Hiệu quả từ việc phân loại rác tại nguồn

09:01 | 28/05/2020
(LĐTĐ) Ngay từ năm 2006, Hà Nội đã thí điểm khởi động dự án 3R phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên đến nay đã tạm dừng. Trong tình hình mới hiện nay, việc xem xét khởi động lại và nhân rộng chương trình là cần thiết và phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Hiệu quả mô hình phân loại rác thải nhựa tại nguồn
Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trong cộng đồng
Phân loại rác thải từ nguồn: Nhiều lợi ích sao vẫn khó nhân rộng?

Tái khởi động “dự án 3R”

Mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 6.500-7.000 tấn rác được mang đi chôn lấp. Trong đó khu xử lý Nam Sơn tiếp nhận trung bình 4.887 tấn/ ngày, khu xuân sơn là 1.066 tấn/ ngày.

Hiệu quả từ việc phân loại rác tại nguồn
Việc phân loại rác tại nguồn sẽ tạo thuận lợi cho công tác thu gom, tái chế rác thải.

Theo tính toán, các khu xử lý rác Nam Sơn, Xuân Sơn chỉ có thể tiếp nhận rác đến hết năm 2020, để gia tăng công suất, kéo dài thời gian tiếp nhận Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp như báo cáo nâng cao độ đổ rác, lập dự án xây tường chắn đất để nâng cao công suất chứa... nhưng đây đều không phải biện pháp lâu dài.

Theo ông Dương Mạnh Lương, Phó Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, trong những năm qua lượng rác thải trên địa bàn thành phố nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng tăng trưởng cao, trung bình gần 10%/năm. Khi lượng rác phát sinh lớn và chưa được phân loại sẽ gây lãng phí tài nguyên, tốn quỹ đất cho các bãi rác, tốn ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. “Công tác phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tạo nên một xã hội phát triển bền vững, giảm lượng rác thải cần xử lý. Ở các nước phát triển và một số thành phố của Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn” – ông Lương cho biết.

Thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) đã được triển khai ở Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả...), rác vô cơ (xương, sành sứ...), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…). Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Dự án thí điểm tại 4 phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ. Tuy nhiên, qua 2 lần thí điểm, công tác phân loại rác tại nguồn chưa thực sự được thành công như ý muốn để nhân rộng. Nguyên nhân chủ yếu là do khi thực hiện vẫn còn dùng chính sách bao cấp như cấp túi nilong, cấp thùng rác cho các hộ gia đình nên phát sinh kinh phí thực hiện cao và người dân chưa tự giác thực hiện.

Từ thực tế này, chi nhánh Hoàn Kiếm đã tham mưu Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Quản lý, phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và nilong trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn 2025”. Dự án được triển khai với mục đích thiết lập mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 là phân loại rác thành hai loại gồm tái chế và không tái chế. Giai đoạn 2 là phân loại rác theo công nghệ xử lý của thành phố. Để thực chương trình này, chi nhánh Hoàn Kiếm sẽ phối hợp đưa vào sử dụng phần mềm thực hiện thu rác tái chế theo công nghệ 4.0, thông qua phần mềm người dân có thể liên hệ với người thu gom rác tái chế, đặt lịch đến thu tại nhà vào 2 ngày cuối tuần là thứ bẩy và chủ nhật. Sau cùng, công ty sẽ phối hợp bán rác thải tái chế cho các đơn vị đủ chức năng tái chế rác theo đúng quy định của Nhà nước.

Tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm

Thực tế trong việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, để xử lý, tái chế một cách hiệu quả rác thải sinh hoạt, việc triển khai các giải pháp đồng bộ trong việc phân loại rác thải tại nguồn, cũng như các cơ chế tài chính và kỹ thuật cho xử lý, tái chế rác thải có ý nghĩa quan trọng. Trước đây, thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ môi trường.

Năm 2009, xã Đại Đồng, Thạch Thất triển khai đề án “phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”, dự án thu hút 1.353 hộ tham gia. Mô hình này được nhân rộng tại 5 xã khác của huyện này. Cái được của đề án là 100% số hộ dân, cơ quan, đơn vị đã phân loại rác thải tại nguồn thành 2 loại: Rác phân hủy (có nguồn gốc thiên nhiên), rác không phân hủy (túi ni lông) và đã giảm được 30% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp.

Cụ thể, tại Điều 4, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn để xử lý, tái sử dụng. Việc này cũng đang được thực thi nghiêm túc tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Theo đó, nếu không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Nếu tái phạm nhiều lần, người dân có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, rút kinh nghiệm từ hội nghĩ Mỹ Triều lẫn dịch Covid-19 vừa qua vì sao sạch, có hai nguyên nhân chính, thứ nhất là chúng ta quản lý được nguồn thải, thứ hai là sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền. “Từ khi có nghị định 155, suốt từ năm 2015 thành phố Hà Nội mới xử phạt hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên từ 20/4/2019, nhờ sự vào cuộc tích cực của chi nhánh Hoàn Kiếm khi đi quay phim, chụp ảnh các vi phạm và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, riêng quận Hoàn Kiếm đã xử phạt hơn 300 triệu đồng” – ông Tuấn nhấn mạnh. Nói rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho rằng, điều quan trọng không phải xử phạt được bao nhiêu, mà từ công tác tuyên truyền và xử phạt người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Điều này cũng chính là mấu chốt để công tác phân loại rác tại nguồn có thành công hay không.

Nhiều chuyên gia cho rằng, từ cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và thực tiễn phát triển cho thấy đã đến lúc Hà Nội cần xem xét triển khai mạnh mẽ hơn việc phân loại rác tại nguồn. Trước tiên, cần tiếp tục tuyên truyền và xử lý nghiêm hành vi xả rác không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Sau đó sẽ bắt buộc phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, phải có thông báo hướng dẫn chi tiết thế nào là rác hữu cơ, rác tái chế, rác thải khác và hợp đồng thu gom, vận chuyển rác với đơn vị nào.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này