Kỳ 2: Tinh thần quyết thắng và khát vọng về hoà bình

18:03 | 30/04/2020
(LĐTĐ) Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã sản sinh một lượng thư thời chiến khổng lồ, làm nguồn sử thi vô cùng phong phú sinh động về lịch sử cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, hào hùng bậc nhất của dân tộc và thời đại. Những bức thư của các chiến sĩ như lời nhắc cho thế hệ trẻ về lý tưởng cao cả, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn với đất nước và với cuộc đời này.
ky 2 tinh than quyet thang va khat vong ve hoa binh Thư thời chiến - di sản cho hôm nay và mai sau
ky 2 tinh than quyet thang va khat vong ve hoa binh Ấm lòng bức thư cảm ơn của một người dân phải cách ly tại nhà do dịch Covid-19
ky 2 tinh than quyet thang va khat vong ve hoa binh Ký ức về tấm áo lụa và bức thư của Bác

Thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến và hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho mùa xuân của đất nước. Họ đã từng quan niệm “Tuổi trẻ đẹp nhất trên trận chiến chống quân thù” với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, mang sức trai “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” sẵn sang gạt những tình cảm, lợi ích cá nhân sang một bên, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Tuy bối cảnh, thời điểm, tâm thế, trạng thái viết thư thời chiến có thể không giống nhau, nhưng đều là dòng tâm tư, tình cảm đầy ắp tinh thần quyết thắng, khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ.

ky 2 tinh than quyet thang va khat vong ve hoa binh
Ảnh tư liệu những bức thư thời chiến.

Trong Tuyển tập Những lá thư thời Chiến Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân do tác giả Đặng Vương Hưng sưu tầm, tuyển chọn, có giới thiệu lá thư gửi cha mẹ của Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Kim Giao (ngày 15/11/1968) trước lúc anh hy sinh (ngày 31/12/1968):

“Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ?... Ở đây có những quãng chỉ 2 km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom!... Dù đứng giữa bãi bom của địch, hay dưới làn mưa đạn máy bay, con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã bị hy sinh. ... Con nghĩ nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi…

Một bức thư khác không phải là xuất phát từ Chính ủy, hay Chỉ huy quân sự cấp cao, mà đơn giản chỉ là của một người lính đang ở chiến trường bom đạn đối mặt với cái chết. Đó là liệt sĩ Vũ Hùng Ngọc sinh năm 1950, tại xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương nặng, súng hết đạn và bị địch bắt làm tù binh, nhưng anh quyết không hé răng khai báo điều gì. Bọn địch đã điên cuồng trả thù bằng cách cho thiêu sống người lính dũng cảm này.

Dưới đây là lá thư duy nhất của anh gửi về nhà từ chiến trường, mà gia đình anh còn giữ được: “Ngày 10/4/1968, thầy mẹ và các em thân mến!… Còn ước mơ trở thành một sinh viên đại học của con thì có lẽ không bao giờ trở lại nữa. Giờ đây, con đã trở thành một anh lính giải phóng uy nghiêm và cứng rắn, đang đứng vững nơi khói lửa; đi bảo vệ lấy Tổ quốc, lấy thành quả của Cách mạng... Hiện giờ chúng con đang chuẩn bị cùng đồng đội đánh cho bọn Mỹ những quả đấm thép, những đòn quyết định cho lịch sử. Vì thế, chúng con với tất cả sức lực, với sự hiểu biết và tinh thần của mỗi người, sẽ sẵn sàng hy sinh cống hiến tuổi tác cho Cách mạng, cho gia đình, cho đồng lúa xanh tốt... Con sẽ là một người con xứng đáng của gia đình, của thế hệ trẻ”.

Những câu chuyện nhỏ từ những bức thư đi cùng năm tháng thực sự là tài liệu quý giá đối với các bạn trẻ Việt Nam - những thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh và đang tìm hiểu về cội nguồn dân tộc mình. Những bức thư - kỷ vật của thời chiến đã giúp chúng ta hình dung ra một thời đại hào hùng trong bom đạn. Chủ nhân của những bức thư đó vô tình trở thành một người chép sử, một người làm sử và có lẽ là người chép sử trung thành nhất, khách quan nhất.

Hiện tại và tương lai, chúng ta sẽ khó có thể tìm thấy được một thước phim tài liệu, một tác phẩm văn học trọn vẹn về chiến tranh đến như vậy. Những con người – chủ nhân của những bức thư đó đã mãi mãi đi vào lịch sử, làm nên lịch sử. Qua những trang thư được viết vội trên những trang giấy, mảnh vải giờ đã ố vàng, và cũ nát, chúng ta vẫn cảm nhận được những thông điệp mà họ đã vô tình nhắn gửi vào trong đó.

Đúng như tác giả của Tuyển tập Những lá thư thời Chiến Việt Nam- nhà văn Đặng Vương Hưng đã nói: “Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hi sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống”. Và chúng ta sẽ tiếp tục là người kế thừa viết nên những trang lịch sử sáng ngời của đất nước, viết tiếp trang nhật ký của họ.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này