Nâng tầm tác phẩm văn học để “kích cầu” độc giả

13:32 | 03/03/2020
(LĐTĐ) Ngoài những tác phẩm văn học kinh điển, văn học còn mãi với thời gian, để “kích cầu” bạn đọc quay lại văn hóa đọc, rất cần những tác phẩm văn học có giá trị.
nang tam tac pham van hoc de kich cau doc gia Băn khoăn 6 tác phẩm bắt buộc trong môn ngữ văn mới
nang tam tac pham van hoc de kich cau doc gia Hoài niệm thời áo trắng cùng loạt tranh “Cô gái đến từ hôm qua”
nang tam tac pham van hoc de kich cau doc gia Nỗi lòng “bà đỡ”

Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá đọc sách. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào thì cũng cần thấy các yếu tố: Thói quen đọc sách, cách lựa chọn sách và kỹ năng đọc có vai trò quan trọng để tạo thành văn hoá đọc.

nang tam tac pham van hoc de kich cau doc gia
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, từ bao thế kỷ nay, ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân. Ngày nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa đọc đã bị tác động không nhỏ, tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền.

Tuy vậy, đọc sách lại là sở thích của mỗi người. Trong xã hội, mỗi người sẽ có một mối quan tâm riêng, không phải ai cũng thích sách. Điều này không thể khẳng định rằng họ không nhận thức được vai trò của sách vở, của tri thức mà vì nhu cầu trong cuộc sống của họ được coi là đã đủ, không cần tìm hiểu từ trong sách. Vì vậy, tri thức trong sách đối với những người này không được coi trọng, thậm chí bị xem thường. Mặt khác, có nhiều người lại đọc sách không đúng cách. Đọc vội vã, đọc nhiều, đọc không lựa chọn,… nhưng đọc trăm nghìn cuốn sách cũng chẳng đọng lại được bao nhiêu.

Nói đến “định hướng văn hóa đọc”, nhiều năm nay các nhà văn hóa đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng việc triển khai lại không thể một sớm một chiều. Nhiều hội thảo khoa học diễn ra hàng năm, những kiến nghị về việc đưa văn hóa đọc bắt đầu từ việc giáo dục từ cấp tiểu học hay việc phát triển thư viện đến từng địa phương đều được tính đến. Cùng với đó, nhiều người lại lo lắng sự phát triển của công nghệ nghe nhìn sẽ lấn át việc đọc sách. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Vô hình chung, việc “định hướng” văn hóa đọc sách văn học truyền thống và công nghệ nghe nhìn trở thành một “cuộc đua” gấp rút mà có lẽ sách truyền thống sẽ thua trắng trên sân nhà.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ngày nay giới trẻ có suy nghĩ quá nông cạn, không thể phân biệt hay nhận biết đâu là tri thức thật, đâu là văn học giải trí. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ngược lại. Cần phải nhìn vào thực tế, bởi thứ nhất, xã hội ngày càng hướng tới một nhu cầu thiết yếu: Hạnh phúc. Để hạnh phúc, người ta giải trí. Sách giải trí sẽ được nhiều người đọc hơn là sách nghiên cứu. Thứ hai, lực lượng văn học trong nước không thể địch nổi với văn học nước ngoài. Chỉ cần điểm qua những tác phẩm văn học trẻ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Mexico… là có thể thấy họ có cách viết sáng tạo hơn, văn phong đa dạng, ngôn từ phong phú hơn. Trong khi các tác giả văn học trẻ ở ta còn mải mê với những tác phẩm viết theo lối kể chuyện đơn thuần, ít cốt truyện, không nghiên cứu sâu về đề tài cần viết, “chém gió” là chính.

Đã có người từng ví, mỗi tác giả phải là một diễn viên. Một diễn viên muốn đóng đạt vai thì phải hòa nhập vào cuộc sống của nhân vật trước đã. Muốn đóng vai nhà báo thì phải học cách làm nghề báo, muốn đóng vai luật sư thì phải học làm luật sư, muốn đóng vai một lập trình viên thì phải nghiên cứu về lập trình… cái thần của văn học chính là sự “nhập vai”.

nang tam tac pham van hoc de kich cau doc gia
Ảnh minh họa

Ví dụ, ở dòng văn học trinh thám, một số tác giả trẻ đã cho ra những cuốn sách đầy sạn bởi bản thân họ không có kỹ năng phát triển tư duy một vụ án, cũng chưa từng tiếp xúc với một vụ án điển hình, chỉ cóp nhặt trên các tiểu thuyết đã xuất bản trước đó nhưng lại vô cùng thiếu logic. Hay ở dòng văn học thám hiểm, cũng chưa từng có tác phẩm nào nổi bật bởi tác giả chưa có trải nghiệm, có viết sách cũng chỉ như một cuốn hồi ký miêu tả, không có sức hút với bạn đọc. Dòng văn học ngôn tình được giới trẻ săn đón nhiều nhất, nhưng điểm qua những tác phẩm trong nước thì còn thua xa văn học nước ngoài. Cầm bất cứ cuốn sách nào lên, đọc cho đến hết cũng vẫn chỉ thấy một sự “nhàn nhạt” trong cốt truyện.

Cũng có nhiều người “quy trách nhiệm” cho các nhà xuất bản quá dễ dãi trong khâu phát hành. Nhưng nếu chúng ta đặt câu hỏi: Sách trong nước, sách tri thức, sách được coi là “văn học chân chính” liệu có hay hơn sách giải trí? Suy cho cùng, cái gianh giới giữa hai cụm từ “văn học đích thực” với văn học giải trí rất mong manh. Không ai dám khẳng định văn học giải trí không phải là văn học đích thực. Trên thế giới đã từng có “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Trở về Ê đen”, “Bố già”, “Ăn, cầu nguyện, yêu”… hấp dẫn nhiều thế hệ bạn đọc bởi kịch tính và yếu tố giải trí, lãng mạn. Chỉ có những tác phẩm hay mới có chỗ đứng trên giá sách, dù là văn học kiểu nào. Phải chăng ngoài những giải pháp nâng tầm văn hóa đọc, chúng ta cần có giải pháp nâng tầm văn hóa viết?

Nói đến “định hướng văn hóa đọc”, nhiều năm nay các nhà văn hóa đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng việc triển khai lại không thể một sớm một chiều. Nhiều hội thảo khoa học diễn ra hàng năm, những kiến nghị về việc đưa văn hóa đọc bắt đầu từ việc giáo dục từ cấp tiểu học hay việc phát triển thư viện đến từng địa phương đều được tính đến. Cùng với đó, nhiều người lại lo lắng sự phát triển của công nghệ nghe nhìn sẽ lấn át việc đọc sách. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Vô hình chung, việc “định hướng” văn hóa đọc sách văn học truyền thống và công nghệ nghe nhìn trở thành một “cuộc đua” gấp rút mà có lẽ sách truyền thống sẽ thua trắng trên sân nhà.

Vừa qua, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) cho biết, trong hai năm thực hiện triển khai hai Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" và "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", số lượt người sử dụng sách báo tăng lên hơn 50 triệu lượt người. Số sách, báo trong thư viện công cộng và 30 tỉnh, thành phố lên đến hơn 180 triệu. Tuy nhiên, những con số này chưa thể dùng để khẳng định rằng văn hóa đọc đã được “nâng tầm”.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện nhận định, việc đọc sách đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để văn hóa đọc không phải là huyền thoại mà nó sẽ luôn là hiện hữu, sao cho tất cả mọi người quan tâm đến nó vẫn là một bài toán khó. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa đọc.

Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông trong thay đổi nhận thức của người dân về văn hóa đọc. Bà Thúy Ngà cũng cho biết, trong thời gian qua, Vụ Thư viện đã thực hiện ký kết phối hợp với nhiều đơn vị để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam. Trong thời gian tới, Vụ sẽ ký kết với Nhà xuất bản Phụ nữ. Điều này cho thấy, các Bộ ngành đã thể hiện sự quan tâm, chung tay để đưa văn hóa đọc đến với người dân.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nên chăng các nhà quản lý, các nhà văn hóa sẽ có phương án “kích cầu” những tác phẩm văn học mới, có đủ sức thuyết phục nhiều bạn đọc hiện đại. Bởi suy cho cùng, chúng ta không thể chỉ dựa vào những tác phẩm trong quá khứ để đánh giá “văn hóa đọc” của giới trẻ ngày hôm nay.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này