Người Hà Nội quả cảm nơi tuyến đầu

11:26 | 29/04/2020
(LĐTĐ) "Không thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Nét Tràng An ấy đã từ rất lâu được khắc họa qua hình ảnh người Hà Nội đầy văn hóa. Nhiều lần tôi cứ suy tư, liệu có phải nét đẹp văn hóa của người Hà Nội chỉ còn là quá khứ một thời, niềm tự hào không chỉ của riêng con người mảnh đất kinh đô mà của cả dân tộc giờ đã thành ký ức, để mỗi khi nhắc nhớ về nó, ta không khỏi chạnh lòng luyến tiếc. Cho đến một ngày, khi mọi thứ chao đảo vì dịch Covid-19 thì dường như những giá trị của con người nơi mảnh đất Kinh kỳ lại được tỏa sáng…
nguoi ha noi qua cam noi tuyen dau Mới nửa chặng đường cách ly xã hội, nhiều người Hà Nội đã chủ quan đổ ra đường
nguoi ha noi qua cam noi tuyen dau Người Hà Nội tương thân, tương ái trong mùa dịch
nguoi ha noi qua cam noi tuyen dau Người có hoàn cảnh khó khăn ấm lòng từ những gói thực phẩm miễn phí trong mùa dịch

1. Nhắc về những chặng đường lịch sử, hẳn bất kỳ ai cũng biết ngày chiến thắng 30/4/1975 là một hành trình đầy gian nan và khó nhọc. Có những giọt mồ hôi đã rơi, những giọt nước mắt lăn dài, những giọt máu đã thấm đẫm vào đất. Không ít người lính đã ngã xuống, để lại một phần cơ thể nơi chiến trường ác liệt. Với không ít người Hà Nội, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm về Ngày giải phóng miền Nam lại được tái hiện dày đặc trong tâm trí những người khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, nhận lấy danh xưng người lính Bộ đội Cụ Hồ.

nguoi ha noi qua cam noi tuyen dau
Những ngày qua, trước dịch Covid-19, tinh thần tương thân thương ái của người Hà Nội được phát huy hơn bao giờ hết. Những nghĩa cử đẹp đã góp phần động viên, đẩy lùi dịch bệnh.

Xã Hòa Xá nằm ở phía Tây Nam của huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội. Ở dải đất quê thanh bình này, ít ai biết nơi đây còn là khởi nguồn của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” với sức lan tỏa rộng rãi, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của lớp lớp thanh niên cả nước lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cho đến nay, người dân nơi đây vẫn nhớ đến năm 1966, 3 người con của Hòa Xá là Đỗ Tít, Lưu Long, Phùng Quán trên đường hành quân vào miền Nam, gặp đồng đội chuẩn bị ra miền Bắc đã gửi về quê hương ba chiếc gậy Trường Sơn nhằm báo tin cho gia đình yên tâm.

Nhận được kỷ vật là những chiếc gậy từ Trường Sơn gửi ra, cùng với sự kiện Đoàn cán bộ tỉnh Nam Hà (cũ) đến thăm xã, gửi tặng một chiếc nhẫn làm từ xác máy bay giặc Mỹ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Xá đã nhân rộng thành phong trào “Trao gậy hành quân” và “Tặng nhẫn chung thủy”.

Phụ lão Hòa Xá khi ấy đã cất công đi tìm những thân tre ngà thật đẹp, tỉ mỉ đẽo gọt làm gậy hành quân tặng con cháu trong ngày lên đường. Những thanh niên Hòa Xá lên đường chiến đấu mang bên mình kỷ vật thiêng liêng của quê hương như một sự động viên cổ vũ to lớn, tiếp bước những thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất vượt qua khó khăn gian khổ, quyết chí chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Theo cựu chiến binh Phùng Quán, phong trào “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai” dấy lên không ngừng. Điều đặc biệt là sau đó, mỗi lần thanh niên Hòa Xá lên đường nhập ngũ, các vị bô lão trong làng lại trao những “Chiếc gậy Trường Sơn” thay lời nhắn gửi quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 là chiến thắng của trí tuệ và sáng tạo của toàn dân tộc. Đó là chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân chính nghĩa, thể hiện rõ bản lĩnh trí tuệ và sức mạnh của quân dân Việt Nam. Để viết nên trang sử vẻ vang đó, những câu chuyện như ở miền quê Hòa Xá là nguồn động viên lớn.

Sức mạnh đó đã cổ vũ bao thế hệ, để rồi dù cuộc chiến có khốc liệt, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương, bao lớp người đi trước đã ngã xuống, nhiều người trở về đã chẳng còn lành lặn… thì sự tiếp nối những mạch nguồn, niềm tin đất nước thống nhất không lúc nào vơi cạn.

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!… Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông... Ôi! Hạnh phúc vô biên!/ Hát nữa đi em những lời yêu thương”. Những ca từ, giai điệu hùng tráng của ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của cố nhạc sĩ Hoàng Hà vang lên trong ngôi nhà nhỏ. Tôi thấy mắt người cựu chiến binh rưng rưng xúc động.

Ông đắm chìm trong mỗi ca từ, mỗi giai điệu. Có lẽ, dù thời gian trôi qua, nhưng mỗi khi ca khúc được cất lên, niềm tự hào về Tổ quốc anh hùng trong mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn tươi mới như sức sống mãnh liệt những ngày đầu đất nước giải phóng.

2.Những bề bộn của cuộc sống đôi khi khiến người ta nghĩ rằng cái “chất” Hà Nội mất đi. Nhưng sự thật không phải thế. Có chăng “chất” Hà Nội chỉ biến đổi và thể hiện theo các phương cách khác nhau. Đôi chút chú tâm, hẳn vẫn có thể bắt gặp ngay ở những con người bình dị những góc tâm hồn “rất Hà Nội” như thuở nào. Tương thân tương ái là một trong những phẩm chất như vậy.

Những ngày này, những nghĩa cử như phát khẩu trang miễn phí, phát gạo cho người nghèo, giải cứu nông sản, hiến máu tình nguyện… được thực hiện giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành là giá trị đạo đức tinh thần bất biến của người Hà Nội qua suốt chiều dài dâu bể. Thứ giá trị này chỉ được phát lộ mỗi khi có những biến cố dịch họa, thiên tai…

Tại những buổi hiến máu, tôi bắt gặp rất nhiều người đến hiến máu bằng những cách rất đặc biệt. Họ là mẹ con, vợ chồng, chị em gái hay là người yêu của nhau. Tất cả mọi người đến hiến máu đều có chung một tâm niệm là mong muốn được tham gia hiến máu để cùng với ngành y tế chung tay khắc phục khó khăn về máu.

Bạn Nguyễn Kim Phương (sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) vừa đăng ký hiến máu vừa chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em hiến máu nên cũng có phần sợ đau, nhưng nghĩ đến sự thiết thực của việc hiến máu từ thiện em đã quyết định đến đăng ký hiến máu ngày hôm nay. Theo em nghĩ những người trẻ còn khỏe chúng ta nên hiến máu cứu người để giúp đỡ những người cần máu. Tâm sự của bạn Nguyễn Kim Phương cũng là tiếng lòng của những người trẻ Thủ đô. Không ngại gian khó, sức trẻ luôn đi đầu.

Người xưa vẫn thường bảo, có đi qua hoạn nạn mới thấu được lòng nhau. Hơn bao giờ hết, trong hoạn nạn, tình người mới là thứ mà chúng ta – tất thảy những người sống tại Hà Nội cần và cần phát huy. Là đất kinh kỳ, là Thủ đô nên trong hơn ngàn năm lịch sử của mình, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ cư dân khắp các vùng miền.

Người Thăng Long - Hà Nội luôn có ý thức cưu mang, đùm bọc lẫn nhau cùng làm ăn, sinh sống trong một cộng đồng đoàn kết, chặt chẽ. Truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” từ đó hình thành và tồn tại suốt chiều dài lịch sử cho đến nay. Những người có điều kiện luôn sẻ chia, giúp đỡ những người nghèo khó, nhiều người dù chưa khá giả cũng sẵn lòng chia sẻ với những người nghèo khó hơn mình.

3.Qua hàng nghìn năm lịch sử, người Hà Nội đã tạo cho mình một chất riêng, nghĩa khí, giàu lòng nhân ái và yêu chuộng hòa bình, tính tôn ti trật tự, kỷ luật, tôn trọng pháp luật. Đó là những nét đặc trưng, tính cách đẹp đẽ, những giá trị văn hóa riêng, đáng tự hào của người Hà Nội.

Trong thời chiến, người Hà Nội hào hoa đã tạm cất bút nghiên và cây đàn, đào hầm khắp phố phường, đem bàn ghế, giường tủ… chặn địch khắp các ngả. Người Hà Nội chế bom ba càng và ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, người Hà Nội đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Người Hà Nội sẵn sàng vượt mọi gian khó, sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cống hiến máu thịt của mình cho công cuộc giải phóng đất nước.

Ngày nay Hà Nội sáng lung linh với ánh đèn trên những tòa cao ốc, trên những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng. Hà Nội đã và sẽ mãi mãi là “niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau”, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa và đối ngoại của đất nước. Người sống trên mảnh đất này cũng vậy. Những người Hà Nội luân sẵn sàng đi đầu trong cả thời chiến và trong giai đoạn xây dựng đất nước.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này