Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Cần thận trọng cân nhắc

11:23 | 14/05/2020
(LĐTĐ) Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay, toàn ngành đã giải quyết hưởng mới chế độ bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuất một lần cho 15.480 người với tổng số tiền chi trả khoảng 585 tỷ đồng, trong đó đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần chiếm số lượng lớn nhất với 14.633 người, số tiền chi trả khoảng 550,4 tỷ đồng, chiếm 94,5%.
Siết chặt quy trình chi trả bảo hiểm xã hội một lần
Nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ bị thiệt cả đời!
Ngừng tham gia bảo hiểm xã hội 1 năm: Còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần?

Thông tin về tình hình giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng, bảo hiểm xã hội một lần, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Từ 1/5 đến 6/5, toàn ngành đã giải quyết hưởng mới chế độ hằng tháng cho 1.607 người (lũy kế từ đầu năm là 37.856 người) với mức chi trả bình quân 4.002.364 đồng/người.

Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Cần thận trọng cân nhắc
Người lao động cần thận trọng khi quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần

Trong đó: Đối tượng hưu trí là 1.343 người (chiếm 83,57%), mức hưởng bình quân 4.614.917 đồng/người; đối tượng tuất là 238 người (chiếm 14,81%), mức hưởng bình quân 871.293 đồng/người; đối tượng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 26 người (chiếm 1,62%), mức hưởng bình quân 1.141.349 đồng/người.

Về giải quyết hưởng mới chế độ bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuất một lần cho 15.480 người với tổng số tiền chi trả khoảng 585 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã chi trả cho 262.518 người với tổng số tiền chi trả là 9.713,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần chiếm số lượng lớn nhất với 14.633 người, số tiền chi trả khoảng 550,4 tỷ đồng, chiếm 94,5%.

Về tình hình giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe, trong tháng 4/2020, toàn ngành đã giải quyết chế độ ốm đau cho 16.948 lượt người với số tiền chi trả 8,9 tỷ đồng; giải quyết chế độ thai sản cho 5.597 lượt người với số tiền chi trả 67,1 tỷ đồng; giải quyết chế độ dưỡng sức - phục hồi sức khỏe cho 1.472 lượt người với số tiền chi trả gần 3,8 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến nay đã giải quyết chế độ ốm đau cho 2.572.803 lượt người với số tiền chi trả 1.196,2 tỷ đồng; giải quyết chế độ thai sản cho 559.383 lượt người với số tiền chi trả 7.652,9 tỷ đồng; giải quyết chế độ dưỡng sức - phục hồi sức khỏe là 126.128 lượt người với số tiền chi trả 324 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong tháng 4/2020, toàn ngành đã giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 2.924 người (trong đó, trợ cấp thất nghiệp cho 2.922 người, hỗ trợ học nghề cho 2 người) với số tiền chi trả hơn 12,3 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã giải quyết chế độ cho 202.395 người với số tiền chi trả là 679,5 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có một bộ phận người lao động lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, người lao động cần cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bởi các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Bởi, nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, sau này khi tham gia lại bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mà tính thành thời gian đóng bảo hiểm xã hội mới.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, khi người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế, họ còn phải đối mặt với nguy cơ phải tự trang trải chi phí khám chữa bệnh.

Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động, hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất đi nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

Theo các chuyên gia, người lao động nên hiểu rằng, khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại, vẫn được cơ quan Bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước.

Lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội khuyến cáo người lao động, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ Gói an sinh của Chính phủ. Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nền kinh tế tiếp tục được vận hành, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

Về quyền lợi, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này