu muốn xem tiếp. Nhất là trong thời buổi hôm nay, mọi thứ đều gấp gáp, nếu làm theo lối xưa, chắc chắn khán giả sẽ không còn nhiều hào hứng. Đạo diễn Lê Thanh Tùng tâm sự, muốn làm gì thì làm, nhưng vẫn phải giữ chất Chèo gốc trong các vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này