Chống dịch Covid-19: Đừng để trả giá đắt vì sự chủ quan, lơ là

16:50 | 10/04/2020
(LĐTĐ) Ngày 10/4, cả nước bước sang ngày thứ 10 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, vài ngày gần đây, tại Hà Nội, người dân có tâm lý chủ quan khi liên tục đổ ra đường. Điều này có thể dẫn đến mọi nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua của Chính phủ và các ngành chức năng bị “đổ sông đổ bể”.    
dich co the se bung phat khi nguoi dan khong nghiem tuc cach ly xa hoi Cần quyết liệt các biện pháp giãn cách xã hội, truy soát nguồn lây nhiễm
dich co the se bung phat khi nguoi dan khong nghiem tuc cach ly xa hoi Chung tay ngăn chặn nguồn lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng

Đổ ra đường khi chưa hết thời gian cách ly

Chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 được chính thức áp dụng từ ngày 1/4/2020. Cách ly toàn xã hội được hiểu là hạn chế tập trung nơi đông người, người dân chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết, những nhu cầu khác như vui chơi hay tập thể dục đều được khuyến cáo nên thực hiện tại nhà.

Ngay tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã ra Chỉ thị 05 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19. Theo ghi nhận, trong những ngày đầu, người dân Thủ đô đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Đường phố vắng người qua lại, các cửa hàng không phục vụ mặt hàng thiết yếu chấp hành đóng cửa; người bán hàng rong cũng tự giác ở nhà để phòng dịch.

Tuy nhiên, khoảng 2 ngày trở lại đây, người dân bắt đầu cho thấy sự lơ là, chủ quan trong việc thực hiện cách ly để phòng dịch bệnh. Tại Hà Nội, mặc dù vẫn đang trong thời gian thực hiện cách ly xã hội nhưng đường phố bắt đầu đông đúc trở lại, người dân đổ ra đường ngày một đông hơn.

dich co the se bung phat khi nguoi dan khong nghiem tuc cach ly xa hoi
Tại Đình Hoàng (Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm), người dân vẫn tụ tập ngoài sân để tập thể dục và bán hàng. (Ảnh: K.Tiến)

Ghi nhận của phóng viên trong vài ngày qua, trên các tuyến phố như Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm), Xuân Thủy (Cầu Giấy); đường Láng (Đống Đa), phố Kim Mã (Ba Đình)…lượng phương tiện di chuyển trên đường khá lớn.

Chiều 9/4, tại Đình Hoàng (Đường Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm), mặc dù di tích đã đóng cửa thế nhưng vẫn có hàng chục người vào khuôn viên đình để đá cầu, đánh bóng, tập thể dục. Thậm chí, người dân còn “họp chợ” cóc ngay tại đây.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian sáng sớm và chiều muộn, trên nhiều tuyến đường như Thanh Niên, khu vực ven hồ Tây, ven công viên Hòa Bình… cũng tập trung rất đông người dân đến đây tập thể dục. Hàng chục người già, trẻ vô tư đi lại, trò chuyện, không tuân thủ việc giữ khoảng cách; đa số đều đeo khẩu trang nhưng vẫn có những người lại không hề có biện pháp bảo vệ nào.

Đáng chú ý, tại nhiều nơi, lực lượng chức năng đã thực hiện các biện pháp như rào đường, phát loa nhắc nhở, vận động, nhưng mọi người chỉ chấp hành chống đối rồi sau đó lại quay lại tiếp tục hoạt động thể dục khi lực lượng chức năng đi nơi khác.

Không chỉ ban ngày mà buổi tối, lượng phương tiện trên các tuyến phố cũng đã đông lên rõ rệt, thậm chí nhiều người vẫn không thực hiện đúng việc đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

dich co the se bung phat khi nguoi dan khong nghiem tuc cach ly xa hoi
Ven Công viên Hòa Bình vẫn có nhiều người tập thể dục trong chiều 9/4. (Ảnh:K.Tiến)

Cần có những biện pháp quyết liệt hơn

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, hiện nay, tại Việt Nam đã có sự lây lan trong cộng đồng. “Về dịch tễ vẫn phải điều tra thêm, ví dụ trường hợp 243 vào Bệnh viện Bạch Mai từ rất sớm, chúng ta đi tìm nguồn lây nhiễm thì rất khó, quan trọng là chúng ta phải có những biện pháp để dập dịch”.

Do vậy, chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh, người dân phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, nghiêm chỉnh và quyết liệt, tuyệt đối không được chủ quan. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Cuộc chiến chống dịch của toàn dân, nếu ai chủ quan, lơ là thì chúng ta có thể phải đối mặt với việc dịch bùng phát, khó kiểm soát.

Đáng nói, việc người dân có tâm lý chủ quan dễ dẫn đến mọi nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua của Chính phủ và các ngành chứ năng bị “đổ sông đổ bể”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc không quyết liệt kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng người dân có thái độ chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh.

Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, không để dịch có nguy cơ bùng phát thì thời gian thực hiện cách ly xã hội có thể sẽ kết thúc sớm. Nhưng nếu để dịch có cơ hội tiếp tục lây lan, thì vẫn phải kéo dài thời gian bởi đây là giải pháp căn cơ, tối ưu, hiệu quả.

Đây là lúc người dân Hà Nội, người dân cả nước cần chia sẻ, đồng thuận thực hiện các giải pháp cách ly xã hội, không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp quyết liệt hơn nhằm kiểm soát, xử phạt những người vi phạm.

Trước đó, trong chiều 9/4, phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này