Người níu giữ “hồn Việt” giữa không trung

11:25 | 12/05/2020
(LĐTĐ) Diều sáo, một trong những trò chơi dân gian truyền thống gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam, gợi nhớ về một thời chăn trâu cắt cỏ, với những đứa trẻ chạy theo cánh diều no gió vi vút giữa không trung...Ngày nay, những tưởng thú chơi diều sáo ấy sẽ mai một theo sự phát triển của xã hội. Nhưng tại xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội), nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền vẫn đam mê với diều sáo và miệt mài truyền nghề cho lớp trẻ.
nguoi niu giu hon viet giua khong trung Người hồi sinh nghề đậu bạc ở Định Công
nguoi niu giu hon viet giua khong trung Gìn giữ nét ẩm thực của người Hà Thành

Cánh diều – góp nhặt ký ức tuổi thơ

Vào những buổi chiều hè, về xã Cao Viên, hay các khu vực ngoại thành Hà Nội, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh cánh diều căng mình trong gió, lơ lửng giữa không trung. Đặc biệt, tiếng sáo diều trầm bổng (ro ro, đu đu…) từ trên cao vọng xuống tạo ra những thứ âm thanh mê hoặc lòng người. Từ những âm thanh trầm bổng, mê hoặc ấy, không ít người liên tưởng diều sáo như những chiếc “đàn trời” lơ lửng giữa không trung.

nguoi niu giu hon viet giua khong trung
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền say sưa bên chiếc sáo diều truyền thống

Ở xã Cao Viên (huyện Thanh Oai), từ lâu người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh con diều, tiếng sáo vi vu trong những buổi chiều hè lộng gió. Đó là “đặc sản” quê hương, vì thế nhiều người dân ở Cao Viên luôn tự hào khi ai đó nhắc đến trò chơi dân gian của làng quê mình. Bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1939) vẫn luôn dành cho diều sáo những tình cảm đặc biệt. Lớn lên như bao đứa trẻ trong làng, ngay từ những ngày còn nhỏ cánh diều, tiếng sáo đã khiến ông say sưa và in đậm trong ký ức.

Ông kể, từ yêu thích trở thành đam mê, trong những buổi chăn trâu cắt cỏ tôi cùng với đám bạn lại học theo các cụ bắt đầu tập tành vót tre, làm diều. Ban đầu chỉ là những chiếc diều nhỏ chừng 30-40cm không đeo sáo, miễn làm sao để cho diều có thể bay lên được. Lâu dần, những chiếc diều to hơn bắt đầu được hình thành, khi ấy, dưới bàn tay của ông Quyền và đám bạn sáo tre cũng bắt đầu được tập khoét, tập chỉnh âm…

“Thời điểm đó, sáo để gắn vào diều thường được làm bằng cây gai gạo, to chỉ bằng ngón tay. Đây là một loại cây mềm, dễ gọt và nhẹ, chúng tôi vẫn thường gọi là sáo ro ro hay sáo còi và được gắn vào những chiếc diều nhỏ. Với những chiếc diều lớn hơn, sáo thường được làm bằng tre và phải mất cả chục công mới hình thành được một chiếc hoàn chỉnh và khi thả diều sáo khoảng 3-4m, thì phải cần đến từ 5-6 người”, ông Quyền chia sẻ.

Để được đánh giá là một con diều sáo tốt, những người am hiểu diều sáo như nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền thường đánh giá chất lượng qua màu sắc của cánh điều, âm thanh của tiếng sáo và mức độ “đứng” lâu trên không trung của diều. Tiếng sáo vừa phải trong trẻo, du dương, tưởng như vang vọng cả trên trời, dưới đất, vừa hài hòa thanh âm giữa các sáo trong cùng một bộ. Làm diều sáo rất công phu, mà công phu nhất chính là làm sao chỉnh âm được tiếng sáo cho đều, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền nhiều cụ cao niên thời xưa làm diều sáo rất nhiều, nhưng để có được một diều sáo ưng ý có thể cả đời chỉ làm được vài ba cái.

Một đời giữ nghề

Làm được diều sáo không dễ, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm và không hiểu rõ về cách lựa chọn nguyên vật liệu, luật lý và đặc biệt là khả năng thẩm âm. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, để làm được diều sáo ưng ý khó khăn đầu tiên là phải làm được cốt xương chắc chắn. Muốn có được một diều sáo tốt, công đoạn tạo cốt xương đôi khi mất đến cả ngày, đó là chưa nói đến việc căn chuẩn để hoàn chỉnh, dán giấy…

Theo ông Quyền, nguyên liệu được dùng chủ yếu là tre, tre được sử dụng để làm cốt xương cho diều và dùng để làm sáo. Tre thường phải là loại tre già, có ngọn (tre cụt ngọn sẽ giòn và thường bị mọt), mấu tre phải đều và đặc biệt khi chặt tre ra thì sơ tre phải đỏ. Chọn được nguyên liệu như vậy thì khi về chẻ, phơi, tre sẽ không bị ngót và không bị mọt, gặp nắng mưa không bị nứt, khi làm sáo cũng sẽ có tiếng vang, có bề sâu âm điệu.

Ngày xưa tre cũng còn được dùng để làm lạt buộc diều, vì thế khi chẻ lạt xong thường thì các cụ sẽ luộc qua lạt bằng nước xôi để có độ dẻo, độ bền. Giấy dùng để dán cánh diều phải là giấy bản, keo dán giấy cũng là loại keo rất đặc biệt được chế từ loại quả miền biến có độ dính chắc chắn. Diều sáo trông đơn giản nhưng phải khéo tay mới làm được. Ngày trước chưa có loại dây dù, dây neo thường là dây mây, sợi nhỏ được đập dập, xoắn lại rồi thắt nối thành sợi dây dài chừng dăm bảy trăm mét.

“Làm diều sáo, ngoài việc dựng bộ cốt xương cho diều thì công đoạn làm sáo là khó khăn và phức tạp nhất. Tùy theo số lượng ống sáo, mà thời gian làm dài ngắn khác nhau, nhưng trung bình mất khoảng từ 3-7 ngày. Thú chơi sáo cũng kỳ công, trước đây các cụ áp dụng theo thuyết âm dương và người chơi chỉ chơi sáo một (còn gọi là hữu nguyên), sáo đôi (lương nghi), sáo ba (tam tài) và sáo năm (ngũ thường); các ống sáo này sau đó được xâu lại bằng một thanh tre gọi là chằm rồi buộc chặt lại với xương sống diều. Đặc biệt, trong thú chơi diều sáo, sáo bốn được coi là “đại kỵ” và bởi theo lý giải, bốn ứng với ngôn hạnh của người phụ nữ cho nên không được dùng”, ông Quyền lý giải.

Với những cống hiến của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân gian, năm 2019, ông Quyền được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực diều sáo. Đây là nguồn động viên lớn để ông tiếp tục nuôi dưỡng đam mê diều sáo nhằm gìn giữ, phát huy nét văn hóa đẹp của quê hương.

Do sự phức tạp khi làm diều sáo truyền thống, hiện nay diều sáo đã được làm đơn giản hơn, theo đó cốt xương diều hay áo diều đều được sử dụng bằng những vật liệu mới như vải dù, vải polyester, dễ may, nhẹ, dễ tháo lắp khỏi khung diều và mầu sắc đa dạng hơn. Đặc biệt, bộ sáo cũng thay đổi theo sở thích của người chơi, theo đó ống được gắn nhiều hơn có loại lên đến 15 – 17 ống. Ống sáo cũng được chia làm hai phần bởi vách ngăn ở giữa bằng gỗ. Hai phần càng đều nhau thì tiếng kêu của sáo càng cộng hưởng và vang xa, đặc biệt đường kính ống phải làm sao để hợp âm phải “ăn” với nhau, tạo nên một hợp âm mong muốn.

Ngoài ra, nắp sáo được làm từ các loại gỗ nhẹ, mềm như gỗ mít, gỗ vàng tâm, gỗ dổi nhưng với những người mới làm, theo ông Quyền, họ có thể làm bằng gỗ keo. Tùy vào độ lớn bé của ống sáo để làm nắp có kích cỡ tương ứng. Người làm không chỉ phải khéo tay vì cần đến những kỹ thuật như cưa, chạm, bào, mài… mà còn phải rất kiên trì, chịu khó nếu muốn làm ra những nắp sáo tròn, nhẵn, nhẹ, đặc biệt miệng sáo phải được khoét một lỗ dài bằng đường kính trong của ống sáo.

Sáo diều kêu hay hoặc không hay phụ thuộc vào kỹ thuật khoét miệng sáo, chưa nói đến việc quyết định âm thanh to nhỏ, đổ hồi mau thưa. Nghĩa là miệng sáo phải được khoét thật cân, bởi lệch một chút đã có thể làm méo tiếng sáo. Theo đó, căn cứ vào tiếng kêu mà người chơi diều sáo đặt các tên gọi khác nhau cho sáo như sáo còi (nhỏ nhất), sáo ro ro, sáo vô vô, sáo đu đu, sáo ìm ìm (to nhất).

Là thú vui tao nhã nhưng mang nhiều giá trị văn hóa dân gian, tiếc thay vì cuộc sống mưu sinh, vì thời đại công nghệ số khiến giới trẻ hiện nay xao nhãng với cách làm diều sáo truyền thống. Với mong muốn gìn giữ và truyền thụ lại giá trị văn hóa dân gian, hiện nay nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn thường được mời đến Bảo tàng Dân tộc học tham gia chương trình bảo tồn trò chơi dân gian, giới thiệu và hướng dẫn các bạn trẻ học làm diều sáo.

Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian tại địa phương, năm 2013, ông Quyền cùng với những người yêu thích diều sáo tại địa phương đã thành lập Câu lạc bộ Diều sáo Cao Viên, rồi tham gia thành lập câu lạc bộ Diều sáo Thanh Oai. Đặc biệt, với những cống hiến của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân gian, năm 2019, ông Quyền được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực diều sáo. Đây là nguồn động viên lớn để ông tiếp tục nuôi dưỡng đam mê diều sáo nhằm gìn giữ, phát huy nét văn hóa đẹp của quê hương.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này