Công đoàn Thủ đô luôn sát cánh cùng người lao động vượt khó khăn

17:13 | 12/04/2020
(LĐTĐ) Dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động. Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, đồng chí Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố khẳng định: tổ chức Công đoàn Thủ đô luôn sát sao, đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ người lao động vượt qua mọi khó khăn.    
cong doan luon sat canh ho tro nguoi lao dong vuot kho khan Tích cực tham gia chống dịch và hỗ trợ người lao động
cong doan luon sat canh ho tro nguoi lao dong vuot kho khan Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19
cong doan luon sat canh ho tro nguoi lao dong vuot kho khan Đề xuất hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Phóng viên: Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 đến đời sống, việc làm của công nhân viên chức, người lao động Thủ đô?

Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng: Dịch bệnh Covid- 19 diễn biến nhanh, phức tạp đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất -kinh doanh và đời sống nhân dân, trong đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống, thu nhập của công nhân lao động.

Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp khối sản xuất kinh doanh đã bị thiếu hụt nguồn nguồn nhiên liệu sản xuất cũng như bị đối tác hủy hợp đồng, không ký kết đơn hàng mới. Điều này khiến các doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, tạm hoãn... khiến thu nhập hàng tháng của người lao động bị giảm sút đáng kể.

cong doan luon sat canh ho tro nguoi lao dong vuot kho khan
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cùng lãnh đạo Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thăm, tặng quà công nhân Khu công nghiệp Quang Minh gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid- 19 tại nhà trọ của công nhân

Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp, người lao động ở khối ngành dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử- những lĩnh vực sản xuất phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài như: Trung quốc, Hàn quốc và một số nước châu Âu. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid- 19 cũng khiến đội ngũ giáo viên, nhân viên, người lao động các trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập lâm cảnh thất nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn.

Tại Hà Nội, thống kê chưa đầy đủ của các cấp Công đoàn Hà Nội, tính tới thời điểm hiện nay đã có 4.026 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid- 19; trong đó có 980 doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, với 147.473 công nhân lao động bị ảnh hưởng, có 18.819 công nhân lao động bị mất việc làm và có 128.654 công nhân lao động thiếu việc làm. Đồng thời, Thành phố có gần 46.000 giáo viên, người lao động khối giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng mất hoặc thiếu việc làm.

Phóng viên: Trước tình hình này, LĐLĐ Thành phố đã có những giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi cũng như hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid- 19, trước hết, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã phát huy trách nhiệm của mình, chủ động, tích cực tham gia cùng các cấp ngành, cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống, ứng phó với dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của người lao động và cộng đồng. Cùng đó, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống, hỗ trợ để đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động vượt khó được Công đoàn đặc biệt chú trọng.

LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 16/KH- LĐLĐ ngày 20/3/2020 về chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19. Trong đó, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động bị ngừng việc do dịch Covid- 19; hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo đúng quy định.

LĐLĐ thành phố yêu cầu Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính Công đoàn và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác do Covid-19.

Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn Hà Nội đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với việc vận động các đơn vị, đối tác đã ký chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn” hỗ trợ kinh phí, tặng sản phẩm, dịch vụ hoặc đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi đến công nhân lao động.

cong doan luon sat canh ho tro nguoi lao dong vuot kho khan
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cùng lãnh đạo các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trực tiếp vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà cho công nhân trong thời kỳ dịch bệnh

LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo thủ đô phát triển kinh tế gia đình hỗ trợ vay vốn kịp thời cho đoàn viên công đoàn thuộc diện bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19, chỉ đạo các cấp công đoàn vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn hỗ trợ giảm giá tiền thuê trọ cho đoàn viên công đoàn, người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch...

Riêng LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ 1.590 đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc LĐLĐ thành phố bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19, có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người, tiền hỗ trợ được chuyển khoản về các Công đoàn cấp trên cơ sở để thực hiện trao cho đoàn viên, người lao động khó khăn với hình thức phù hợp, đúng nguyên tắc tài chính. Cùng với Thành phố, các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở cũng hỗ trợ người lao động khó khăn với mức 500 ngàn đồng/người.

Phóng viên: Theo dự báo của Chính phủ và các cơ quan ban ngành thì trong thời gian tới tình hình sản xuất- kinh doanh của các doanh tiếp tục gặp bất lợi, cuộc sống của người lao động sẽ rất khó khăn, đặc biệt là trong các tháng 4, 5, 6, 7 của năm 2020. LĐLĐ Thành phố có những giải pháp, hoặc đề xuất kiến nghị gì với Thành phố và các cấp ngành để tiếp tục bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng: Cùng với tiếp tục triển khai đẩy mạnh các giải pháp chăm lo, bảo vệ người lao động như trong Kế hoạch số 16/KH- LĐLĐ ngày 20/3/2020 mà LĐLĐ Thành phố đã xây dựng, thời gian tới, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục theo dõi, tập hợp số công nhân viên chức lao động bị mất việc hoặc thiếu việc làm để đề xuất với LĐLĐ Thành phố, Ủy ban nhân (UBND)Thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam có hình thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Cùng đó, LĐLĐ Thành phố cũng đề xuất với Thường trực Thành ủy và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ về thu nhập cho công nhân lao động các doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động các trường học ngoài công lập trên địa bàn Thành phố bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động; công nhân lao động có cả hai vợ chồng đều bị mất việc làm; nữ công nhân lao động trực tiếp đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mất việc làm...

LĐLĐ Thành phố đề nghị Thành phố chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho công nhân lao động bị mất việc làm, giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tạo điều kiện gia hạn thời gian làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với công nhân lao động bị cách ly hoặc vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh nên bị quá thời hạn, được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm ban hành văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã; các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ảnh hưởng dịch bệnh để cắt giảm quyền lợi của người lao động, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; phối hợp với tổ chức Công đoàn nhằm ổn định quan hệ lao động trên địa bàn; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân lao động bị ngừng việc, mất việc do dịch bệnh Covid-19.

Khó khăn còn nhiều, nhưng tổ chức Công đoàn Thủ đô đã, đang và sẽ luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động vượt qua mọi khó khăn. Tôi tin tưởng rằng, với tình cảm, trách nhiệm, nỗ lực của tổ chức Công đoàn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội và các cấp, ngành, đoàn viên, công nhân viên chức lao động Thủ đô sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định công việc, cuộc sống, góp phần ổn định quan hệ lao động, an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Phạm Diệp (Thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này