Hậu Covid-19: Người lao động đừng để “tín dụng đen” tấn công

11:10 | 09/06/2020
(LĐTĐ) Sau dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến không ít người lao động mất  việc làm, giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp. Một số người lao động vì lo trang trải cuộc sống gia đình nên đã tìm đến “tín dụng đen” để được vay nhanh chóng, giải quyết khó khăn nhưng lại đẩy bản thân và gia đình vào tình thế khó khăn hơn.
hau covid 19 nguoi lao dong dung de tin dung den tan cong Tín dụng đen len lỏi từng ngõ ngách
hau covid 19 nguoi lao dong dung de tin dung den tan cong “Tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp

Anh Thành Trung là công nhân một công ty hoạt động về lĩnh vực xây dựng tại phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh vừa trả xong món nợ khiến anh mấy tháng nay mất ăn, mất ngủ. Chuyện là vào dịp cuối năm, do cần gấp một khoản tiền để sửa sang nhà cửa và chi tiêu trong dịp Tết nên anh đã tìm đến một trang vay tiền trực tuyến trên mạng với nhu cầu vay 20 triệu đồng trong thời hạn 3 tháng, kỳ hạn trả góp là ngày 15 hàng tháng. Sau khi hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu, anh được nhận số tiền vào tài khoản. Nếu như không có đợt dịch phát sinh, lộ trình trả nợ của anh sẽ diễn ra suôn sẻ như dự kiến.

hau covid 19 nguoi lao dong dung de tin dung den tan cong
Ảnh minh họa

Thế nhưng, dịch Covid-19 ập đến và lan nhanh trên diện rộng, công ty xây dựng nơi anh làm việc tạm dừng hoạt động vì không có thêm công trình mới. Công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đến kỳ trả tiền thứ 2, anh Trung xin khất lại ít ngày vì đang lúc khó khăn nên việc vay mượn tiền không phải dễ. “Thế là cứ mỗi ngày hàng chục cuộc điện thoại gọi tới, giục trả tiền. Những người này còn dọa nếu tôi không trả, sẽ gọi điện thông báo cho bạn bè, gia đình tôi và sẽ đưa hình ảnh tôi lên mạng xã hội. Tôi lo sợ đến mất ăn mất ngủ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định nói với các anh em trong gia đình. Dù còn đang khó khăn nhưng mọi người đều góp tiền cho tôi trả nợ vì lo sợ không biết những người cho vay kia sẽ còn làm những gì nữa”, anh Trung cho biết.

Trên thực tế, những trường hợp như anh Thành Trung không phải hiếm. Người lao động nếu có nhu cầu vay tiền, chỉ cần đăng thông tin vào một nhóm cho vay online trên các trang mạng xã hội ngay lập tức sẽ có người với danh nghĩa là nhân viên của tổ chức cho vay tiền online liên hệ tư vấn. Nhiều ưu đãi, tiện ích hấp dẫn luôn được đưa ra để mời chào như: cho vay chỉ trong thời gian ngắn, nhận tiền ngay trong ngày, vay không cần tài sản thế chấp, không cần liên hệ với người thân để đòi nợ.

Nhưng, hầu hết mức lãi suất đưa ra luôn cao hơn gấp nhiều lần so với lãi suất khi vay tại ngân hàng, luôn dưới 20% - mức bị liệt là cho vay nặng lãi hay còn gọi là “tín dụng đen”. Và chỉ đến khi “con mồi” đã sập bẫy, ngay lập tức hàng loạt chi phí phát sinh được liệt kê, dẫn đến số tiền phải trả bị đội lên khủng khiếp.

Trong vai là người có nhu cầu vay tiền, chúng tôi truy cập vào một trang tín dụng trực tuyến. Ngay khi mở trang, những thông tin được hiển thị như: “Chỉ cần chứng minh thư nhân dân (CMND) duyệt vay ngay 20 phút, chấp nhận nợ xấu ngân hàng”. Chúng tôi thực hiện theo các bước hướng dẫn để vay 2 triệu đồng, ngay lập tức có người gọi điện tư vấn, tự xưng là nhân viên đại diện cho tổ chức tín dụng thông báo khoản vay đã được phê duyệt.

Người này yêu cầu cung cấp các thông tin như: số CMND, 3 số điện thoại người thân, sổ hộ khẩu và tài khoản ngân hàng qua zalo. Sau khi hoàn thiện thủ tục, người vay được thông báo nhận tiền ngay trong ngày nhưng số tiền thực nhận chỉ có 1,4 triệu đồng (trong khi khoản vay là 2 triệu). Khi hỏi lại, bên tư vấn trả lời phải trừ trước 600 nghìn tiền phí hồ sơ, bảo hiểm khoản vay, tuy nhiên đến kỳ hạn trả tháng sau, người nhận nợ vẫn phải thanh toán đủ số tiền 2 triệu kèm lãi phát sinh.

Các đối tượng này lợi dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu về tài chính để chi tiêu hoặc thanh toán nợ nần nhưng không đủ điều kiện vay tiền từ ngân hàng. Từ đó, họ tìm đến vay trực tuyến vì điều kiện vay đơn giản, chấp nhận lãi suất cao. Kết quả là khó khăn lại chồng thêm khó khăn, khi con số nợ phải trả cả gốc lẫn lãi lớn hơn gấp nhiều lần số tiền vay thực tế, thêm vào đó tinh thần người vay luôn trong trạng thái hoảng loạn, lo lắng.

Theo Bộ Công an, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính,… Các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao, thậm chí các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi xuất cao bất thường, chơi hụi, họ, phường hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp.Ngoài ra, một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động để quảng cáo mời chào người có nhu cầu vay để cho vay với lãi suất rất cao.

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Vũ Quốc Hùng cho biết, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhânđể kịp thời giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng, ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, trường hợp gặp khó khăn về tài chính, không thể đảm bảo khả năng trả nợ, người tiêu dùng nên chủ động gửi văn bản tới đơn vị liên quan để đề xuất giải pháp hỗ trợ xử lý giãn nợ, tránh tình trạng để trả quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan.Đồng thời, người lao động không nên vay tiền của các đơn vị không công khai các chính sách thu nhập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần cảnh giác với những tổ chức, cá nhân cho vay “mập mờ” các điều kiện, điều khoản giao dịch chung cũng như không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch.

Mới đây, cơ quan công an vừa triệt phá một đường dây cho vay thông qua các ứng dụng trên điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”, lãi suất vay lên đến 1.095%/năm. Đường dây cho vay nặng lãi này do một số đối tượng người Trung Quốc thiết lập với khoảng 40 nhân viên người Việt có nhiệm vụ xét duyệt, thẩm định cho vay và đòi nợ hơn 60.000 người vay trải dài khắp 60 tỉnh, thành phố.

Theo ông Phạm Văn Tám - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an, chế tài xử phạt hiện nay dành cho đối tượng vi phạm liên quan đến tín dụng đen còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.Quy định của pháp luật về xử lí tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” hiện nay vẫn chưa cụ thể, chưa có chế tài phù hợp, hình phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Công tác quản lý địa bàn, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn rất hạn chế”, ông Tám cho hay.

Nhóm PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này