Điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020:

Một số lưu ý với học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10

20:00 | 02/04/2020
(LĐTĐ) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tiến hành rà soát, công bố các nội dung được giảm tải trong chương trình học kỳ II năm học 2019 - 2020. Với bậc trung học cơ sở,  nhiều giáo viên cho rằng Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một cách hợp lí, đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh. Do đó học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 có thể yên tâm.
mot so luu y voi hoc sinh chuan bi thi vao lop 10 Không kiểm tra, đánh giá đối với nội dung kiến thức đã tinh giản
mot so luu y voi hoc sinh chuan bi thi vao lop 10 Công bố nội dung tinh giản chương trình cấp Tiểu học
mot so luu y voi hoc sinh chuan bi thi vao lop 10 Tinh giản chương trình, đẩy mạnh dạy học trên truyền hình

Đảm bảo kiến thức cơ bản, trọng tâm

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh nội dung dạy học các môn học của học kỳ II năm học 2019 - 2020. Theo đánh giá của các giáo viên Hệ thống Giáo dục Hocmai, ở bậc trung học cơ sở, mặc dù có nhiều nội dung được tinh giản nhưng tính hệ thống của các môn học vẫn được bảo đảm, giúp nhà trường giảm bớt được gánh nặng về giảng dạy.

Cụ thể, về nội dung tinh giản chương trình môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục Hocmai) cho rằng, khối lượng kiến thức được giảm tải khá lớn, trải rộng trên tất cả các phần Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể khối lượng kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần học trong phần còn lại của năm học.

mot so luu y voi hoc sinh chuan bi thi vao lop 10
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: N.H)

“Môn Ngữ văn được giảm tải theo 3 hình thức: Thứ nhất là không dạy trọn vẹn một bài; thứ hai là khuyến khích học sinh tự đọc/tự làm cả bài hoặc một phần của bài học và thứ ba là tích hợp các bài học có cùng chung đặc điểm về nội dung, thể loại… Các kiến thức được giảm tải được chọn lọc theo hướng giữ lại những kiến thức trọng tâm, có sự kế thừa cho những lớp học sau. Bên cạnh các bài được giảm tải trọn vẹn (không dạy), đa phần các bài được giảm tải theo hình thức giảm mục tiêu, yêu cầu bài học, chỉ cốt hình thành khái niệm, giúp học sinh nắm được những đơn vị kiến thức cơ bản và cần yếu nhất”- thầy Hùng phân tích.

Đối với môn Tiếng Anh, theo thầy Nguyễn Trung Nguyên (giáo viên Tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục Hocmai), lượng kiến thức được giảm tải chiếm từ 20 - 30% khối lượng kiến thức của cả năm học và khoảng 60 - 70% khối lượng kiến thức học kỳ II. Tuy nhiên, những nội dung kiến thức quan trọng vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt là những nội dung về ngữ pháp và từ vựng.

“Như vậy có thể thấy Bộ GD&ĐT đã tính toán rất kỹ lưỡng khi giữ lại những kiến thức trọng tâm và giảm tải những kiến thức không quá quan trọng. Đều này giúp học sinh sẽ phân bổ thời gian học hợp lý và hiệu quả hơn mà không gây ra sự xáo trộn lớn về tính hệ thống của chương trình” - thầy Nguyên đánh giá.

Đối với môn Toán, thầy Hồng Trí Quang (giáo viên Toán, Hệ thống giáo dục Hocmai đánh giá, nội dung điều chỉnh dạy và học chủ yếu theo các hình thức: Giảm bớt một số tiết luyện tập, gộp các tiết luyện tập lại, bỏ một số tiết thực hành ngoài trời; một số nội dung được chuyển sang kiến thực tự học có hướng dẫn là những kiến thức rất cơ bản.

Một số phần kiến thức được chuyển thành khuyến khích học sinh tự học tại nhà, không quá ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức ở những phần sau, lớp sau hoặc là những bài luyện tập ở mức độ cao hơn. Một số chứng minh tính chất, định lý được lược bỏ nhằm giảm bớt thời gian làm việc trên lớp cho các thầy

Xây dựng lộ trình tự học phù hợp

Trước băn khoăn về việc tinh giản có ảnh hưởng đến lộ trình ôn thi vào lớp 10 của học sinh lớp 9, thầy Hồng Trí Quang đã dẫn chứng cụ thể về phần kiến thức tinh giản đối với học sinh lớp 9: “Như nội dung điều chỉnh thì phần kiến thức không dạy của lớp 9 là cắt hình trụ bởi một mặt phẳng, hình nón cụt. Những đề thi năm trước vào lớp 10 của Hà Nội và nhiều tỉnh/thành khác không thi phần này. Như vậy phần kiến thức bỏ đi này không ảnh hưởng gì. Một số phần điều chỉnh thành khuyến khích học sinh tự học như Cung chứa góc thì xác suất thi vào sẽ thấp hơn”.

Bộ GD&ĐT vừa có Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH gửi Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố; Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Trong đó nêu rõ: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung "không dạy", "không làm", "không thực hiện", "khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)" theo hướng dẫn.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT), việc tinh giản được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, nền tảng cho học sinh để đảm bảo các em có đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau; đảm bảo thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học.

Thầy Quang đánh giá, với môn Toán, việc giảm tải chủ yếu là giảm bớt thời gian làm việc trên lớp của thầy và trò, giảm bớt mức độ yêu cầu vận dụng kiến thức đó để luyện tập một số bài nâng cao. Do đó việc điều chỉnh nội dung này gần như không thay đổi quá lớn nên lộ trình ôn tập của học sinh lớp 9 cũng không thay đổi nhiều, chỉ cần điều chỉnh lại các mốc thời gian theo sự điều chỉnh thời gian năm học, chọn giai đoạn tăng tốc cho phù hợp.

Với môn Ngữ văn, thầy Hùng cho biết, học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 nên tập trung ôn luyện vào các đơn vị kiến thức trọng tâm trong học kỳ I và một số bài giữ lại trong chương trình học kỳ II.

Với môn Hóa học, theo cô Phạm Thị Thúy Ngọc (giáo viên Hóa học, Hệ thống Giáo dục Hocmai), học sinh cần lưu ý các chủ đề: Phi kim, Hidrocacbon, Gluxit, Rượu và axit, Chất béo, Protein, Polime tách riêng.

“Mặc dù thời gian học ở lớp bị rút ngắn, kiến thức có được giảm đi nhưng để đạt được kết quả tốt thì các em học sinh cần tăng cường khả năng tự học để đảm bảo đủ lượng kiến thức. Lộ trình của các em vẫn là: Nắm vững kiến thức cơ bản - ôn tập chuyên sâu - luyện đề - rút kinh nghiệm trong quá trình luyện đề và tự tin đi thi. Sau giai đoạn dịch này, những học sinh biết tận dụng thời gian học hiệu quả thì chắc chắn kết quả học sẽ tốt hơn. Giai đoạn bây giờ nếu học sinh nào còn hổng kiến thức thì tranh thủ củng cố, còn đa số nên dành thời gian đào sâu mỗi chuyên đề.

Bên cạnh đó, các em có thể theo dõi chương trình học trên truyền hình địa phương, chương trình học online ở trường của các thầy cô hoặc chọn các chương trình đào tạo online hiệu quả, đồng thời lập nên các nhóm học online để trao đổi, thảo luận, giúp đỡ lẫn nhau” - thầy Quang cho lời khuyên.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này