Góc nhìn văn hóa:

Hãy luôn hành động có văn hóa

10:58 | 12/03/2020
(LĐTĐ) Làm thế nào để không còn tâm lý đám đông liên quan đến những hành vi, hành động như chen chân đi lễ, xin lộc; chen chân đi mua hàng tích trữ khi nghe tin về một vấn đề nào đó? Có lẽ tất cả đều phải bắt đầu từ ý thức của mỗi chúng ta.
hay luon hanh dong co van hoa Cổ vũ bóng đá cũng cần ứng xử có văn hóa
hay luon hanh dong co van hoa Chơi - cũng cần phải có văn hóa

Tại một hội thảo về chuẩn mực văn hóa ứng xử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã rất trăn trở khi đặt câu hỏi: “Tại sao người một bộ phận người Việt đi đâu cũng chen lấn, từ tham gia giao thông cho tới dự lễ hội, trong khi người Nhật Bản ngay cả gặp thảm họa sóng thần vẫn tuần tự xếp hàng”? Ông cho rằng văn hoá là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển quốc gia.

hay luon hanh dong co van hoa
Một người đàn ông mua rất nhiều mì tôm để “phòng dịch”

Tuy nhiên, một bộ phận người Việt đang có những biểu hiện thiếu văn hoá mà ai cũng nhận thấy rõ, đó là chen lấn, lãng phí, xả rác bừa bãi, ồn ào nơi công cộng, trễ giờ, dùng những thứ không phải của mình mà không xin phép...

Trở lại câu chuyện chen lấn, ngay khi hay tin ngày 6/3 một bệnh nhân ở Hà Nội nhiễm Covid-19, ngay trong đêm 6/3 và ngày 7/3, rất đông người dân đến hệ thống siệu thị, cửa hàng, chợ dân sinh mua tích trữ thực phẩm… gây ra cảnh “tấp nập” đến hỗn độn không cần thiết. Song, bên cạnh thái độ cực đoan này của một số bộ phận dân chúng, thì đa phần đều rất bình tĩnh, văn minh khi đối diện với dịch bệnh.

Anh Ngọc Anh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Tâm lý này chỉ có ở một bộ phận xã hội, chúng ta không nên quá lo lắng. Chỉ riêng ngày 7/3 là hơi hỗn loạn một chút do tâm lý hoảng sợ. Ở khu chung cư nhà tôi không thấy ai tích trữ đồ. Các siêu thị nhỏ dưới chung cư vẫn đầy đủ, vắng người, không có cảnh bon chen. Trên trang facebook của tòa nhà mọi người cũng bảo nhau bình tĩnh, không tụ tập để tránh lây lan bệnh dịch. Nếu cho rằng hành động của một số người là văn hóa chung của người Việt thì quá nặng nề”.

Đồng quan điểm với anh Ngọc Anh, anh Mạnh Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng không chỉ ở ta mà ở Tây cũng vậy, khi có dịch vẫn phải tích trữ lương thực, tuy nhiên, nếu như người dân biết tiết chế, mua vừa phải, có tính toán, đủ dùng chứ không “vơ vét” thì tốt hơn. Hình ảnh tiêu cực trong mấy ngày qua tại các siêu thị, chợ dân sinh chỉ là “con sâu bỏ dầu nồi canh”. Anh Tiến tin rằng, đa số người dân Hà Nội đều rất có ý thức và ứng xử văn minh cho nên mới không làm lây lan dịch bệnh như nhiều nước khác trong bối cảnh hiện nay.

Có thể dễ dàng nhận ra, trên những trang mạng xã hội, nhiều người kêu gọi nhau thể hiện văn hóa ứng xử khi có dịch bệnh: Không bon chen, không giành giật, không tích trữ quá nhiều hàng hóa, thể hiện văn minh khi xếp hàng trong siêu thị, đi thang máy, khi thanh toán tiền… và những động thái tiêu cực bị cộng đồng mạng chỉ trích, lên án.

Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, những hình ảnh không đẹp về văn hóa ứng xử thì phải mất hàng thập kỷ mới có thể xóa nhòa, những hình ảnh đẹp lại dễ dàng bị lãng quên. Nên chăng, một số bộ phận người dân đang hình thành văn hóa “bon chen” hãy suy ngẫm thêm về lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: "Một người được khen rất giàu, rất đẹp, rất sang, nhưng không quý bằng được khen có học. Lời khen là người có học cũng chưa quý bằng lời khen có văn hóa. Một dân tộc, cộng đồng giàu có với nhiều công nghệ hiện đại thì đáng được ca tụng nhưng tự hào hơn nếu được ca ngợi là dân tộc có văn hóa".

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này