Dịch Covid-19 đã chuyển sang cấp độ 3

18:49 | 30/03/2020
(LĐTĐ) Hôm nay (30/3), Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến với ngành Y tế 63 tỉnh, thành về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dịch đã chính thức chuyển sang cấp độ 3.
dich covid 19 da chuyen sang cap do 3 Ngành giao thông quyết liệt phòng chống dịch Covid-19
dich covid 19 da chuyen sang cap do 3 Hà Nội sẽ triển khai các trạm xét nghiệm Covid-19 lưu động
dich covid 19 da chuyen sang cap do 3 Phong tỏa tòa nhà có 2 vợ chồng dương tính với Covid-19 tại Khu đô thị Thanh Hà

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch trên thế giới và tại Việt Nam còn nhiều diễn biến phức tạp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam chỉ còn hai tuần để thực hiện các biện pháp tích cực chống dịch Covid-19. Do đó, chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ để ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

dich covid 19 da chuyen sang cap do 3
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp.

Việc lây truyền dịch bệnh này, theo Thứ trưởng, phụ thuộc 3 yếu tố: Thứ nhất, người mang dịch từ nước ngoài về. Theo tổng hợp sơ bộ, 70% số ca mắc Covid-19 mang mầm bệnh từ nước ngoài về. Thứ hai là phát hiện người bệnh nhiễm virus và thực hiện cách ly. Nếu phát hiện sớm, cách ly kịp thời thì tình trạng lây nhiễm ra cộng đồng hạn chế. Thứ ba là điều trị bệnh nhân nhiễm, điều này liên quan lây nhiễm trong cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hiện có hai nơi được coi là “ổ dịch lớn” là quán bar Buddha ở TP HCM và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai có 3 tâm dịch: Ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Khoa Thần kinh và khu vực nhà ăn do Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra 5 nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Nhóm thứ 1 là nhóm bệnh nhân đã điều trị ở đây và ra viện. Sau khi xác định đó là ổ dịch, bệnh viện đã rà soát một số đối tượng đã chuyển về các tuyến. Nhóm thứ 2 là cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân. Nhóm 3 là học sinh, sinh viên đến thực tập, học tập. Nhóm 4 là người phục vụ bệnh nhân với 2 nhóm nhỏ là người nhà đến phục vụ và nhóm được người nhà thuê phục vụ bệnh nhân. Nhóm 5 là nhân viên phục vụ tại Bệnh viện với 2 phân nhóm chính là phân nhóm phục vụ của Công ty Trường Sinh, phân nhóm 2 là nhân viên lái xe điện, nhân viên bảo vệ, nhân viên vệ sinh môi trường…

Từ các nhóm nguy cơ cao này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên xác định nếu không được phát hiện, giám sát chặt chẽ nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, niện nay, dịch đã chính thức chuyển sang cấp độ 3. Tất cả cơ sở y tế cần tập trung giải quyết hai vấn đề; Một là phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Hai là, khi phát hiện được rồi thì làm sao hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng.

Bởi vậy, vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng trong ngăn chặn dịch, trong đó có vấn đề phát hiện ca nhiễm ở cộng đồng. "Riêng với y tế cơ sở, chúng ta đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để phát hiện từng trường hợp, lập được danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 8/3 đến nay và bước đầu đã kiểm soát được nhóm đối tượng này. Khi đã có danh sách đối tượng thì vấn đề phát hiện ca nhiễm tại cộng đồng hết sức quan trọng. Vai trò của y tế cơ sở là hết sức quan trọng, góp phần vào sự thành công của công tác chống dịch Covid-19”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản chi tiết với 4 cấp độ diễn biến dịch và cả tình huống cao hơn. Theo đó, các cấp độ 1, 2, 3, 4 tương ứng với các tình huống: có trường hợp bệnh xâm nhập; dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước; dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng và đã tính đến tình huống cao hơn cấp độ 4.

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này