Độc đáo không gian nghệ thuật ven sông Hồng

10:36 | 14/05/2020
(LĐTĐ) Chỉ trong chưa đầy 2 tháng thi công, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ đã cải biến khu vực ven sông Hồngvốn được coi là mặt sau của thành phố trở thành một điểm nhấn nghệ thuật thu hút giới truyền thông, các bạn trẻ và khách nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh.
NSND Vương Duy Biên với không gian nghệ thuật độc đáo sáng tạo
Khách sạn duy nhất ở Hà Nội lưu giữ chiếc ống khói "chứng nhân lịch sử"
Bức graffiti đẹp nhất Hà Nội

Lấy cảm hứng từ chính thế ven sông Hồng

Dự án này với tên gọi Nghệ thuật công cộng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi xướng từ mùa hè năm 2019, hoàn tất trong tháng 2/2020. Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn – Giám tuyển Dự án cho biết, tiếp theo sự thành công bước đầu của dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, nhằm mang lại không gian văn hoá giải trí mới cho cộng đồng, dự án nghệ thuật công cộng trên khu vực phường Phúc Tân ven Sông Hồng đã ra đời.

Độc đáo không gian nghệ thuật ven sông Hồng
Nhóm hoạ sĩ bên tác phẩm “Bức tường danh vọng”.

Đây có thể coi là một nỗ lực tiếp theo chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện nhằm giúp Hà Nội có thêm nhiều không gian nghệ thuật công cộng, vui chơi, giải trí cho người dân. Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng của bãi Phúc Tân – khu vực ven sông Hồng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.

Một đặc điểm cũng hết sức đặc trưng của khu vực này là tuy có vị trí ven Sông Hồng lịch sử nhưngbãi Phúc Tân nói riêng cũng như những khu vực chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như mặt tiềnthành phố như nhiều nước văn minh trên thế giới. “Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hoá đó nhóm nghệ sỹ chúng tôi có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây” – hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Dự án phần lớn sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ông bô xả… cũng như các đồrác thải từ chính nơi đây cũng như từ những khu xử lý đồ tái chế khác trong thành phố làm nguyên liệu chính để tái tạo ra các tác phẩm sắp đặt tương tác với bối cảnh của dòng sông Hồng cũng như cùng lịch sử văn hoá phong phú của Thăng Long Kẻ Chợ.Có 16 nghệ sỹ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài gần 200 mét. Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sángban đêm, được kỳ vọng là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, có khả năng thu hút cộng đồng cũng nhưmang lại lợi ích về văn hoá, môi trường và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.

Nhóm hoạ sĩ nỗ lực làm đẹp Thành phố

16 tác phẩm nghệ thuật được thực hiện tại đây phần lớn được lấy cảm hứng từ văn hoá lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Nổi bật trong số này là tác phẩm “Xẩm tàu điện” của hoạ sĩ tranh đồ hoạ nổi tiếng Phạm Khắc Quang. Anh đã tham gia dự án nghệ thuật phố Phùng Hưng và dự án nghệ thuật đương đại trong hầm nhà Quốc Hội. Với dự án lần này, anh muốn tương tác với lịch sử Hà nội xưa bằng nghệ thuật hát Xẩm tàu điện, giờ đã trở thành 1 di sản văn hoá phi vật thể đã bị đánh mất của Hà nội.

Với “Xẩm tàu điện”, hoạ sĩ Phạm Khắc Quang đã sử dụng các mẩu thép vụn và thép tấm được cắt CNC sau đó xếp lại thành những điểm ảnh tạo nên hình ảnh 2 toa tàu điện- một hình ảnh quenthuộc trong ký ức của Hà Nội xưa, trên đó xen lẫn phảng phất hình bóng của những nghệ nhân hát xẩm cùng với hình bóng của phố phường Hà nội xưa. Phía sau những tấm thép được trổ thưa thành điểm ảnh sẽ có những tấm kính màu được tạo ra từ túi ni lông bỏ đi. Một vấn đề đưa rác tái chế vào kết hợp với ánh sáng để đối thoại với những di sản văn hoá đã bị đánh mất của cộng đồng, nhằm đưa ra những thông điệpvà những suy tư thẩm mỹ cho khán giả. Đây là một tác phẩm có sự đầu tư công phu khi vừa mang tính văn hoá, vừa có sự sáng tạo nghệ thuật lồng ghép với vấn đề bảo vệ môi trường.

Bên cạnh “Xẩm tàu điện” là tác phẩm “Voi”, “Sống xanh” của tác giả Goerge Burchett. Ông là 1 hoạ sĩ người Úc sinh ra tại Hà Nội, đã từng sống và làm việc tại Việt nam nhiều năm. Với tình yêu văn hoá Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, ông đã sử dụng hình ảnh con voi trong lịch sử văn hoá Việt Nam, con voi của bà Trưng bà Triệu đã từng tham gia đánh giặc, con voi cũng là biểu tượng gắn liền với thiên nhiên để tạo nên tác phẩm của mình.

Ông làm thành mô hìnhcon voi giống như cách gập giấy thủ công của trẻ con với mong muốn tác phẩm sẽ có được sự tương tác đặc biệt với các em nhỏ. Một tác phẩm nhằm tôn vinh gốm ven sông – gốm Bát Tràng của hoạ sĩ nổi tiếng Vương Văn Thạo mang tên là “Lịch sử vỡ”.Vương Văn Thạo là 1 hoạ sĩ nổi tiếng với thực hành đa dạng các chất liệu từ tranh vẽ đến điêu khắc. Đề tài của anh thường là các hoá thạch di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được đóng băng trong những khối hổ phách. Với dự án này, bằng chất liệu chủ yếu là đĩa gốm, anh tham gia sắp đặt 36 đĩa gốm đường kính 30cm, tương tác với câu chuyện về làng gốm Bát Tràng. Tác phẩm vẽ những hình bóng những ngôi đình làng trong phố cổ Hà Nội bị phân thành các mảnh vỡ sau đó được ghép lại giống như 1 sự suy tư về những giá trị văn hoá bị mất mát trong lịch sử và gợi lên những câu hỏi về ứng xử của thời đại này với những giá trị di sản đó.

Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế vốn là tác giả quen thuộc của các dự án do hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển. Anh là 1 hoạ sĩ và là 1 nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng, đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng như sách khảo cứu chuyên sâu về những biểu tượng từ mỹ thuật truyền thống đến mỹ thuật hiện đại, tiêu biểu là cuốn “Song xưa phố cũ”. Tác phẩm “Bức tường danh vọng” của anh với chất liệu cổng sắt cắt CNC, xi măng, vẽ tranh tường, gạch hoa cũ, cây leo. Anh sử dụng 5 cánh cửa bằng sắt cắt CNC giống như những ký ức về những cánh cửa của những căn “nhà Tây” bị biến mất đi trong quá trình phát triển của đô thị, kết hợp với bích hoạ vẽ hoa giấy lên tường gợi nhớ về 1 Hà nội yêu kiều và lãng mạn thuở xa xưa.

Tác phẩm “Phù sa”hoạ sĩ trẻ Nguyễn Đức Phương cũng rất thú vị khi lấy bụi của đô thị kết hợp với phù sa của sông Hồng và các mảnh sảnh được thu lượm từ dưới đáy sông để tái hiện lại nền móng của 1 ngôi chùa thế kỷ 16 đã bị biến mất. Đức Phương là một hoạ sĩ trẻ sáng tác chủ yếu dựa trên chất liệu truyền thống và khai thác các kýức của văn hoá lịch sử bị mất mát qua quá trình đô thị hoá.

Đáng chú ý là tác phẩm của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn với câu chuyện về những người gánh rong, những người bán hàng, những người lao động đã từng tụ tập ngay chính tại bến sông này. Tác phẩm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền của đất Kẻ chợ xa xưa. Bên cạnh đó là 2 bức phù điêu với tổng chiều dài là 6m bằng xi măng trộn với composit, đây là phiên bản thu nhỏ phục dựng lại của bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp hiện đang nằm trên đoạn tường bị che khuất của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm sắp đặt này giống như 1 đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống cũng như những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.

Sau dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, nơi đây được kỳ vọng sẽ là một không gian nghệ thuật đương đại mới của Thủ đô, gắn bó với đời sống của cộng đồng. Những nỗ lực của nhóm hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn trong việc cải tạo, làm đẹp Thành phố đã được công chúng ghi nhận. Bãi Phúc Tân từ là nơi người ta thoải mái xả rác bừa bãi, giờ người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, trước những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, dường như họ không “nỡ” làm bẩn khu vực này. Đây là sự khẳng định nghệ thuật và những nghệ sĩ chân chính là một trong những “đại sứ” trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa, lối sống văn minh, hiện đại của Thủ đô.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này