Không quy định cứng nhắc định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học

18:05 | 20/04/2020
(LĐTĐ) Định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 đến 400 giờ chuẩn; trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị; mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường; đặc thù của môn học, ngành học để quyết định định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học cho phù hợp.
khong quy dinh cung nhac dinh muc gio chuan cua giang vien trong mot nam hoc Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen học sinh có thành tích
khong quy dinh cung nhac dinh muc gio chuan cua giang vien trong mot nam hoc Sẽ kiểm tra công tác phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các trường đào tạo sư phạm
khong quy dinh cung nhac dinh muc gio chuan cua giang vien trong mot nam hoc Nỗ lực hỗ trợ giáo viên trường ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi. Thông tư này được xây dựng nhằm thay thế Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giảng viên

Dự thảo Thông tư đã bổ sung quy định cụ thể về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giảng viên. Theo đó, thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và tham gia các hoạt động chuyên môn khác và được xác định theo năm học.

khong quy dinh cung nhac dinh muc gio chuan cua giang vien trong mot nam hoc
Giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. (Ảnh minh họa: P.T)

Thời gian nghỉ hằng năm của giảng viên là 6 tuần, của giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công tác quản lý là 4 tuần. Thời gian nghỉ đã bao gồm nghỉ hè và nghỉ phép hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có).

Các chế độ nghỉ khác thực hiện theo quy định của của Bộ luật Lao động. Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện cụ thể của từng đơn vị, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học bố trí cho giảng viên nghỉ vào thời gian thích hợp.

Ngoài ra, để phù hợp với năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên, đồng thời tăng cường thực hiện quyền tự chủ của các trường, dự thảo Thông tư cũng quy định linh hoạt định mức giờ chuẩn.

Cụ thể, định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 đến 400 giờ chuẩn; trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định (theo quy định hiện hành, định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học được quy định cứng là 270 giờ chuẩn).

Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị; mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường; đặc thù của môn học, ngành học để quyết định định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học cho phù hợp.

Giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Mỗi năm, giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao tương ứng với chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhiệm.

Việc giao và triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho giảng viên phải phù hợp với điều kiện, tiềm lực khoa học, chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học và phù hợp với năng lực chuyên môn của giảng viên.

Kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên được đánh giá thông qua các sản phẩm khoa học và công nghệ, các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho giảng viên và quy định cụ thể về số giờ nghiên cứu khoa học được quy đổi từ sản phẩm khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Đối với những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ mức độ, hoàn cảnh cụ thể để xem xét khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học, xếp loại thi đua và giải quyết các chế độ, chính sách liên quan.

Đáng nói, dự thảo Thông tư còn bổ sung, thống nhất định mức giờ chuẩn đối với một số trường hợp giảng viên được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể theo quy định hiện hành; chế độ làm việc vượt định mức và quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn.

Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học đến hết ngày 25/5/2020.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này