Tính giá điện theo 5 bậc: Vẫn còn nhiều băn khoăn!

13:32 | 03/03/2020
(LĐTĐ) Sau khi thực hiện điều chỉnh giá bán điện tăng thêm 8,3% chưa lâu, mới đây, Bộ Công Thương lại đưa ra đề xuất cách tính biểu giá điện bán lẻ. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được chia làm 5 bậc tính, thay vì 6 bậc như hiện hành. Trước thông tin này, nhiều người dân tỏ ra nghi ngại khi cho rằng, cách tính mới sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ điện và sẽ làm giá điện tăng lên. Vậy việc thay đổi biểu giá này có làm tăng giá điện?.
tinh gia dien theo 5 bac van con nhieu ban khoan Đấu thầu giá mua điện mặt trời: Cuộc đối đầu bất cân xứng!
tinh gia dien theo 5 bac van con nhieu ban khoan Tăng cường các giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên lưới hạ thế

Dùng nhiều sẽ phải trả tăng thêm

Theo đó, Bộ Công Thương vừa đề xuất 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1,3,4 và 5 bậc. Sau khi có ý kiến tham khảo từ các chuyên gia, khách hàng cùng những phân tích cụ thể, Bộ Công Thương đã kiến nghị lựa chọn phương án biểu giá 5 bậc với 2 kịch bản.

tinh gia dien theo 5 bac van con nhieu ban khoan
Những người sử dụng điện nhiều sẽ phải trả thêm phí khi áp dụng biểu giá điện 5 bậc (ảnh CTV)

Bộ Công Thương cho biết, đề xuất được đưa ra dựa trên căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của khách hàng, của Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng giảm số bậc thang, tăng mức tiêu thụ ở bậc thang đầu tiên và xem xét khoảng cách giữa các bậc là cần thiết.

Cụ thể, trong các phương án biểu giá điện Bộ Công Thương đưa ra, có phương án đồng giá. Đó là phương án một bậc, theo phương án này, giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo số liệu Tập đoàn Điện lực đưa ra cho thấy, số lượng khách hàng sử dụng lượng điện từ 300 số trở xuống là hơn 22 triệu khách hàng, chiếm khoảng 72,6% lượng khách hàng với 60% sản lượng điện. Trong khi đó, số khách hàng sử dụng từ 400 kWh đến dưới 700 số là khoảng 1,2 triệu khách hàng; từ 701 kWh trở lên là hơn 456 nghìn khách hàng. Số này chỉ chiếm 1,8% lượng khách hàng nhưng sản lượng tiêu thụ chiếm tới 13%.

Do đó, nếu áp mức giá điện đồng giá 1.897 đồng/số, lượng khách hàng được cho là có thu nhập cao với mức tiêu thụ điện từ 300 số trở lên sẽ có lợi khi phải trả mức giá thấp hơn rất nhiều so với số khách hàng dùng điện dưới 300 số. Cụ thể, có 3,6 triệu hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng đến 300, số tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, có hơn 3,1 triệu hộ dùng điện từ 301 số trở lên có mức tiền điện giảm từ 80.000-330.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, 18,6 triệu hộ sử dụng từ 0-200 kWh/tháng, tiền điện tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng. Điều đáng chú ý là, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng sẽ phải tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng (hộ nghèo được hỗ trợ 30 số điện/tháng).

Như vậy, phương án 1 giá làm cho các hộ thu nhập thấp và trung bình phải trả tiền nhiều hơn so với hiện nay. Trong khi đó, phương án này cũng không có tác dụng khuyến khích các hộ có thu nhập cao sử dụng điện tiết kiệm hơn. Các phương án 3 bậc và 4 bậc cũng đều có hàng triệu khách hàng phải chịu giá cao hơn. Và tiền điện phải trả hàng tháng với phương án 3 và 4 cho sẽ phải tăng thêm từ 1.000 – 105.000 đồng/tháng. Do đó, Bộ Công Thương đã lựa chọn kịch bản 1 của phương án 5 khi chỉ có 0,46 triệu hộ (chiếm 1,8% tổng số hộ) dùng 701 số/tháng trở lên phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng. Còn lại là không tăng hoặc giảm tiền điện phải trả.

Có khuyến khích người dân sử dụng điện?

Theo phân tích của Bộ Công Thương, việc đề xuất áp dụng cách tính theo biểu giá bán lẻ điện 5 bậc được cho là có lợi với những hộ dân sử dụng điện ít. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng họ không thể hiểu về cách tính mới này, bởi thực tế đó đều là những phân tích mang tính kỹ thuật về mức và lượng điện tiêu thụ. Trong khi đó, điện lại là mặt hàng mang tính chất đặc thù, khác biệt so với nhiều loại hàng hóa thông thường khác. Vì thế, khi giá điện được điều chỉnh dù bất kỳ theo hình thức nào, đều tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp trong xã hội.

tinh gia dien theo 5 bac van con nhieu ban khoan

Tỏ ra lo lắng về cách tính biểu giá mới của Bộ Công Thương, bà Ngọc Anh, chủ cơ sở may mặc ở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, nếu cứ chia giá điện nhiều bậc như hiện nay, các hộ gia đình sử dụng điện ít sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các hộ sản xuất, kinh doanh và sử dụng nhiều điện sinh hoạt sẽ cảm thấy lo lắng và không dám sử dụng điện vì chi phí sẽ tăng cao hơn.

Cũng tỏ ra lo ngại như bà Ngọc Anh, chị Thanh ở phường Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, hiện đời sống người dân ngày một tăng lên, kéo theo nhu cầu sử dụng điện theo đó cũng tăng mạnh, bởi giờ đây nhà nào cũng sử dụng rất nhiều các thiết bị điện hiện đại như ti vi, điều hòa, máy sưởi…Sử dụng điện mà lúc nào cũng phải lo về chi phí giá thành, phải chăng ngành điện đang muốn hạn chế người dân sử dụng điện? nếu như vậy thì có nghĩa là đã đi ngược lại với mục tiêu của Đảng, Nhà nước về việc nâng cao đời sống cho người dân.

“Các cơ quan chức năng cứ lấy lý do ngành điện là ngành đặc thù, thích thì tăng giá điện, thích thì điều chỉnh mà không thấy lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể người dân. Theo tôi nghĩ, ngành nào cũng là ngành đặc thù cả mà suy ra, đây cũng là một sản phẩm hàng hóa. Vì thế, trong quá trình kinh doanh cần phải tôn trọng đúng quy luật của thị trường.

Khi sản xuất, có lãi hay không có lãi thì ngành điện cũng phải tự chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ lên đầu người dân mãi được. Ngành điện cũng phải bình đẳng và sòng phẳng với các ngành khác. Nếu doanh nghiệp của nhà nước không làm được thì giao cho các nhà đầu tư tư nhân. Qua đó, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng để toàn thể người dân cùng được hưởng lợi như nhau”, chị Thanh nói.

Trước những ý kiến trên có thế thấy, đối với các thang bậc để tính giá điện, khi điện năng chi phối, ảnh hưởng toàn bộ đời sống xã hội cần phải căn cứ vào mức độ thu nhập (gồm các doanh nghiệp và các hộ gia đình) luôn có sự khác nhau. Có thể với cách tính này, những tập đoàn mạnh họ có thể sẵn sàng chịu giá điện cao hơn, có những hộ gia đình có thể trả tiền điện cao hơn, nhưng với những đối tượng khác thì sao? Có thể thấy, dù phục vụ đối tượng nào cũng phải đảm bảo một nguyên tắc công bằng tối thiểu. Lộ trình biểu giá điện dù có rút ngắn thang bậc vẫn phải phụ thuộc vào mức độ phát triển thu nhập chung của toàn xã hội.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này