Thành quả của sự nghiệp "trồng người"

13:14 | 21/05/2020
(LĐTĐ) Những năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, nền giáo dục hiện nay vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Để quá trình đổi mới đi đến thành công, đúng định hướng, đòi hỏi chúng ta phải tuân theo những chỉ dẫn và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục.
Thầy giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người
Hồ Chủ tịch với sự nghiệp trồng người - trồng cây

Tầm nhìn vượt thời đại

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một vấn đề rộng lớn, mang tính bao quát từ vai trò, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giáo dục đến tổ chức, quản lý, xây dựng đội ngũ, chủ trương, chính sách đối với giáo dục và đào tạo.

Thành quả của sự nghiệp
Những năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. (Ảnh minh họa: P.T)

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh coi giáo dục là một kế sách lâu dài, là đòn bẩy cho sự văn minh, giàu mạnh của một dân tộc và của cả nhân loại. Trong suốt chặng đường lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo. Người coi "Giáo dục là cốt sách hàng đầu" trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh thời, Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Người luôn chỉ đạo Đảng và Nhà nước ta về sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con nguời. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Người giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt, cán bộ tốt cho Nhà nước.

“Trong tư tưởng cũng như trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nội dung giáo dục không chỉ có kiến thức văn hóa, mà quan trọng hàng đầu là giáo dục đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, trí, lễ, nghĩa, tín, dũng, liêm, chính... Đây là tư tưởng cơ bản nhất của Người về giáo dục”- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, sứ mệnh của các thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”.

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tư tưởng lớn, mang tính bao quát, tầm nhìn chiến lược về giáo dục mà cả cuộc đời, Người đã phấn đấu không mệt mỏi để xây dựng nền giáo dục mới. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đối với công tác giáo dục. Những năm qua, ngành Giáo dục nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục. Đấy cũng chính là mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa.

Phát triển năng lực sẵn có của người học

Thông tin tại Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết (Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong sự nghiệp vinh quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi giáo dục đóng vai trò to lớn trong công cuộc giữ nước và dựng nước bởi muốn thắng cường địch hay xây dựng chế độ mới đều cần những con người có trí tuệ, có đạo đức - những tố chất mà giáo dục mang lại. Việc giáo dục đúng hướng sẽ biến “con người sinh học” thành con người làm nên lịch sử và ngược lai. Người đã từng nhấn mạnh: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa” và tất cả các thành tựu khác. Người cũng chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ nhưng luôn nhấn mạnh “cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục” , tức là “chuẩn đầu ra” của giáo dục trước hết phải là những “người tốt”.

PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết nhận định, đây là quan điểm hết sức sâu sắc bởi không phải ai cũng có thể trở thành thiên tài nhưng nếu cố gắng thì ai cũng có thể trở thành người tốt và là người tốt thì tất yếu sẽ có ích cho xã hội. Hơn nữa, tâm có trong thì trí mới sáng, phải “thành nhân” mới có thể “thành công”; đạo đức với trách nhiệm cao trong công việc sẽ là “bệ đỡ” để con người vươn tới tài năng. Vì thế, chú trọng việc giáo dục đạo đức sẽ không chỉ được “đức” mà còn được cả “tài”. Ngược lại, nếu không có đạo đức thì dù tài năng đến mấy cũng vô dụng, thậm chí còn nguy hại đối với xã hội.

“Quan điểm coi trọng việc giáo dục đạo đức của Hồ Chí Minh tỏ rõ tính minh triết trong thời đại cách mạng 4.0. Khi con người đã sáng chế ra trí tuệ nhân tạo, các rô-bốt thông minh, các máy tính siêu thông minh thì sự phân biệt giữa người và máy chỉ còn là tình cảm và đạo đức. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường giáo dục đạo đức sẽ đánh thức phần “thiện lương” trong mỗi con người, giúp họ tìm ra lẽ sống và cách hành xử hợp đạo lý để thành người có ích cho xã hội và bản thân họ cũng có được hạnh phúc đích thực”- PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết nhấn mạnh.

“Có thể nói, hơn bao giờ hết Bác Hồ là một trong những vị lãnh tụ, những nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà; là người giành nhiều công sức, trí tuệ và tình cảm cho ngành giáo dục. Bác đặt kỳ vọng của dân tộc, của nước nhà vào sự nghiệp giáo dục” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, hiện tượng tiêu cực trong giáo dục vẫn tồn tại. Vì thế, Người không nhất loạt “tụng ca” theo chức danh nhà giáo mà nói rất cụ thể: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Ngược lại, những người chưa gương mẫu sẽ ảnh hưởng không tốt đến danh dự người thầy và người học. Vì thế, đã làm thầy thì phải xứng danh người thầy, phải biết giữ gìn tiếng thơm. Bằng việc khẳng định “không phải ai cũng làm thầy được”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với đội ngũ nhà giáo mà còn định hướng cho chính sách tuyển sinh, đào tạo ở các trường sư phạm và phương hướng lựa chọn nhân lực của các cơ sở giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học. Quan điểm của Hồ Chí Minh về phương pháp dạy cách tư duy, phát triển óc sáng tạo cho người học hiện đang là nguyên tắc trọng yếu của nền giáo dục hiện đại. Giáo dục không phải là dạy học thuộc lòng tri thức mà là huấn luyện khả năng tư duy bởi đó là năng lực riêng có của con người, là thước đo của “trình độ người”. Người cũng luôn nhấn mạnh giáo dục phải dạy cho người học cách tự học, học tập suốt đời, “lấy tự học làm cốt”từ cách tìm tài liệu, cách nghĩ đến cách thực hiện một quy trình học tập mà không có thầy giáo. Trong thời đại thông tin ngày nay, tự học là yêu cầu bắt buộc. “Điều đang là xu thế của thế giới và mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam thực chất đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh và thực hiện cách đây gần thế kỷ bởi chính Người đã trở thành danh nhân văn hóa kiệt xuất bằng con đường tự học” - PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết chia sẻ thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, học tập là phải học theo phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học để làm, học sách vở gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thật sự giỏi, thật sự năng động và sáng tạo nên trách nhiệm của những người thầy lại càng cao, nhiệm vụ càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn. Bởi thế cả thầy, cả trò phải ra sức học tập: Học lý thuyết áp dụng vào thực tế bằng phương pháp tư duy khoa học. “Có thể nói, hơn bao giờ hết Bác Hồ là một trong những vị lãnh tụ, những nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà; là người giành nhiều công sức, trí tuệ và tình cảm cho ngành giáo dục. Bác đặt kỳ vọng của dân tộc, của nước nhà vào sự nghiệp giáo dục” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này