Phòng, chống đuối nước quan trọng vẫn là hành động!

10:12 | 26/05/2020
(LĐTĐ) Những ngày đầu hè, tại các địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tử vong do đuối nước. Hà Nội cũng không ngoại lệ. Đáng nói, thực trạng đau lòng này dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng hầu như năm nào cũng tái diễn. Để nỗi đau không nhức nhối, công tác phòng chống đuối nước cần thiết thực hơn, không chỉ đơn thuần chỉ dừng ở mức đưa ra những thông điệp cảnh báo hiểm nguy.
Tăng cường các giải pháp phòng, chống đuối nước
Tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống đuối nước

Nâng cao cảnh giác

Gần đây, do nhiệt độ tăng cao nên hiện tượng người dân tìm đến các sông hồ để bơi, tắm, giải nhiệt diễn ra khá phổ biến. Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh nhiều người tìm đến khu vực bãi giữa sông Hồng để bơi lội, tập luyện. Đáng nói, trong những người đi "giải nhiệt", có không ít trẻ em. Chỉ cần vài phút bất cẩn của người lớn cộng với sự hiếu động của trẻ nhỏ, hậu quả sẽ khó lường.

Phòng, chống đuối nước quan trọng vẫn là hành động!
Trẻ nhỏ chơi sát mép ao hồ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Giang Nam

Vụ tai nạn đuối nước của học sinh Trường Trung học phổ thông Bất Bạt (huyện Ba Vì) vừa xảy ra ngày 19/5 một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những hệ lụy do thiếu trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước. Theo đó, khoảng 17 giờ ngày 19/5, sau giờ học về nhà, 2 nữ sinh lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Bất Bạt là N.T.L học sinh lớp 10A2 và học sinh Đ.T.N học sinh lớp 10A3 ở đội 2, thôn Đan Thê, xã Sơn Đà ra sông Đà tắm không may trượt chân xuống vùng nước sâu, bị đuối nước.

Đáng nói, khu vực này vào buổi chiều thường có rất nhiều người trong khu vực ra tắm. Từ vụ việc đau lòng này cũng cho thấy ngoài “lỗ hổng” thiếu kỹ năng bơi lội, nhiều trẻ em còn thiếu kỹ năng nhận biết những vùng nước xoáy, những nguy cơ tiềm ẩn trong nước và làm sao để thoát khỏi những nguy hiểm đó. Trong khi đó, môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Không nói đâu xa, tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội vẫn còn giếng nước, bể nước, chum vại không có nắp đậy an toàn, công trình xây dựng không có rào chắn, biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Trong các khu phố nội thành vẫn còn những ao, hồ thiếu rào chắn tập trung nhiều trẻ nhỏ vui đùa, câu cá.

Chủ động phòng chống

Hằng năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Từ thực tiễn cũng cho thấy, thông thường các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè. Để hạn chế các vụ đuối nước, tăng cường trang bị kỹ năng cho trẻ, Hà Nội đã triển khai các giải pháp như lắp bể bơi thông minh, kêu gọi xã hội hóa, nỗ lực xóa các “vùng trắng” bể bơi. Nhiều nỗ lực song hiện tại số bể bơi hiện có tại các địa phương trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này trực tiếp gây nhiều khó khăn cho công tác phổ cập bơi, dạy kỹ năng chống đuối nước, kỹ năng cứu đuối nước cho trẻ em.

Dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Được biết, với vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các địa phương, tùy vào tình hình thực tế để tổ chức các khóa học bơi, kỹ năng an toàn cho trẻ bằng kinh phí địa phương để phổ cập bơi cho trẻ từ 6-12 tuổi. Nhiều nơi đã thực hiện tốt nhờ việc xã hội hóa, xây dựng bể bơi di động, dạy bơi miễn phí cho học sinh.

Riêng tại Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực bơi lội. Công tác phổ cập bơi cho học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng được coi trọng nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, hạn chế tai nạn đuối nước. Minh chứng dễ thấy, nhiều nơi nhà trường cùng phối hợp tốt với phụ huynh dạy bơi cho trẻ, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhắc nhở học sinh trong các buổi chào cờ… nhờ các biện pháp chủ động phòng ngừa này, tai nạn đuối nước được giảm thiểu đáng kể.

Ví dụ, tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (quận Đống Đa) cũng vừa có thông báo về nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục thể chất đối với học sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Theo đó, 100% học sinh sau khi đăng ký nhập học đều phải tham gia khóa học bơi và phải biết bơi sau khi hoàn thành khóa học, nếu không sẽ phải học lại. Đây là yêu cầu bắt buộc của nhà trường từ nhiều năm nay với những học sinh đầu cấp, nhằm hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc do không biết bơi. Còn tại huyện Thanh Oai, được biết thời gian qua, để giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn thương tích, các ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Thanh Oai đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các sở, cơ sở giáo dục và đào tạo yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình...; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, nhất là trong khoảng thời gian đi trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và trong thời gian được nghỉ học, nghỉ hè. Các nhà trường chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước…

Đáng chú ý, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn với những thành viên cốt cán là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời phát triển mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên đến từng thôn, xóm, bổ sung thiết bị sơ cấp cứu tai nạn thương tích tại trạm y tế, tổ chức truyền thông trực tiếp về các kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, trường học.

Rõ ràng, việc tăng cường tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ tai nạn đuối nước đã có và đang được các cấp ngành triển khai tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại sẽ không cao nếu thiếu sự chung tay từ gia đình. Theo đó, cha mẹ, người giám sát trẻ cần loại bỏ tâm lý chủ quan, xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ như giếng, ao hồ, sông suối, cánh đồng lúa, các kênh, rạch thủy lợi, cống thoát nước, bồn tắm, chậu tắm, lu nước, hồ bơi, bãi biển...

Ngoài ra, cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải luôn dạy trẻ về nguyên nhân và những nguy cơ đuối nước. Giúp trẻ nhận thức rõ không chơi hoặc đến gần các nguồn nước mở, trừ khi được người lớn giám sát. Phụ huynh cũng cần trang bị cho trẻ những kĩ năng mềm, kĩ năng sống cần thiết, những bước sơ cứu cần thiết khi xảy ra sự cố. Nếu thấy ai đó gặp đuối nước, trẻ cần gọi người lớn ngay lập tức. Nếu không, giúp đỡ bằng cách đưa sào, gậy hoặc quăng dây, vật nổi như chai nước rỗng cho người gặp nạn, tuyệt đối không xuống nước để cứu người bị nạn.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này