Làng nghề truyền thống nỗ lực vượt qua mùa dịch bệnh

17:36 | 27/04/2020
(LĐTĐ) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng hóa bị ngưng trệ, tồn kho, chưa thể xuất sang thị trường nước ngoài, khiến cả doanh nghiệp và người lao động đều bị thiếu vốn sản xuất.    
lang nghe truyen thong no luc vuot qua mua dich benh Làng tơ lụa lớn nhất Hà Nội "cửa đóng, then cài" vì đại dịch Covid-19
lang nghe truyen thong no luc vuot qua mua dich benh Làng nghề truyền thống “co mình” để tạo sức bật
lang nghe truyen thong no luc vuot qua mua dich benh Thực hiện giãn cách xã hội: Lắng nghe mệnh lệnh từ trái tim!

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) được biết đến là làng nghề nổi tiếng của Hà Nội với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nếu như trước kia, Phú Vinh hoạt động sôi động ngày đêm với các đơn hàng phục vụ thị trường trong nước, quốc tế thì khi dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Hàng sản xuất ra không thể xuất khẩu sang các nước phải lưu kho.

lang nghe truyen thong no luc vuot qua mua dich benh
Tại phố Lụa (Vạn Phúc), chỉ một số cửa hàng kinh doanh mở cửa, số còn lại vẫn đóng cửa

Chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mỹ nghệ Hoa Sơn, cho biết, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của công ty chủ yếu là châu Mỹ, châu Âu.

Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới dịch bệnh còn nhiều phức tạp nên không thể xuất hàng, khi sản phẩm chưa thể tiêu thụ đi được, người lao động gặp nhiều khó khăn. Do đó cả doanh nghiệp và người lao động đang bị thiếu vốn.

“Khi số lượng hàng vẫn bị tồn ở kho, doanh nghiệp chưa có tiền để thanh toán hết cho người lao động, khi đó họ cũng không có vốn để sản xuất. Trong khi đó các đơn hàng mới hầu như chưa có, các cơ sở sản xuất cầm chừng để hoàn thành các đơn hàng đã được đặt từ trước Tết”, nghệ nhân Trung chia sẻ.

Đặc biệt, thực hiện quy định hạn chế tụ tập đông người, việc sản xuất cũng không thể tập trung ở nhà xưởng như trước, người lao động phải đưa về gia đình để làm do đó năng suất lao động giảm.

Đây cũng là thực trạng chung của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội trong thời điểm hiện nay. Tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), trái ngược với khung cảnh khách du lịch kéo về nườm nượp ngày chưa có dịch thì trong những ngày này, tại khu phố lụa, hầu hết các gian hàng dọc hai bên đường đều vắng bóng khách tới tham quan, mua sắm. Nhiều gian hàng đóng cửa, một số ít mở cửa cầm cự để giữ mối và tập trung vào bán online.

Trước những khó khăn đó, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Có lẽ đây cũng là dịp để các làng nghề nhìn nhận lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để có những cách thay đổi phù hợp hơn với tình hình thị trường…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trên địa bàn cũng động viên nhau ổn định tư tưởng, duy trì sản xuất để giữ vững mặt hàng. Đây cũng là giai đoạn để các doanh nghiệp, hộ sản xuất rà soát lại quy trình, vừa ổn định sản xuất, vừa nghiên cứu các mẫu mã mới. Người lao động tranh thủ để tái tạo sức lao động, nâng cao tay nghề để những tháng cuối năm có điều kiện sản xuất tốt hơn.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này