Hà Nội: Bùng nổ dịch vụ mua bán online mùa dịch

07:58 | 30/03/2020
(LĐTĐ) Để tránh nguy cơ lây nhiễm từ những nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị…, nhiều người dân Hà Nội đã chuyển sang hình thức đi chợ online. Đây được xem như một giải pháp hữu hiệu, an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
ha noi bung no dich vu mua ban online mua dich Đeo khẩu trang nơi công cộng: Tự bảo vệ mình và cộng đồng
ha noi bung no dich vu mua ban online mua dich Kinh doanh mùa dịch: Đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng

Hạn chế đi chợ, siêu thị

Lo lắng dịch bệnh có thể lây lan từ những nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị, những ngày gần đây người dân Hà Nội đã hạn chế tối đa việc ra ngoài mua sắm.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng đìu hiu, vắng khách không chỉ diễn tại các chợ dân sinh, mà ngay cả các siêu thị lớn, các trung tâm mua sắm cũng đang trong tình trạng tương tự.

Tại siêu thị Big C Trần Duy Hưng, Vinmart Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), Vinmart Chùa Láng (quận Đống Đa), Coop Mart Hà Đông… dù đang là cuối tuần nhưng lượng khách đến mua sắm tương đối ít. Mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất là các loại thực phẩm như mì tôm, cá, thịt, rau…

ha noi bung no dich vu mua ban online mua dich
Chợ Chùa Láng vắng lặng hẳn so với ngày thường (Ảnh: Lê Thắm)

Tương tự, tại một số chợ dân sinh như Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Chùa Láng (quận Đống Đa) những ngày gần đây thưa thớt cả người bán lẫn người mua. Đặc biệt, tại chợ Chùa Láng, trong các ngày từ 27 – 29/3, lượng khách sụt giảm nhanh chóng. Cùng với đó, số lượng các sạp hàng cũng giảm dần.

Chị Đinh Thị Hoa (ở quận Cầu Giấy) cho biết, gia đình chị có 7 thành viên, trước đây, trung bình mỗi tuần chị đều tới siêu thị mua sắm 2 lần. Nhưng kể từ khi có thông tin dịch bệnh chị chuyển sang tuần chỉ đi 1 lần sau đó chuyển sang 2 tuần đi một lần. Nếu cần thêm, chị gì sẽ đặt hàng online.

“Mỗi lần tới siêu thị tôi đều mua các vật dụng và thực phẩm đủ dùng trong vòng 2 tuần. Dịch bệnh đang diễn biến ngày một phức tạp, tốt nhất là nên hạn chế ra ngoài kể cả đi chợ hay siêu thị”- Chị Hoa chia sẻ.

Không hoàn oàn chấm dứt việc mua sắm, tuy nhiên để hạn chế tới nơi đông người, thay vì giữ thói quen đi chợ mỗi ngày, chị Hoàng Anh (ở quận Đống Đa) cho biết, hơn 1 tháng nay, chị đã chủ động từ bỏ thói quen cũ, tập thích ứng với việc mua hàng online.

“Nếu nói là hoàn toàn không đi chợ, hay siêu thị thì không đúng, chỉ là hạn chế lại thôi. Thay vì đi siêu thị buổi tối sẽ rất đông, tôi chọn đi buổi trưa, ghi hết tất cả những thứ cần mua trên giấy rồi ghé mua thật nhanh xong về ngay”- chị Hoàng Anh cho hay.

Bán hàng online lên ngôi

Theo đại diện siêu thị Coop Mart Hà Đông, từ khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng đột biến, gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Các sản phẩm thiết yếu như khẩu trang y tế, gel rửa tay, nước rửa tay, mì gạo, sữa tươi, nước giải khát, nước tinh khiết, nước giặt, kem đánh răng… được khách hàng ưu tiên chọn lựa.

Trước xu hướng này, Coopmart Hà Đông tiến hành đẩy mạnh dịch vụ mua sắm trực tuyến, tăng cường điều phối nhân sự tiếp nhận đơn hàng cũng như nhân sự giao hàng để đảm bảo giao sản phẩm tới tay khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, nhiều chủ của các cửa hàng thực phẩm online cũng cho biết, do mọi người ngại ra ngoài mua sắm nên thời gian này cửa hàng của họ đông khách gấp 2 - 4 lần so với trước đó.

“Tôi bán online đã nhiều năm nay nhưng chưa khi nào bán chạy như thời điểm này, 3 tuần nay luôn phải nhập hàng tăng gấp đôi so với ngày thường vì khách đặt mua nhiều. Trong đó, đắt khách nhất là các loại giò, chả, gạo, thịt”- anh Nguyễn Văn Quang (ở Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân) chia sẻ.

Cũng theo anh Quang, nếu như trước đây khách đặt nhiều nhất chỉ từ 20 - 50kg gạo thì nay có nhà mua đến cả trăm kg. Tôm, cá hay thịt bò Mỹ cũng được mua 3, 4kg một lúc.

Nắm bắt được xu hướng này, không chỉ các cửa hàng thực phẩm hay siêu thị mà ngay cả các tiểu thương trước đây vốn buôn bán tại chợ dân sinh cũng chuyển sang hình thức bán hàng qua điện thoại và ship tận nơi cho khách hàng.

Chị Hoàng Hà (chủ một đại lý gạo tại ngõ 850 đường Láng) cho biết: Quan sát việc mua sắm của người dân từ đầu mua dịch, dự đoán được việc hạn chế ra đường là điều tất yếu nên nhân lúc khách hàng mua trực tiếp còn đông chị đã sớm in số điện thoại gửi cho họ. Nếu khách hàng không tiện ra ngoài mua sắm chị sẽ cho người giao tới tận nơi.

ha noi bung no dich vu mua ban online mua dich
Nhiều tiểu thương trước vốn bán hàng trực tiếp tại chợ dân sinh cũng chuyển ssang hình thức bán qua điện thoại. (Ảnh: Lê Thắm)

“Từ lúc thành phố kêu gọi mọi người hạn chế ra đường, chợ vắng hẳn. Nếu như trước đây vào mỗi sáng người đông nghịt người thì nay rất thưa thớt. Biết thế nào cũng xảy ra tình trạng này, nên nhiều ngày trước khách đến mua hàng tôi đều cho cho họ số điện thoại, giờ họ cần mua gì gọi điện mình đi giao. Như vậy, mình vẫn bán được hàng, mà vẫn thực hiện đúng quy định của thành phố”, chị Hà cho hay.

Cũng như như chị Hà, nhiều tiểu thương khác tại chợ Chùa Láng cũng áp dụng biện pháp tương tự và được khá nhiều khách hàng ủng hộ.

Có thể thấy, việc chuyển sang mua bán online của khách hàng và tiểu thương hiện nay là phù hợp với tình tình thực tiễn. Việc hạn chế tối đa tiếp xúc đông người sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tuy nhiên, cả người bán và người mua đều cần cẩn thận trong khâu vận chuyển hàng hóa. Đồng thời bảo an toàn vệ sinh trước và sau khi giao nhận sản phẩm; không đặt hàng quá nhiều lần trong một ngày, giao nhận hàng trong khoảng cách được giới hạn…

L.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này