Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt

11:24 | 14/05/2020
(LĐTĐ) “Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt” là cuốn sách được xem lại tập đại thành của nhà sử học, tiến sĩ Đinh Công Vỹ (Viện nghiên cứu Hán Nôm). Cuốn sách bao gồm nhiều thể loại biên khảo đến sáng tác và phê bình văn học của cả một đời cầm bút. Báo Lao động Thủ đô có cuộc trò chuyện với nhà sử học về thành tựu khoa học khảo sát văn học đáng chú ý này.
Sáng tạo văn học nghệ thuật vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước
Sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm
Lịch sử trong văn chương, hư cấu nhưng không được sai lệch
Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt
Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ

PV: Thưa tiến sĩ, ở nhiều tác phẩm sử học của ông cho thấy ông là nhà khoa học làm việc hết sức nghiêm túc và say mê, cẩn trọng tìm ra những góc nhìn mới, phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc, hấp dẫn nhằm làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp của nhiều doanh nhân Việt Nam qua các thời kỳ. Ở tác phẩm “Tìm ngọc trong di sản văn chương” dường như bố cục và nội dung có nhiều mới lạ hơn những nghiên cứu trước đó. Xin ông chia sẻ thêm về thành tựu này?

Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ: Cuốn sách có xu hướng thiên về văn chương nên cách bố cục chia thành năm mục lớn: “Tìm trong các thể loại thơ văn truyền thống”; “Tìm trong các tác gia văn học tầm vóc”; “Tìm trong bè bạn bốn phương: Tựa đề, phẩm bình, giới thiệu”; “Tìm trong trung tâm tâm thơ, các câu lạc bộ thơ văn, nói chuyện, báo cáo”; và cuối cùng là “Các bài chúc văn tụng đọc trong các ngày lễ trọng thể”.
Ở phần một - “Tìm trong các thể loại thơ văn truyền thống”, tác phẩm đi sâu vào khảo sát và nghiên cứu khá kỹ các thể loại câu đối, sắc phong, thơ Đường, ký, truyện, tiểu thuyết và kịch lịch sử. Ở phần này, ngoài việc đề cập đến giá trị lịch sử, giá trị văn chương của câu đối và thơ Đường. Hiện nay, người đọc rất quan tâm đến mảng phê bình tác phẩm tiểu thuyết lịch sử.

Phần hai của cuốn sách - “Tìm trong các tác gia văn học có tầm vóc”, là những nghiên cứu sâu, bình luận để làm sáng tỏ chân dung các vị vua: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông; các danh nhân văn hóa của đất nước như ba vị Đại vương Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính; các danh nhân Nguyễn Hy Quang, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý, Vũ Phạm Hàm, Đào Nguyên Phổ, Phan Bội Châu, Nguyễn Hữu Cầu, Thiều Chửu, các tác gia họ Đặng, Ngân Giang.

Mỗi bài viết là một công trình nghiên cứu, một tiểu luận đã được trình bày tại các hội thảo khoa học, nhằm làm rõ thân thế sự nghiệp, những đóng góp của các vị vua, các danh nhân cho đất nước quê hương, góp phần xây dựng một quốc gia Văn hiến như Nguyễn Trãi đã từng viết trong bài Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Các vị tiếp nối truyền thống lịch sử, bồi đắp văn hóa cho dòng chảy văn hóa nước nhà được tiếp mãi.

Nếu phần một và hai của cuốn sách chuyên sâu nghiên cứu những vấn đề văn hóa cổ, danh nhân cổ, cận đại, thì phần ba“Tìm bè bạn trong bốn phương tựa đề, bình phẩm, giới thiệu” lại là những bài viết giản dị, mộc mạc, gần gũi giới thiệu các tập thơ của Câu lạc bộ Di sản - Thơ Văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam, là một tổ chức thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Phần bốn của cuốn sách - “Tìm trong các Trung tâm thơ, các câu lạc bộ thơ” là sáng tác thơ của những tác giả, nhà nghiên cứu trong câu lạc bộ “Di sản - Thơ Văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam”, một tổ chức thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Phần năm - “Các bài chúc văn tụng đọc trong các ngày lễ trọng thể” là thể loại chúc văn của doanh nhân thời xưa đọc trong các đại lễ trọng đại.

Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt
Tác phẩm “Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt” của tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ

Trong phần một của tác phẩm ông có nhiều bình luận về các tác phẩm văn học lịch sử. Xin ông cho biết ý kiến về một vài tác phẩm ấn tượng mà ông đã nghiên cứu?

Có thể nói, tiến sỹ Đinh Công Vỹ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn miệt mài, cần mẫn đi sâu nghiên cứu, và là người chăm chỉ viết và in những cuốn sách có giá trị cho nền văn hóa nước nhà trong những năm ông nghỉ hưu. Nhiều người biết đến Đinh Công Vỹ qua những cuốn sách đã được phát hành dưới những cái tên hấp dẫn khách đọc như: “Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam”,“Bí sử một vương triều”, “Thảm án các bậc khai quốc công thần”, hay “Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam”... và diễn đạt đúng nhất có lẽ như cái tên của một trong những cuốn sách đã xuất bản là “Bên lề chính sử”... và giờ là cuốn “Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt”. Đó là những đóng góp khoa học của tiến sĩ Đinh Công Vỹ cho nền học thuật và văn chương nước nhà. Sắp tới ông sẽ cho ra mắt cuốn sách tiếp theo: “Việt sử nói gì? qua truyền thuyết, phả học, dòng họ…”. (Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh – Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam)

Với tiểu thuyết lịch sử, tôi đọc rất kỹ và có quan điểm rõ ràng. Ví dụ, ở tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh, những tình huống dù sử đã nhắc tới phần nào những chưa hẳn đã rõ ràng như vụ sát hại vua Trần, vụ thảm án Đốn Sơn...qua ngọn bút của Nguyễn Xuân Khánh đã trở nên rõ ràng hơn với hai hướng có thể chấp nhận: Phản ánh lịch sử đúng hoàn toàn như tư liệu và phản ánh lịch sử dù có hư cấu nhưng vẫn đi đúng hướng có thể có, dễ chấp nhận.

Nhưng dù là hư cấu, tác giả vẫn là cất ánh trên hiện thực hoặc gián tiếp có liên hệ với tư liệu, không dựng nên một nhân vật hư cấu 100%”. Ở tiểu thuyết Hồ Quý Ly, những trang tác giả viết về tình yêu và người đẹp là những trang sinh động, gây ấn tượng nhất. Ta nhớ mãi nàng công chúa Huy Ninh với cặp mắt buồn và cuộc đời nhân đạo, thanh khiết như một cành mai đã làm dịu đi và phong phú hơn trái tim vốn đã chai sạn vì những mưu đồ chính trị (...) Nhạc có cung điệu, tình yêu cũng có cung điệu, sắc thái không trộn lẫn, mỗi đối tượng một vẻ phong phú như: Tình yêu của Thanh Mai tự nhiên tràn trề sức sống dân gian, khác với tình yêu của Quỳnh Hoa là quý tộc trong chậu cảnh thanh mảnh, yếu ớt, thể hiện cho một vương triều đi xuống....

Còn với bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã chứng tỏ, từ sự thực lịch sử, bằng trí tưởng tượng đúng đắn, bằng tri thức và sự nghiên cứu công phu, Hoàng Quốc Hải đã bù đắp lịch sử thăng hoa thành sự thực nghệ thuật. Tác phẩm của anh mang tính chất sử thi khi phác vẽ nên bức tranh hoành tráng của triều đại Đông A từ buổi bình minh tới buổi hoàng hôn gần 200 năm, có một không gian rộng lớn, từ đời sống cung đình tới đời sống dân dã Đại Việt (...) Đó vừa là thiên anh hùng ca chống ngoại xâm, vừa là thiên tình ca, áng bi hận tình của thời đại cách đây 700 năm.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

Bảo Thoa (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này