Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội:

Phản biện về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ

16:27 | 29/06/2020
(LĐTĐ) Sáng 29/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố “Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Mặt trận Tổ quốc thành phố phản biện về mức chi đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19
Tăng cường giám sát và phản biện xã hội
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Mặt trận cần phải làm tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội

Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân.

phan bien ve quy dinh khu vuc khong duoc phep chan nuoi va cac chinh sach ho tro
Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội nghị phản biện xã hội.

Phản biện vào Dự thảo, các chuyên gia tham dự đều khẳng định, việc ban hành Nghị quyết là hết sức cấp thiết, cần nghiên cứu sớm để ban hành, quản lý. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự điều tra, khảo sát và đánh giá rất cụ thể về đối tượng cũng như các cơ sở chăn nuôi, để đảm bảo tính khả thi cao hơn, có tính đến yếu tố quy hoạch của thành phố, cân đối khả năng hỗ trợ của ngân sách thành phố…

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết, PGS.TS Vũ Hào Quang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội Ban Tuyên giáo trung ương, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội cho rằng: Việc ban hành Nghị quyết là hết sức cấp thiết, đảm bảo cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Hào Quang đề nghị, Mặt trận Tổ quốc thành phố cần tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học một cách bài bản, đảm bảo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân khi đưa ra một quyết sách. Bởi khi triển khai thành công sẽ mở ra hướng mới trong quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Trong điều tra, PGS.TS Vũ Hào Quang cho rằng, cần làm rõ được nguyện vọng, mong muốn của người dân có đồng thuận với chủ trương của thành phố hay không; khi không chăn nuôi nữa, họ sẽ chuẩn bị sinh kế như thế nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ quy mô, địa điểm khi chủ cơ sở xây dựng mô hình mới; khả năng tài chính thành phố hỗ trợ cho người dân… cần đảm bảo dài hơi và tính phát triển bền vững, lâu dài.

Đồng tình sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Thành phố về vấn đề này, cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố là đúng thẩm quyền, có đủ cơ sở pháp lý theo các Điều 12 , Điều 80 Luật chăn nuôi, tuy nhiên, ông Vũ Thành Vĩnh - Thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Mặt trận Tổ quốc thành phố cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, việc làm, đời sống của một bộ phận người lao động, nhu cầu của người tiêu dùng, thói quen và tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là ở những nơi địa bàn rộng, dân thưa, từ làng lên phố...

“Đặc biệt, đang trong lúc giá thịt lợn và gia cầm đang tăng cao, người chăn nuôi vừa qua đợt dịch tả lợn Châu Phi, đang đầu tư tái đàn, thì việc quyết định này cần được xem xét một cách cẩn trọng, thực tế cuộc sống; chính sách hỗ trợ cởi mở, thấu tình đạt lý, chia sẻ với thiệt thòi của các hộ chăn nuôi hơn nữa. Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, sự đồng thuận ủng hộ thuyết phục”, ông Vũ Thành Vĩnh nhấn mạnh.

Từ góc độ chính sách hỗ trợ, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, cần xem xét quy mô cơ sở được hỗ trợ có tính thuyết phục hơn, có điều tra, khảo sát cụ thể và tương đồng với khả năng quỹ hỗ trợ.

Về hỗ trợ xây dựng cơ sở mới, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Dự thảo đã nêu nguyên tắc chung, song để thuyết phục cần bổ sung yêu cầu quản lý, khai thác sử dụng sau khi đã xây dựng cơ sở mới. “Để có tính khả thi, đề nghị trong Tờ trình cần xác định rõ về các cơ sở các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đến nay, đảm bảo tính khả thi và khoa học để phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Thủ đô”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị.

Theo số liệu thống kê tại thời điểm tháng 5/2020, toàn Thành phố cổ khoảng 207.587 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm: 156.456 con trâu, bò/52.664 hộ, cơ sở chăn nuôi; 1.229.051 con lợn/44.655 hộ, cơ sở chăn nuôi lợn 42.616.059 con gia cầm (gà, vịt, ngan, chim cút)/109.873 hộ, cơ sở chăn nuôi; 14.297 con dê/395 hộ chăn nuôi. Trong đó, các phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh; huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì) đề xuất không được phép chăn nuôi trên địa bàn có 203.804 con gia súc, gia cầm/3.354 nông hộ, trang trại (trong đó có 91.545 con gia súc, gia cầm/3.300 nông hộ, 112.259 con gia súc, gia cầm (54 trang trại).

Đối với các phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô, các khu đô thị được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với số lượng chăn nuôi rất ít, hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn nuôi ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, khả năng lây lan dịch bệnh cao, có nhiều mối nguy về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển của đôi thị...

Vì vậy, 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động, trong đó 1.033 nông hộ/2.066 lao động, 54 trang trại/540 lao động (không tính số lao động ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng hoặc nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp, không lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính) cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này