45 năm ngày Bộ Chính trị quyết định đổi tên “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định” thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (14/4/1975- 14/4/2020)

Thể hiện nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với Lãnh tụ kính yêu

09:20 | 14/04/2020
(LĐTĐ)  Hôm nay (14/4), tròn 45 năm ngày Bộ Chính trị  quyết định đổi tên “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định” thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Quyết định của Bộ Chính trị được phổ biến nhanh chóng đến các mặt trận, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.    

the hien nguyen vong tha thiet cua toan dang toan dan toan quan voi lanh tu kinh yeu Sức sống mãnh liệt của “Như có Bác trong ngày đại thắng”
the hien nguyen vong tha thiet cua toan dang toan dan toan quan voi lanh tu kinh yeu Ký ức của người lính xe tăng: Trận đánh trong ngày giải phóng đất nước
the hien nguyen vong tha thiet cua toan dang toan dan toan quan voi lanh tu kinh yeu
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định " thành "Chiến dịch Hồ Chí Minh" với phương châm : "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. (Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh -TTXVN)

Hơn 45 năm trước, đứng trước thời cơ chiến lược lớn với điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị, tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm: Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Thời điểm này, lực lượng địch phòng thủ Sài Gòn còn khá đông, tiếp tục chuẩn bị đối phó với cuộc tổng tiến công của ta. Sĩ quan, binh lính hoang mang nhưng chưa rối loạn, tan rã. Phía ngoài, lực lượng còn lại của các sư đoàn 5, 25, 18, 22 bố trí thành một tuyến phòng thủ cách trung tâm Sài Gòn 30 đến 50km, từ Long An qua Tây Ninh, Biên Hòa đến Long Bình. Trong khi đó, lực lượng địch thường dựa vào các căn cứ và những cụm cứ điểm lớn để ngăn chặn và đẩy lùi các mũi tiến công của ta. Vùng ven Sài Gòn, lực lượng địch có 3 lữ đoàn dù và thủy quân lục chiến, 3 liên đoàn biệt động quân bố trí ở Hóc Môn, Tân Sơn Nhất, Bình Chánh, Gò Vấp, Nhà Bè làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực và sẵn sàng ứng cứu cho tuyến ngoài. Ở nội thành, địch tổ chức thành 5 liên khu, lực lượng chủ yếu là cảnh sát và phòng vệ dân sự.

Thời khắc lịch sử đã đến, nhận được báo cáo của Quân ủy Miền về diễn biến chiến trường và kiến nghị đặt lại tên "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định", đúng 17 giờ 50 phút ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (điện mật số 37/TK), nội dung: “Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Quyết định của Bộ Chính trị được phổ biến nhanh chóng đến các mặt trận, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đồng thời, khẳng định ý chí quyết chiến quyết thắng của các cánh quân trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Một chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn, có kết hợp với nổi dậy của quần chúng để kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử. Tin chiến dịch được mang tên Người đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới. Được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào, vinh dự to lớn của mỗi người Việt Nam, thế hệ làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

the hien nguyen vong tha thiet cua toan dang toan dan toan quan voi lanh tu kinh yeu
Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

Cùng ngày, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố. Đòn tiến công quân sự có nhiệm vụ chia cắt, bao vây, tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội thành; đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các binh đoàn đột kích bằng lực lượng binh chủng hợp thành, cùng với bộ đội đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng nhất là: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát. Phát động quần chúng nổi dậy phối hợp và phát huy kết quả của đòn tiến công quân sự.

Cũng trong ngày 14/4/1975, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 (Mặt trận Tây Nguyên) tiến công đột phá tuyến phòng thủ Phan Rang của quân đội Sài Gòn. Trên hướng Bắc đường 1, Sư đoàn 3 tập kích các vị trí án ngữ ngoại vi thị xã, chiếm quận lỵ Du Long và các điểm cao 105, 300, Ba Râu, Suối Vàng, Suối Đá, cảng Ninh Chữ, chặn đường địch rút chạy ra biển. Trên hướng đường 11, Trung đoàn 25 đánh bại các đợt phản kích của Lữ đoàn dù quân đội Sài Gòn, áp sát sân bay Thành Sơn, làm chủ toàn bộ dải phòng ngự vòng ngoài thị xã Phan Rang. Trên hướng Nam đường 1, lực lượng vũ trang Quân khu 6 tiến công các vị trí của địch tại vùng ven, chia cắt Phan Rang với Bình Thuận.

Sau những thắng lợi to lớn của các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên, Huế - Đà Nẵng đã đánh dấu bước trưởng thành mới và toàn diện của quân đội ta. Các đơn vị bộ độ chủ lực tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, về chỉ huy tác chiến và về kết hợp binh chủng trong các chiến dịch có quy mô lớn. Thu được thêm nhiều vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật của địch, làm cho sức mạnh chiến đấu của các binh đoàn chủ lực của ta tăng lên. Lực lượng vũ trang địa phương của ta cũng phát triển về cả số lượng và chất lượng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh".

PV ( Bài viết có sử dụng tư liệu Bảo tàng Quốc gia)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này