Người dân dừng chặn xe rác sau buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố

21:40 | 17/07/2020
(LĐTĐ) Sáng 17/7, tại UBND huyện Sóc Sơn, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Dự đối thoại có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cùng lãnh đạo địa phương.
Để rác thải đô thị không còn là nỗi lo của tương lai
Hà Nội: Thực hiện phân luồng rác tạm thời, giảm ùn ứ trên đường phố
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dân vùng ảnh hưởng tại Khu xử lý chất thải Sóc Sơn

Vướng mắc giữa thực tế và chính sách

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đã chia sẻ những khó khăn, vất vả với người dân các xã sống quanh các bãi rác trên địa bàn thành phố nói chung và người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn nói riêng.

Đồng chí Đào Đức Toàn cho biết, qua buổi đối thoại này, thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến của người dân và cán bộ địa phương, trên cơ sở đó, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố sẽ thông tin, giải đáp băn khoăn, kiến nghị của người dân. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, đoàn công tác sẽ tiếp thu và báo cáo tập thể lãnh đạo thành phố thống nhất phương án tháo gỡ.

ha noi nguoi dan dung chan xe cho rac sau buoi doi thoai voi lanh dao thanh pho 1
Người dân xã Hồng Kỳ đối thoại với lãnh đạo thành phố về công tác đền bù giải phóng mặt bằng khu vực chịu ảnh hưởng bởi khu liên hợp chất thải Nam Sơn.

Tại buổi đối thoại, đại diện người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ cho biết chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác. Việc áp giá bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và đất ở của người dân thấp hơn nhiều so với giá mua đất tái định cư. Vì vậy, người dân mong lãnh đạo huyện, thành phố sớm xem xét giải quyết...

Một số ý kiến cũng kiến nghị huyện Sóc Sơn xem xét lại việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, để người dân không thiệt thòi; tính toán lại việc bồi thường tài sản, hoa màu trên đất...

Nhận trách nhiệm từ chính quyền địa phương khi không đảm bảo tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phan Văn Minh cho biết, hiện còn khoảng 30 hộ dân tại xã Nam Sơn và một số hộ dân các xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ vẫn chưa kiểm đếm, đo đạc hiện trạng đất để lên phương án đền bù.

“Trong quá trình triển khai, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc công tác lên phương án, xác định thời gian tài sản hình thành trên đất, nhiều công trình phục vụ đời sống như tường rào, bếp, sân... vượt hạn mức 400 mét vuông đất ở. Có trường hợp do không xác định được thời gian xây dựng, địa phương phải thông qua cộng đồng dân cư cùng xác nhận” – Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho hay.

Mức đền bù đã cao hơn quy định

Trả lời kiến nghị của người dân, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh thành phố rất chia sẻ với người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

ha noi nguoi dan dung chan xe cho rac sau buoi doi thoai voi lanh dao thanh pho 4
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng trao đổi về những thắc mắc của người dân.

Theo quan điểm của thành phố, đối với diện tích đất mà người dân đang sử dụng, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ghi như thế nào thì khi đền bù, diện tích sẽ đúng như thế. Với những hộ được cấp GCNQSDĐ trên 400m2, có hộ 1.700m2, 2.000m2, vượt hạn mức được cấp, không đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp GCNQSDĐ cho hộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy vậy, người dân cũng nên tự giác phối hợp với chính quyền để điều chỉnh lại, thì vẫn đền bù đất ở đủ 400m2, phần diện tích còn lại, thành phố hỗ trợ đền bù 500 nghìn đồng/m2, cao hơn nhiều lần so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành.

“Việc này, huyện Sóc Sơn phải tuyên truyền, giải thích để người dân được biết. Bởi, không thể lợi dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng của Nhà nước để trục lợi. Tài sản đất nông nghiệp đền đất nông nghiệp, tài sản liền kề đền tài sản liền kề, nếu huyện không nắm rõ thì có thể hỏi các sở ngành.” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng nói.

Về những kiến nghị của người dân liên quan đến việc áp vị trí đất ở thu hồi và đất tái định cư được hưởng, lãnh đạo thành phố đề nghị huyện Sóc Sơn phải kiểm tra lại ngay, nếu sai phải sửa cho đúng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định: Thành phố bố trí đủ kinh phí và giải ngân ngay đối với các thửa đất đã hoàn thành hồ sơ, đúng theo quy định của pháp luật.

Để đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm, đo đạc, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cử cán bộ hỗ trợ trung tâm đất đai huyện đẩy nhanh tiến độ kiểm kê, đo đạc, hoàn thành trong tháng 7/2020.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân

Kết luận buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh, việc để xảy ra trường hợp người dân tiếp tục cản trở xe rác có một phần do vướng mắc về cơ chế chính sach, nhưng phần lớn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và một phần của người dân.

ha noi nguoi dan dung chan xe cho rac sau buoi doi thoai voi lanh dao thanh pho 2
Hà Nội: Người dân dừng chặn xe chở rác sau buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố

“Thành ủy, UBND thành phố rất nhiều lần nhắc nhở về sự chậm trễ của địa phương trong công tác đề bù, giải phóng mặt bằng hỗ trợ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn. Ở đây ngoài việc huyện phải sát sao hơn nữa, người dân cũng cần giám sát, phản ánh về đội ngũ lãnh đạo cấp xã, chuyên viên, lãnh đạo các phòng ban. Suy cho cùng, chính sách vẫn do con người thực hiện, việc để chậm trễ như vậy cần nghiêm túc xem xét”, lãnh đạo Thành ủy cho hay.

Về chính sách tái định cư, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng yêu cầu huyện Sóc Sơn xây dựng phương án với giá tối thiểu có thể để người dân được hưởng lợi nhiều nhất. “Chính sách tái định cư là để người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Ở đây là người dân có nhu cầu nên phương án tái định cư phải luôn đi trước một bước, không thể để giải phóng mặt bằng, người dân không có chỗ ở rồi vài ba năm sau mới bố trí tái định cư, như vậy là không được” - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Ngoài thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, huyện Sóc Sơn và các xã cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục... cho người dân các xã vùng ảnh hưởng của bãi rác. Đối với dự án tái định cư, phải thực hiện tốt công tác xây dựng hạ tầng để người dân đến ở thuận tiện nhất.

Được biết, ngay sau buổi đối thoại với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, người dân hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ đã tiến hành thu dỡ lều bạt, khu vực đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã hoàn toàn thông thoáng.

Việc người dân xã Hồng Kỳ không còn chặn xe chở rác đã góp phần giải tỏa việc tồn đọng rác thải trên địa bàn thành phố, bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân Thủ đô.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này