Khởi sắc từ những quyết tâm

10:30 | 17/03/2020
(LĐTĐ) Suốt 9 thập kỷ qua, với nỗ lực chung của cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam ngày nay đã có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Qua đó, làm thay đổi diện mạo đất nước, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với Thủ đô Hà Nội, suốt 90 năm qua, trên bình diện kinh tế - thương mại đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
khoi sac tu nhung quyet tam Quyết tâm xây dựng huyện kiểu mẫu
khoi sac tu nhung quyet tam Quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ năm 2020

Dấu ấn một chặng đường

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa long trọng kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03/2/1930 – 3/2/2020), và hôm nay (17/3) Thủ đô Hà Nội cũng long trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố (17/3/1930 - 17/3/2020). 90 năm qua là một chặng đường đầy vẻ vang nhưng cũng đầy những khó khăn gian khổ thách thức đối với những người Cộng sản trong vai trò là những người tiên phong lãnh đạo đất nước.

khoi sac tu nhung quyet tam
Hơn 30 năm đổi mới, cơ sở vật chất thương mại Hà Nội đã thay đổi một cách nhanh chóng.

Nhiều giai đoạn phát triển đã đi qua nhưng có thể nói, một trong những giai đoạn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét nhất, đó là thời kì đất nước bước vào công cuộc đổi mới từ năm 1986. Nhớ lại cách đây đã hơn 30 năm, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương VI khóa 5 có nói: “Chế độ bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế của chúng ta trở nên giả tạo. Nay phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận sự tồn tại khách quan của giá thị trường, đó là giá thực tế mà cả xã hội đang phải sống hàng ngày với nó, việc mua bán trao đổi dù theo cách nào, bất cứ ở đâu cũng đều đang lấy nó làm chuẩn để đo lường và so sánh”.

Cũng thời kỳ đó, Giáo sư Đào Xuân Sâm đã có tham luận: “Về kinh doanh Xã hội chủ nghĩa và quyền tự chủ của người kinh doanh, muốn kinh doanh phải khai mở thị trường, còn không vẫn là bao cấp giả tạo, các thành phần tham gia thị trường đều bình đẳng trước pháp luật”. Có thể thấy, những trăn trở của các nhà lãnh đạo và các nhà khoa học trước đổi mới là cơ sở và nền tảng cho việc đổi mới toàn diện trong sự nghiệp phát triển kinh tế ở nước ta.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI mang làn gió đổi mới, lan tỏa đến các ngành kinh tế trong cả nước, trong đó có ngành thương mại. Sản xuất được “cởi trói”, nguồn cung hàng hóa dồi dào tạo điều kiện cho đầu vào để thương mại phát triển, đã không còn cảnh cát cứ địa phương, ngăn sông cấm chợ như trước đổi mới. Đổi mới đã xóa bỏ cơ bản cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh theo hướng thị trường, có sự quản lý của nhà nước.

Khởi sắc từ những quyết tâm…

So với thời kỳ trước đổi mới, hiện nay, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Kinh tế nông thôn, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, đã chuyển dần từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường và trên cơ sở phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Chúng ta đã hình thành một số vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo động lực và sức lan tỏa phát triển, trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị lớn được hình thành. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh và ngày một phát triển; trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, với những bài học kinh nghiệm của thời kì đổi mới hơn 30 năm qua, thương mại Thủ đô sẽ đóng góp một cách xứng đáng, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Với thương mại Thủ đô, sau đổi mới ngày càng vững bước đi lên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố. Thủ đô Hà Nội là một thành phố với quy mô dân số hơn 7 triệu người, sức mua lớn và là một địa phương có vai trò trung tâm kinh tế thương mại của vùng đồng bằng Bắc Bộ và của cả nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, cơ sở vật chất thương mại đã thay đổi một cách nhanh chóng. Hệ thống phân phối của Thủ đô đã có nhiều thay đổi một cách cơ bản.

Hà Nội hiện có 430 chợ, 130 siêu thị và 25 trung tâm thương mại, 700 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini. Trong đó kênh thương mại văn minh đã chiếm trên 20% thị phần của doanh số bán lẻ chung của thành phố. Các đơn vị kinh doanh đều chuyển sang hạch toán kinh doanh, tự chịu trách nhiệm và kinh doanh theo pháp luật, thương mại đã gắn bó với sản xuất của Thủ đô, do đó đã đem lại một quỹ hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ người tiêu dùng. Ngoài ra, thương mại Thủ đô cũng đã thực hiện việc xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết với các tỉnh thành phố bạn trong cả nước và bổ sung quỹ hàng hóa nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng với số lượng và chất lượng.

Năm thành phần kinh tế trong thương mại cùng nhau phát triển, cạnh tranh một cách bình đẳng trên thị trường. Với sức ép của các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam đã làm cho thương mại cả nước cũng như thương mại Thủ đô phải vươn lên để vừa cạnh tranh, vừa hợp tác phát triển. Nhờ đổi mới, quyền lựa chọn của người tiêu dùng ngày càng được tôn trọng hơn, thông qua tiêu dùng, thương mại đã tác động để sản xuất phát triển, góp phần vào phục vụ xã hội.

30 năm đổi mới cũng là chặng đường mà Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, nhiều thành tựu kinh tế, trong đó có phát triển sản xuất và phát triển thương mại nội địa đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Song chúng ta không thể chủ quan và thỏa mãn với những gì đã đạt được, mà cần tiếp tục đổi mới, phát triển để thương mại Thủ đô xứng tầm với vị trí quan trọng của mình. Nghiêm túc khắc phục những khuyết điểm yếu kém còn tồn tại, ngành thương mại Thủ đô trong tương lai chắc chắn tiếp tục góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Hà Nội và cả nước.

Bên cạnh đó, trong xây dựng lực lượng, cần coi trọng yếu tố con người trong việc thực thi các nhiệm vụ, cán bộ công nhân viên chức trong ngành vừa phải có nghiệm vụ chuyên môn cao, vừa có đạo đức tốt để phục vụ được đông đảo người tiêu dùng, phải tiếp tục xây dựng thương hiệu bán lẻ Thủ đô ngày càng vững chắc. Thương mại Thủ đô trong thời đại công nghiệp 4.0, toàn ngành phải nắm bắt những thành tựu công nghệ mới phục vụ cho việc tổ chức thị trường và tổ chức phục vụ người tiêu dùng ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn trong những năm tới.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, với những bài học kinh nghiệm của thời kì đổi mới hơn 30 năm qua, thương mại Thủ đô sẽ đóng góp một cách xứng đáng, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Vũ Vinh Phú

(Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này