Nghị lực của chàng trai khuyết tật

12:55 | 01/04/2020
(LĐTĐ) Sinh ra là một người khuyết tật, Hoàng Trung Nghĩa (22 tuổi, Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dù vậy, Nghĩa vẫn luôn tự tin, tự lập từ rất sớm và luôn tìm cơ hội phấn đấu để hoàn thiện bản thân, cố gắng vươn lên để không là gánh nặng của gia đình.
nghi luc cua chang trai khuyet tat Nghị lực của chàng trai “tàn nhưng không phế”
nghi luc cua chang trai khuyet tat Nhân lên niềm vui cuộc sống cho nhiều hội viên người mù

Trong ký ức của mình, Nghĩa chỉ nhớ rằng từ nhỏ, bản thân cậu đã hay đau yếu, hai chân co quắp, cơ thể bị bại liệt. Em chỉ có thể nằm trên giường, những cử động dù rất nhỏ cũng khó khăn. Nghĩa bập bẹ tập nói khi lên 4 và lúc 5 tuổi mới có thể ngồi được.

nghi luc cua chang trai khuyet tat
Nghĩa vẫn luôn tự tin, tự lập từ rất sớm và luôn tìm cơ hội phấn đấu để hoàn thiện bản thân, cố gắng vươn lên để không là gánh nặng của gia đình.(Ảnh Tiến Anh)

Căn bệnh hiếm mà Nghĩa mắc phải có tên gọi là bệnh xương thủy tinh, hay còn gọi là bệnh xương dễ gãy, là bệnh do rối loạn di truyền liên quan đến cấu trúc xương. Người mắc bệnh này thường dễ vỡ xương, mặc dù có thể ít hoặc không có tổn thương rõ ràng. Ngoài gãy xương, người bệnh đôi khi bị yếu cơ hoặc lỏng khớp và thường mắc dị tật xương bao gồm tầm vóc nhỏ, vẹo cột sống (cong cột sống), các xương dài hình cung.

Cũng chính bởi căn bệnh này, tính mạng của em không ít lần gặp nguy hiểm, chỉ sơ sẩy một chút là gãy xương, chảy máu không ngừng. Ở thể nặng, người bệnh như Nghĩa phải đặc biệt lưu ý mọi tư thế sinh hoạt, vận động, không để bị va đập, chấn thương.

Mọi sinh hoạt của Nghĩa từ nhỏ đến lớn đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ, kể cả những việc dù đơn giản như vệ sinh cá nhân. Mỗi khi thấy bạn bè đá bóng, thả diều, hằng ngày tíu tít cắp sách đến trường, Nghĩa lại chạnh lòng, khóc vì buồn. Vì thương con, bố mẹ Nghĩa đã chạy khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc nhưng đều vô vọng. Có thời gian, Nghĩa không muốn giao tiếp với ai, em trốn tránh thực tế bằng những suy nghĩ tiêu cực.

Năm lên 6 tuổi, thời điểm của một đứa trẻ bình thường bắt đầu cắp sách đến trường, mẹ em vì không muốn con phải chịu thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, nên đã mua sách về tự dạy để cậu biết đọc, biết viết. Do cơ thể yếu ớt, việc cầm được bút viết đối với Nghĩa cũng là cả một hành trình gian khó, nhiều lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc vì cứ ngồi chưa được bao lâu thì toàn thân đau mỏi, đặc biệt là các khớp và xương.

Bàn tay lại yếu ớt nên không thể cầm bút được lâu. Với quyết tâm “không để thua kém bạn bè, Nghĩa cũng viết được những nét chữ đầu tiên. Cứ như thế, mẹ dạy cho cậu học được hết kiến thức của lớp 1, rồi lớp 2… đến khi hết được kiến thức lớp 5 thì mẹ mang thai. Lúc ấy mẹ không thể tiếp tục dạy cậu học được nữa, Nghĩa đành gác lại việc học từ đó.

Mặc dù không có cơ hội học tiếp nhưng được bố mẹ và ông ngoại động viên, Nghĩa tự mở lòng mình, phần nào quên đi những khó khăn của bản thân. Cậu luôn không ngừng mơ ước, điều ước giản dị, rằng đến một ngày nào đó sẽ tự mình làm được những việc đơn giản, để ông ngoại và bố mẹ em đỡ vất vả. Cậu nghĩ: “Chỉ cần mình cố gắng, mình sẽ làm được. Việc học là cần thiết nhưng không phải là cánh cửa duy nhất để vào cuộc đời”.

Nghĩa chia sẻ: “Em nhận ra rằng hạnh phúc đơn giản là được sống trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Không ai bỏ rơi mình cả, chỉ có mình tự bỏ rơi mình trong sự cô đơn mà thôi. Mình có sự chở che, đùm bọc, giúp đỡ của rất nhiều người, vì thế em phải cố gắng để không phụ lòng mọi người, bản thân cũng có cơ hội làm những điều có ích. Ở thời điểm hiện tại, em thấy hạnh phúc khi được là chính mình, dù sinh ra với hình hài khác biệt nhưng đó là những tháng ngày mẹ đã mang nặng đẻ đau, vất vả chăm lo cho mình sớm tối…”

Nhận thấy đôi tay mình có thể làm việc được, cùng với mong muốn có một nghề nghiệp ổn định để tự nuôi sống bản thân, Nghĩa đã xin bố mẹ đăng ký theo học lớp tin học văn phòng của Trung tâm dạy nghề quận Hoàn Kiếm. Cũng nhờ sáng dạ, cậu đã hoàn thành khóa học với kết quả tốt. Năm 2018, Nghĩa tiếp tục đăng ký học đồ họa máy tính ở Trung tâm Nghị lực sống (Hoàng Mai, Hà Nội).

Do Trung tâm cách xa nhà, Nghĩa không muốn ông ngoại phải vất vả đưa đón, em xin được ở lại nhà chung của trung tâm để ngoài giờ học có thể sinh hoạt cùng với mọi người. Khoảng thời gian ấy, nhờ chí cầu tiến, tính nết lại hiền lành, thật thà, Nghĩa rất được mọi người quý mến. Em cũng là trường hợp bị dị tật nặng nhất ở Trung tâm lúc bấy giờ nên nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô và bạn bè ở đây.

Ngoài việc học hỏi, trau dồi bản thân, Nghĩa nhờ ông ngoại tìm mối hàng, giúp cậu nhập bánh rán về và tự mang bán trên con phố nhỏ của Thủ đô. Công việc của Nghĩa cứ thế diễn ra suôn sẻ được hơn 1 năm thì gần đây phải tạm ngừng vì đợt dịch viêm phổi cấp toàn cầu. Mặc dù được ông ngoại động viên ở nhà nghỉ ngơi rồi luyện thêm tay nghề, nhưng với mong muốn được làm việc để giảm gánh nặng cho ông, em xin vào làm ở cửa hàng bán thạch rau câu, công việc của em là đổ thạch rau câu thành khuôn để bán cho khách. “Dù cuộc sống có khó khăn, thử thách đến mấy, em cũng sẽ luôn cố gắng và không đầu hàng số phận”, Nghĩa tràn đầy năng lượng khi nói về sự quyết tâm và những mong ước trong tương lai. Sắp tới em sẽ học thêm những ngành nghề khác để tự hoàn thiện chính mình.

nghi luc cua chang trai khuyet tat
Dù cuộc sống có khó khăn, thử thách đến mấy, em cũng không hàng số phận - Ảnh Hà Thanh

Cẩn thận là thế nhưng cuối năm 2019 vừa rồi, trong một lần ngồi bán bánh rán trên góc vỉa hè, em vẫn bị một chiếc xe máy lấn làn quẹt vào chân khiến em bị biến dạng các xương bàn chân và ngón chân, phải nhập viện điều trị dài ngày. Dù vậy, sau khi ra viện, cậu lại tiếp tục công việc thường ngày, với cậu, nếu vì khó khăn mà bỏ cuộc thì cậu đã không có được như ngày hôm nay.

Nghĩa chia sẻ: “Em nhận ra rằng hạnh phúc đơn giản là được sống trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Không ai bỏ rơi mình cả, chỉ có mình tự bỏ rơi mình trong sự cô đơn mà thôi. Mình có sự chở che, đùm bọc, giúp đỡ của rất nhiều người, vì thế em phải cố gắng để không phụ lòng mọi người, bản thân cũng có cơ hội làm những điều có ích. Ở thời điểm hiện tại, em thấy hạnh phúc khi được là chính mình, dù sinh ra với hình hài khác biệt nhưng đó là những tháng ngày mẹ đã mang nặng đẻ đau, vất vả chăm lo cho mình sớm tối…”

Với một người khuyết tật, biết chấp nhận bản thân mình đã là một việc khó, còn tự phấn đấu học hỏi, vươn lên để tự lập như Nghĩa lại cần phải có một nghị lực phi thường mới có thể vượt qua được. Mong rằng, cậu sẽ sớm hoàn thành được nguyện vọng của mình để cuộc sống đỡ vất vả.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này