Tăng mức nộp thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng: Vẫn chưa hợp lý

13:41 | 05/03/2020
(LĐTĐ) Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức nộp thuế thu nhập cá nhân từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh cho người người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng. Mức này được Bộ Tài chính tính dựa vào số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 đã tăng 23,2%.
tang muc nop thue thu nhap ca nhan len 11 trieu dong van chua hop ly Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng
tang muc nop thue thu nhap ca nhan len 11 trieu dong van chua hop ly Infographic: Những khoản phụ cấp không tính thuế thu nhập cá nhân năm 2020

Tăng mức giảm trừ gia cảnh

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng mỗi tháng. Theo dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mới công bố, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng mỗi tháng (tức 132 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng. Nếu được Quốc hội thông qua, điều chỉnh này sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm nay.

tang muc nop thue thu nhap ca nhan len 11 trieu dong van chua hop ly
Ảnh minh họa

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh trước đó được xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh lần này nhằm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và sự biến động giá cả từ thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi, bổ sung một số điều) có hiệu lực vào tháng 7/2013 đến cuối năm 2019. Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Thực tế trong giai đoạn này, CPI tăng 23,2%.

Theo quy định hiện nay, người có thu nhập dưới 15 triệu đồng kèm một người phụ thuộc phải nộp thuế 120.000 đồng mỗi tháng. Nếu áp dụng điều chỉnh thì nhóm đối tượng này không phải nộp thuế. Người nộp thuế có thu nhập dưới 20 triệu kèm một người phụ thuộc cũng được giảm 48% số thuế phải nộp, từ 490.000 đồng còn 230.000 đồng. Các nhóm đối tượng có thu nhập cao hơn cũng được giảm khoảng 7% thuế. Bộ Tài chính thống kê, số lượng người nộp thuế và người phụ thuộc tăng đều qua từng năm. Tạm tính đến cuối năm ngoái, có 6,88 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân với tổng thu ngân sách nhà nước hơn 79.200 tỷ đồng. Bộ Tài chính ước tính dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân còn khoảng 68.921 tỷ đồng, giảm 13% so với số thu năm 2019.

Trả lời về cơ sở đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết việc thay đổi mức giảm từ gia cảnh là căn cứ theo khoản 4, Điều 1, Luật số 26/2012. Bộ Tài chính đã theo dõi chỉ số giá CPI biến động và tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới. Bà Mai khẳng định, mức điều chỉnh này phù hợp với biến động giá cả cũng như Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo bà Mai, vừa qua chỉ số giá tiêu dùng đã có tốc độ tăng đáng kể. So với 1/7/2013, CPI đã tăng 18,7% đến hết tháng 6/2019 và tăng lên 23,2% đến hết tháng 12/2019. Mức giảm trừ gia cảnh mới được tính dựa trên mức tăng 23,2% CPI tại tháng 12/2019. Các cơ quan cũng như mọi người dân đều phải thực hiện, tuân thủ Luật Thuế và việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo đề xuất lần này.

Nói về việc quản lý thuế của các đối tượng như người nổi tiếng, ca sĩ, người kinh doanh qua mạng, cá nhân nổi tiếng trên YouTube, Facebook, bà Mai cho biết Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 và có đầy đủ công cụ, quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành để quản lý thuế các đối tượng này. “Trước hết cần nâng cao trách nhiệm kê khai đầy đủ, trung thực của các đối tượng. Cần tuyên truyền việc thực hiện đúng quy định, song song với việc thanh tra, kiểm tra”, bà Mai nhấn mạnh.

Còn nhiều băn khoăn

Một số người dân và chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng của Bộ Tài chính quá thấp, chưa phù hợp với cuộc sống hiện tại. Trước thông tin này, bản thân là người nộp thuế như chị Nguyễn Thị Bình – nhân viên của một công ty về may mặc (Hà Nội) cũng hết sức ngỡ ngàng. Là người “giữ tay hòm chìa khoá” trong nhà và phụ trách vấn đề chợ búa hàng ngày, chị nắm rõ hơn ai hết sự biến động của giá cả. Chị Bình kể, cách đây 2-3 năm, 200.000 đồng là đủ tiền chợ cho cả ngày với 5 người ăn, nhưng nay “tiết kiệm lắm cũng phải lên trên 300.000 đồng”.

Không chỉ vậy, tiền điện, nước cũng tăng. “Ngay cả tiền đổ rác trước đây tầm 15.000-20.000 đồng một tháng nay cũng vọt lên 40.000-50.000 đồng”, chị Bình nói. Tương tự, anh Trần Văn Hùng – nhân viên của một ngân hàng cũng tỏ ra ngao ngán khi cho rằng, Bộ Tài chính thống kê chỉ số CPI cuối tháng 12/2019 so với 1/7/2013 tăng 23,2%, nhưng mức tăng thực tế trên thị trường lớn hơn nhiều lần. Anh Hùng lấy ví dụ, một bát phở ăn sáng, thời điểm 2013 chỉ có giá khoảng 20.000 đồng nhưng nay đã lên 40.000 đồng, tức mức tăng gấp 2 lần.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Dũng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, mức đề xuất mới này quá thấp và không hợp lý. Cách Bộ Tài chính làm là lấy 9 triệu đồng nhân với tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23% để ra con số 11 triệu đồng. Đây là cách tính không hợp lý. Khi lấy giá trị của một hàng hoá điều chỉnh theo CPI là để quy về trạng thái ngang giá của tài sản cơ sở ở quá khứ và hiện tại. Nói đơn giản, giả sử bữa cơm của một gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng. Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi.

Với cách tiếp cận vấn đề của Bộ Tài chính, ông Dũng nghi ngại, lẽ nào sau gần 10 năm, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn dẫm chân tại chỗ, không thêm được “tí rau tí thịt”. “Vậy mà Bộ Tài chính muốn mức sống của người dân dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, và sau 10 năm những thành quả tăng trưởng kinh tế đã không đi vào cuộc sống”, ông Dũng nói và cho rằng cách tính của Bộ Tài chính chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Tối đa hoá số thuế thu được và vi phạm nguyên tắc bồi dưỡng nguồn thu. Do đó, theo ông Dũng, nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là “ngưỡng thu nhập chịu thuế” nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không được đánh tráo khái niệm bằng “tốc độ tăng CPI”.

Nếu tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013-2019, để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích lũy là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu (9 triệu nhân 155%). Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu một người (3,6 triệu nhân 155%). Nghĩa là một người có thu nhập bình quân một tháng là 20 triệu đồng, phải nuôi thêm một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Tốt nhất, ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng phải được điều chỉnh hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống. Một số chuyên gia khác cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp. Hơn nữa, hiện tại cả nền kinh tế từ doanh nghiệp cho tới người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, không thể căn cứ vào mức thu nhập này để tính thuế cho năm nay và những năm tới được. Đề xuất mức giảm trừ gia cảnh mới này chưa áp dụng đã thấy quá lạc hậu và không phù hợp. Người nộp thuế sẽ phải chịu thiệt. Cần tính toán lại cho phù hợp hơn để tránh việc luật đưa vào sử dụng cứ phải sửa đi sửa lại.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này