Trợ sức doanh nghiệp, ngân hàng gồng mình vượt khó

19:18 | 08/05/2020
(LĐTĐ) Đến nay, đã có 170 nghìn khách hàng đã được các các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng. Đồng thời miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 29 nghìn tỷ đồng.
go kho cho doanh nghiep ngan hang gong minh tu cuu minh Ngân hàng đầu tiên triển khai tính năng gửi sổ tiết kiệm online qua SMS
go kho cho doanh nghiep ngan hang gong minh tu cuu minh Cơ hội "vàng" đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
go kho cho doanh nghiep ngan hang gong minh tu cuu minh Chia sẻ gánh nặng chi phí cho ngân hàng

"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp

Dịch Covid - 19 bùng phát trên toàn cầu, đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đầu vào lẫn đầu ra gián đoạn, nguồn thu sụt giảm đáng kể.

Điều đáng nói, khi dòng tiền bị ảnh hưởng, rất nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để trả nợ khoản vay đúng hạn của ngân hàng, từ đó không chỉ phát sinh các chi phí do trả chậm mà doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nếu bị rơi vào nhóm nợ xấu. Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp do dịch Covid-19 gây ra.

go kho cho doanh nghiep ngan hang gong minh tu cuu minh
Các tổ chức tín dụng vào cuộc, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế trước sự suy thoái do dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Như một “lời hiệu triệu”, hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc, bằng việc ban hành các chính sách, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp.

Đến nay, đã có 170 nghìn khách hàng đã được các các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng. Đồng thời miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Ngoài cơ cấu lại nợ, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hạ lãi suất từ 0,5% – 4%/năm cho hơn 318 nghìn khách hàng, đối với các khoản vay hiện hữu, với số tiền lên đến 980 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã triển khai chính sách cho vay mới với lãi suất ưu đãi, thấp hơn trước khi có dịch từ 1 – 2%/năm, cho khoảng 150 nghìn khách hàng. Sự hỗ trợ kịp thời của hệ thống ngân hàng, đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, có ý nghĩa như “chiếc phao cứu sinh”, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Ông Bùi Thế Vinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM Vĩnh Long – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất thép cho biết: Ngay khi bùng phát dịch Covid - 19 tại Việt Nam, doanh nghiệp đã được ngân hàng chủ động tư vấn và hỗ trợ kịp thời các chính sách như cơ cấu lại nợ, giãn tiến độ trả nợ, cũng như giảm lãi suất xuống còn 6,75%/năm. Đồng thời, về mặt thủ tục, chúng tôi cũng chỉ mất khoảng 3 ngày để hoàn thiện hồ sơ cho ngân hàng mà không gặp vướng mắc gì.

Theo chia sẻ của các ngân hàng, để được hưởng chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp các thông tin cần thiết, minh bạch về những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khả năng trả nợ của mình. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm duyệt hồ sơ hỗ trợ, các ngân hàng cũng căn cứ vào những quy định tại Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời đảm bảo tuân thủ theo quy định về chuẩn cho vay của mỗi ngân hàng.

Bà Chu Vân Anh – Giám đốc TPBank chi nhánh Đông Đô chia sẻ, với các khoản vay cũ, ngân hàng đã chủ động giảm lãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid -19 như các khách hàng kinh doanh hoặc có nguồn thu từ ngành nghề du lịch, vận tải, giáo dục,…Trường hợp khách hàng kinh doanh lĩnh vực khác gửi công văn đề nghị giảm lãi, TPBank sẽ xem xét mức độ ảnh hưởng và có quyết định giảm lãi cho phù hợp.

Quy định chung về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp là như vậy, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi tổ chức tín dụng. “Đối với việc giảm lãi suất, mỗi tổ chức tín dụng có năng lực tài chính khác nhau, quyết tâm rất cao nhưng sự ứng xử, chia sẻ với doanh nghiệp cũng khác nhau. Với những khách hàng có đủ điều kiện, có phương án kinh doanh tốt, đương nhiên ngân hàng sẽ phải nỗ lực để cho vay’’, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết.

"Gồng mình" đảm bảo hoạt động các tổ chức tín dụng

Không chỉ các doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng, người dân, hộ kinh doanh cũng được “tiếp sức” từ việc giảm phí giao dịch thanh toán điện tử. Ngay từ đầu mùa dịch, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), thực hiện 2 đợt miễn/giảm phí giao dịch điện tử đối với giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng đến 2.000.000 đồng, đến hết 31/12/2020.

Đến nay, tất cả các ngân hàng đã xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng có giao dịch giá trị nhỏ, từ 2 triệu đồng trở xuống và khoảng 63% giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Napas. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 vào khoảng 1.004 tỷ đồng.

Trong thời gian cả nước phòng chống dịch Covid 19 bằng các biện pháp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, người dân chuyển sang thói quen mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử. Do đó, việc giảm phí của các ngân hàng là giải pháp rất thiết thực.

Phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên họp Chính phủ đầu tháng 5, các tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Khi người dân và doanh nghiệp không có nguồn thu, đồng nghĩa với việc gây ra những khó khăn cho việc trả nợ. Đồng thời, khi nợ xấu phát sinh thì các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng, làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của mình.

Do vậy, bài toán của Ngân hàng Nhà nước là vừa thực hiện giải quyết tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong tác động của dịch Covid - 19, nhưng cũng phải đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng và không được phá vỡ các tiêu chí an toàn hoạt động tín dụng.

Đáng nói, sự hỗ trợ của các ngân hàng, không phải từ nguồn ngân sách mà từ lợi nhuận, để chia sẻ với những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng thương mại cho thấy, lợi nhuận giảm mạnh so với các năm trước. Nguyên nhân sự sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng, hầu hết đều do tăng trưởng thu nhập lãi thuần chậm, vì giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Hoàng Quỳnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này