Nhiều đổi mới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam

11:19 | 17/03/2020
(LĐTĐ) Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay việc phòng chống dịch Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Do đó, Việt Nam đã có những thay đổi trong biện pháp chống dịch để phù hợp với tình hình mới như: Kiên quyết ngăn chặn những ca xâm nhập; thực hiện cách ly triệt để với những ca nghi ngờ; áp dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát hành khách nhập cảnh vào Việt Nam…
nhieu doi moi trong cuoc chien chong dich covid 19 tai viet nam Phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả tại các chung cư
nhieu doi moi trong cuoc chien chong dich covid 19 tai viet nam Thủ tướng biểu dương Tập đoàn FLC đóng góp ủng hộ chống dịch COVID-19

Phát hiện sớm, kiên trì ngăn chặn những ca xâm nhập

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Triển khai Tập huấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19", GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch.

nhieu doi moi trong cuoc chien chong dich covid 19 tai viet nam
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại sân bay Nội Bài chiều 15/3.

Cụ thể, phần lớn những ca bệnh dương tính với Covid-19 ở nước ta là xâm nhập từ nước ngoài vào, do đó chúng ta dễ xác định được bệnh nhân số O, điều này khác hẳn các nước khác thường rất khó xác định được bệnh nhân số O. Đây là điểm mạnh trong phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay việc phòng chống dịch Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Về chiến lược, Việt Nam vẫn kiên trì, quyết liệt với các mục tiêu đề ra như quyết tâm kiên trì ngăn chặn những ca xâm nhập, nhưng có thay đổi phù hợp hơn. “Nếu tiếp tục để những ca bên ngoài xâm nhập, làm lây lan trong cộng đồng thì khả năng đáp ứng của chúng ta hết sức khó khăn. Do đó, chúng ta phải kiên trì và quyết liệt”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo với tất cả địa phương phải xác định rõ, coi khối các nước thuộc khu vực Schengen, Châu Âu, Anh, Mỹ là những vùng tâm dịch. Từ ngày 13/3, Việt Nam đã thực hiện việc cách ly y tế với hành khách đến và đi qua các các nước này trên các chuyến bay về Việt Nam để phát hiện những ca nghi ngờ. Và thực tế, trong chuyến bay ngày 13/3 về Việt Nam, nhờ việc triển khai quyết liệt này, chúng ta đã phát hiện kịp thời một ca dương tính (bệnh nhân số 51) và đưa vào cách ly.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện Việt Nam vẫn tiếp tục ngăn chặn tại biên giới phía Bắc và khu vực phía Nam, chưa có lệnh nới lỏng tại khu vực này. Việt Nam thực hiện khai báo y tế cho tất cả khách nước ngoài vào Việt Nam. Đây là động thái mạnh mẽ trong ngăn chặn những ca xâm nhập. Thành công nhất của Việt Nam là thực hiện hiệu quả trong việc cách ly những trường hợp mắc Covid-19 và cách ly tại cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá cao thành công này của Việt Nam để không lọt những trường hợp nghi nhiễm ra ngoài cộng đồng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, việc cách ly y tế của Việt Nam đặc biệt hơn so với một số nước khác. Thí dụ, một số nước cách ly tại nhà với trường hợp tiếp xúc gần. Nhưng ở Việt Nam, các trường hợp tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần là tiến hành cách ly tại cơ sở. Gia đình người bị mắc Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc từ bề mặt, từ đồ dùng chung cũng được cách ly tập trung. Những trường hợp tiếp xúc gần và trực tiếp được cách ly rồi, thì khả năng lây nhiễm ra cộng đồng ở mức thấp.

Thời gian qua, Việt Nam phát huy hiệu quả việc cách ly tập trung như tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), thực hiện cách ly ở mức độ rộng. Hiện nay, Việt Nam đã có những điều chỉnh theo đúng quy định chặt chẽ hơn, khoanh vùng nhỏ hơn, vừa bảo đảm về đời sống cho người dân mà vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. “Các địa phương đang làm rất tốt việc này. Chúng tôi luôn nhắc các địa phương phải tiến hành cách ly triệt để, không để lây nhiễm trong khu cách ly. Dù vất vả nhưng vẫn phải làm”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Khoa học công nghệ hỗ trợ hiệu quả chống dịch Covid-19

Đặc biệt, theo GS, TS Nguyễn Thanh Long, một trong những thay đổi lớn của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 là thay đổi phương thức, mở rộng hơn đối tượng xét nghiệm. Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã thực hiện trang bị đầy đủ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở xét nghiệm, chỉ đạo các địa phương sản xuất bộ thử nghiệm, trao đổi kỹ thuật giữa các phòng labor với nhau để chuẩn bị cho những việc mở rộng này.

nhieu doi moi trong cuoc chien chong dich covid 19 tai viet nam

Theo đó, tất cả hành khách nhập cảnh từ khối các nước thuộc khu vực Schengen, Châu Âu, Anh, Mỹ đều được giám sát về y tế, khai tờ khai y tế, đo thân nhiệt và đặc biệt là thực hiện xét nghiệm ngay tại các cửa khẩu. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng có văn bản chỉ đạo các địa phương, yêu cầu các hành khách nhập cảnh từ khối các nước thuộc khu vực Schengen, Châu Âu, Anh, Mỹ trong vòng 14 ngày qua vào Việt Nam phải khai báo tờ khai y tế điện tử nếu chưa khai. Đồng thời, phải tiến hành xét nghiệm hết các đối tượng này. “Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm miễn phí. Chúng ta làm càng nhanh thì càng sớm khoanh lại các khu vực nghi ngờ”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Hiện nay, công suất xét nghiệm đang được đẩy nhanh lên, từ thực tế hiện nay đang trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian trả kết quả trong thời gian tới đây.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Y tế một trong những chiến lược cần thay đổi trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 là khoa học công nghệ để truy suất hành khách, quản lý các trường hợp bệnh, trường hợp tiếp xúc với người bệnh. Thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các đơn vị công nghệ, Bộ Y tế đã khai trương trang tin cung cấp thông tin kịp thời trên quan điểm minh bạch, không giấu giếm. Bộ Y tế cũng khai trương một loạt app giúp người dân nắm thông tin; áp dụng tờ khai y tế điện tử quản lý toàn bộ khách nhập cảnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các cửa khẩu phải thực hiện tốt hơn nữa việc khai báo y tế điện tử để tránh gây ra ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu, sân bay và làm giảm thời gian từ việc phải nhập dữ liệu từ tờ khai giấy. Thứ trưởng cho hay, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập văn phòng đặc nhiệm chuyên truy suất nguồn gốc và lịch trình đi lại của hành khách. Trước đây, với chuyến bay VN0054, Việt Nam mất bốn ngày mới kiểm soát được hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong chuyến bay sau, chúng ta chỉ mất tới hai ngày và hiện nay mất nửa ngày biết hành khách đang ở đâu.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ sở du lịch, lưu trú có tài khoản kiểm soát hành khách và lượng người lưu trú tại các nơi này. Trước đây dùng biện pháp truyền thống là gửi văn bản xuống từng địa phương thì hiện nay, Việt Nam dùng cả khoa học công nghệ để truy xét, tìm kiếm nguồn gốc này. Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương cùng nhau chia sẻ, tập huấn sử dụng các ứng dụng công nghệ mới để quản lý được những người có nguy cơ, tiến hành khoanh vùng, cách ly triệt để để tránh dịch lây lan trong cộng đồng.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này