Để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của TP Hà Nội phát huy hiệu quả:

Tăng cường kết nối cung - cầu

11:57 | 16/07/2020
(LĐTĐ) Hà Nội có nhiều nông sản mang đặc trưng vùng, miền đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Để sản phẩm OCOP phát huy được hiệu quả, bài học rút ra là các địa phương cần lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, có lợi thế về chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, phải xây dựng chiến lược phát triển cụ thể, tránh tình trạng làm theo phong trào, dàn trải...
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Hà Nội công bố 275 sản phẩm OCOP

Cơ hội cho sản phẩm truyền thống

Thời gian qua, OCOP trên địa bàn Hà Nội đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân. Đáng chú ý, tiềm năng OCOP từ các làng nghề truyền thống là rất lớn, là cơ sở để lựa chọn, hoàn thiện, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

5605 ynh
Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua nhiều hình thức thiết thực. (Ảnh: M.Q)

Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Với những thế mạnh riêng có, nhiều làng nghề, làng có nghề ở Hà Nội ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Làm thế nào để giữ nghề và phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay là trọng tâm ưu tiên hàng đầu mà các làng nghề hướng đến.

Ở các địa phương nhiều tiềm năng này, để được “gắn sao”, sản phẩm OCOP sẽ qua đánh giá tại cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương thông qua các tiêu chí như: Sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc... Theo tìm hiểu, tính đến nay, 100% các quận/huyện/thị xã trên địa bàn Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Điều này cho thấy, sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong việc phát huy lợi thế, điểm mạnh nông nghiệp của vùng. Ngoài ra, để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển, Hà Nội đã tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các chủ thể, địa phương.

Khắt khe trong chọn lựa và sản xuất trước khi tung ra thị trường, nhờ vậy chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm miến làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) là ví dụ. Đúc rút kinh nghiệm được truyền qua nhiều thế hệ, người dân làng So đã sản xuất ra sợi miến có hương vị đặc biệt: Dai, dẻo, giòn, thơm… từ củ dong riềng. Chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên ở làng So cho biết, với nỗ lực hoàn thiện sản phẩm, cuối năm 2019, miến dong Dương Kiên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố. Cũng giống như những sản phẩm OCOP khác, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường là vấn đề quan tâm bậc nhất hiện tại.

Được biết, để giải quyết câu chuyện thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, ngay sau khi các sản phẩm được công nhận, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như: Tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, trung tâm thương mại Big C Thăng Long, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; tôn vinh các chủ thể sản phẩm OCOP tại Lễ hội sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm… Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền, bước đầu người tiêu dùng đã nhận diện được thương hiệu, đánh giá cao chất lượng các sản phẩm.

Là một trong những đơn vị có 15 sản phẩm được thành phố đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, bà Bùi Thị Thanh Hà - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của thành phố mà sản phẩm rau của đơn vị đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng lựa chọn. Hiện sản phẩm rau an toàn của chúng tôi đã được bán ở hầu hết các siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận”.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Khách quan nhìn nhận, việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu trước kia, những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương được sản xuất theo phương thức truyền thống thì khi tham gia vào Chương trình OCOP, những sản phẩm truyền thống này được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng, được mang thương hiệu cụ thể như: Gạo hữu cơ Đồng Phú, nếp cái hoa vàng Thụy Lâm, sữa bò tươi Phù Đổng, gốm sứ Bát Tràng... Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Mới đây, tại hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 2020, nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội đã bày tỏ mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa trong việc kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường…

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục mời thành viên là các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước cùng gặp gỡ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP để bàn thảo hoạt động mua/bán sản phẩm. Khi các nhà bán lẻ tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất để mua/bán sản phẩm thì giảm được chi phí trung gian và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá cạnh tranh…

Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tính đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 301 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua việc triển khai các hoạt động trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu sản phẩm OCOP… Cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền Chương trình OCOP trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm OCOP đã được thành phố quyết định công nhận cấp sao… để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP của Thủ đô đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ở câu chuyện thị trường cho các sản phẩm OCOP, bản thân các địa phương cũng có nhiều chủ động trong các khâu đoạn phát triển, nâng cao giá trị. Chẳng hạn, tại huyện Đông Anh, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm và đã chọn 40 sản phẩm gửi thành phố đánh giá, phân hạng OCOP trong năm 2020. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, huyện Đông Anh đã xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đồng thời, xây dựng các chương trình phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, hỗ trợ chuỗi sơ chế, hệ thống máy móc, quảng bá các sản phẩm thông qua hội thảo, hội chợ.

Tương tự, tại huyện Thanh Oai năm 2019, địa phương có 11 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 22 sản phẩm được chứng nhận. Để đạt được mục tiêu, huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nhóm sản phẩm này.

Với huyện Đan Phượng, năm 2020 địa phương cũng phấn đấu có 107 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Huyện đã và đang tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chương trình này; cụ thể về các nội dung: Sản phẩm nào được tham gia OCOP; lợi ích của chủ thể khi tham gia chương trình; những thủ tục cần thiết để đăng ký tham gia...

Rõ ràng, để các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ hơn, vẫn còn nhiều thách thức. Tiếp tục khắc phục những vấn đề đang đặt ra, từng bước nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm tham gia OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ… đang là những bước đi được các địa phương và các cấp ngành Thành phố quan tâm, đẩy mạnh. Hơn hết, ở tình trạng phổ biến của nông sản là sản xuất manh mún, tự phát, sản phẩm không tem mác… như hiện nay thì tham gia OCOP giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao lên rất nhiều. Các chủ thể tham gia chương trình được thành phố tư vấn để “chuẩn hóa” sản phẩm về hình thức, chất lượng, hồ sơ chứng minh nguồn gốc… Sản phẩm sau khi được công nhận, thành phố tiếp tục hỗ trợ việc thiết kế bao bì, nhãn mác để người tiêu dùng dễ nhận diện; giúp chủ thể tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm…

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này