Vận dụng, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giáo dục

16:24 | 19/05/2020
(LĐTĐ) Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Bác, ngày 19/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục.
van dung phat huy tu tuong ho chi minh trong su nghiep giao duc Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe nhân dân và góc nhìn chống đại dịch Covid-19
van dung phat huy tu tuong ho chi minh trong su nghiep giao duc Hội nghị chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong suốt chặng đường lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo. Người coi “Giáo dục là cốt sách hàng đầu” trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Người, giáo dục có nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Vì vậy, xuyên suốt những năm tháng lãnh đạo đất nước, Người luôn chỉ đạo Đảng và Nhà nước ta về sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người.

van dung phat huy tu tuong ho chi minh trong su nghiep giao duc
Các đại biểu tham dự Hội Thảo. (Ảnh: Lê Thắm)

Trong tư tưởng, cũng như trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nội dung giáo dục không chỉ có kiến thức văn hóa, mà quan trọng hàng đầu là giáo dục đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, trí, lễ, nghĩa, tín, dũng, liêm, chính...

Bên cạnh đó, Người cũng đánh giá cao sứ mệnh của người thầy trong việc đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ. Theo Người, một ngươi thầy giáo tốt là một người vẻ vang nhất. Dù những cống hiến của họ không được đăng trên báo hay tặng huân chương thì họ vẫn là những người anh hùng.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đối với công tác giáo dục. Trong những năm qua, ngành giáo dục nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục.

“Hội thảo là dịp để ngành Giáo dục ôn lại và khắc ghi những lời căn dặn đầy tâm huyết và ân tình Bác đã giành cho ngành, và thêm lần nữa khẳng định giá trị to lớn lời dặn của Người với sự nghiệp giáo dục, cụ thể hóa các lời dạy của Bác vào công tác giáo dục, đào tạo. Mỗi tham luận, báo cáo của các nhà khoa học, sinh viên là những đóa hoa tươi thắm dâng tặng Người nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Bên cạnh đó, thông qua kết quả báo cáo và thảo luận tại Hội thảo, mỗi một cán bộ, giáo viên luôn ý thức được trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ không chỉ về tri thức mà còn về đạo đức cách mạng; tăng cường trách nhiệm của thầy cô giáo với người học, dẫn dắt học sinh, sinh viên trong học tập và rèn luyện.

Đồng thời, Hội thảo cũng nêu ra các phương pháp học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh để học sinh, sinh viên vận dụng và noi theo, đó là: Học để làm, học sách vở gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thật sự giỏi, thật sự năng động và sáng tạo.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 bản tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nguyên cán bộ, cán bộ khoa học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường đại học tại Hà Nội…

Các bài tham luận đều tập trung đi sâu, làm rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, triết lý của Hồ Chí Minh về giáo dục; những cống hiến, đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh đối với quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam; sự vận dụng, phát triển tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này