Cần thiết duy trì quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

21:09 | 21/05/2020
(LĐTĐ) Chiều ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
can thiet duy tri quy ho tro viec lam ngoai nuoc Nhu cầu việc làm tăng trở lại
can thiet duy tri quy ho tro viec lam ngoai nuoc Rộng mở cơ hội việc làm tại các khu công nghiệp - chế xuất
can thiet duy tri quy ho tro viec lam ngoai nuoc Nhóm nghề nghiệp nào phù hợp với bạn?

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục làm rõ một số vấn đề sau: Rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.

can thiet duy tri quy ho tro viec lam ngoai nuoc
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Định hướng rõ việc phát triển hoạt động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm. Đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng, kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước khác trên thế giới.

Về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban thấy rằng, Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, có bổ sung, cập nhật một số thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 2, Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa Tờ trình với dự thảo Luật, dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành; một số nội dung vẫn chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Ủy ban nhận thấy việc sửa đổi Luật lần này được tiến hành một cách toàn diện, có những vấn đề liên quan đến nhiều đạo luật khác, nên cần tiếp tục thảo luận, tham vấn rộng rãi, bảo đảm đồng thuận xã hội. Đồng thời, số lượng các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tham gia, góp ý đối với dự án Luật còn hạn chế. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; của cơ quan thẩm tra và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp…

Liên quan đến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo giải trình rõ việc bổ sung quy định này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công, giảm các đơn vị sự nghiệp và có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công sử dụng vốn ngoài ngân sách? Việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bị giải thể hoặc không còn chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng? .

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. “Quỹ do doanh nghiệp, người lao động đóng góp, nên các nội dung chi cần hướng đến mục tiêu chính để phục vụ doanh nghiệp, người lao động” - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Làm rõ tính không trùng lắp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, của doanh nghiệp, các quỹ an sinh xã hội, tiền ký quỹ của doanh nghiệp, khoản ký quỹ của người lao động, hợp đồng cung ứng lao động và việc bảo đảm tính khả thi, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ cơ sở để quy định việc trích 10% quỹ dùng để chi cho bộ máy quản lý điều hành trong dự thảo văn bản hướng dẫn và tính tương quan với các loại hình quỹ khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, để bảo đảm tính khả thi của dự án Luật, Ban Soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động về khả năng nguồn lực, khả năng ngân sách của nhà nước nhất là với các chính sách mới; đồng bộ giữa các nội dung sửa đổi của Dự án Luật với các quy định của các luật khác có liên quan. Ngoài ra, để bảo đảm thuận lợi trong việc triển khai Luật trên thực tế, cần cân nhắc hạn chế tối đa số điều khoản giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc tập trung giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm các nội dung giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này