Ứng xử có trách nhiệm trong tuyên truyền chống dịch Covid-19

Kỳ 3: Cẩn trọng với những bài thuốc “trôi nổi”, chưa được công nhận

08:53 | 29/02/2020
(LĐTĐ) Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, thời gian qua trên mạng xã hội có nhiều tài khoản cá nhân chia sẻ về những kinh nghiệm, những “bài thuốc” có thể phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo những “phương thuốc” như trên là thiếu cơ sở, không nên mù quáng áp dụng.  
Kỳ 2: Hiểu đúng về ‘cách ly’ trong chống dịch Covid -19
Kỳ 1: Không giấu giếm, công khai trung thực về dịch Covid -19

“Bài thuốc” chanh sả mật ong không có căn cứ

Như Lao động Thủ đô đã không ít lần đề cập, lợi dụng tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, nhiều “phương thuốc” phòng ngừa Covid-19 trên mạng xã hội dù vô căn cứ, phản khoa học song lại được chia sẻ rầm rộ.

Theo đó, dễ thấy nhất là “bài thuốc” phòng ngừa bằng nước chanh, sả, mật ong được hàng loạt chị em nội trợ quan tâm. Thuốc này được miêu tả với công thức: “Sáng ngủ dậy uống ngay 1 cốc, giữa ngày uống 1 cốc, trước khi đi ngủ uống 1 cốc. Uống liên tục trong vòng 3 ngày thì hệ hô hấp phổi của bạn sẽ rất sạch và khỏe hẳn...”

Chưa hết, nhiều “đơn thuốc” mang tính dị biệt như ăn trứng lộc, uống nước tiểu để trị bệnh… cũng được chia sẻ rầm rộ. Có người, dù biết vô lý nhưng vẫn chia sẻ thông tin vì nghĩ không có hại và cho rằng đây chỉ là cách điều trị dân gian...

Kỳ 3: Cẩn trọng với những bài thuốc “trôi nổi”, chưa được công nhận

Phun thuốc khử khuẩn và đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục.

Quanh vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, nguyên tắc của đông y là biện chứng và luận trị. Đông y căn cứ vào triệu chứng của bệnh nhân để biện luận ra bệnh lý, sau đó từ biện luận đó sẽ luận ra cách trị.

Ví dụ như đánh giá các triệu chứng này thuộc về âm hư hay dương hư, hay thuộc về phế, thận… người ta sẽ quy ra một bài thuốc tương ứng để bổ trợ. “Trung Quốc đã có khoảng 70.000 – 80.000 bệnh nhân. Họ đã có một thống kê lớn về triệu chứng và họ đủ dữ liệu để luận ra triệu chứng đó thuộc phạm vi gì của đông y, từ đó luận ra cách chữa trị. Bệnh viện tôi có nhiều nhất là 5 bệnh nhân, những bệnh viện khác có 1 – 2 bệnh nhân. Cho nên, để tập hợp các triệu chứng Covid -19 ở Việt Nam thì ngoài Bộ Y tế ra thì chưa nơi nào có.

Và khi anh chưa tập hợp được các triệu chứng thì anh chưa có cơ sở gì để anh luận ra việc điều trị. Anh chưa biết bệnh đó là gì, chưa nhìn thấy bệnh nhân đó như thế nào, mới chỉ nhìn thấy ảnh người ta trên báo, thậm chí những ảnh đó che cả khẩu trang chứ đâu thể nhìn thẳng mặt… thế nên làm sao đủ căn cứ, triệu chứng gì để anh lập luận cách điều trị. Thế nên tôi nghĩ nó (những phương thuốc phòng tránh Covid -19 trên mạng xã hội – PV) không có cơ sở.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Ths.Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, hiện nay tất cả các khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm đảm bảo cho sức khỏe người dân trước Covid-19 đã có. Bởi vậy, thay vì tin và tìm kiếm các bài thuốc trôi nổi trên mạng xã hội thì mỗi người hãy thực hiện theo các khuyến cáo, làm những việc phòng chống nhỏ nhất như rửa tay thường xuyên.

Làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Thực tế cho thấy những tin giả, sai sự thật… lan truyền là mặt trái của mạng xã hội. Trước những diễn biến phức tạp về vấn nạn này Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Kỳ 3: Cẩn trọng với những bài thuốc “trôi nổi”, chưa được công nhận

Theo các chuyên gia y tế, “bài thuốc” chanh sả mật ong được lan truyền trên mạng xã hội rằng có tác dụng phòng Covid-19 là hoàn toàn không có căn cứ.

Đáng chú ý, Nghị định mới quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây. Cụ thể, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…

Hơn lúc nào hết, người dùng mạng xã hội cần ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc lan truyền một thông tin nào đó, nhất là mỗi khi chia sẻ thông tin từ các trang mạng xã hội khác. Bởi lẽ, theo Nghị định 15, người dùng mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chia sẻ thông tin từ những trang mạng xã hội được xác định là nguồn tin bị cấm, tin giả, tin sai sự thật, có nội dung gây hoang mang cho cộng đồng.

Trở lại với những “phương thuốc” trôi nổi phòng Covid -19 trên mạng xã hội, bác sĩ Trần Văn Phúc - Khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, giữa đông y và tây y có những điểm khác nhau. Song đều có điểm chung là có những điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, với những bài thuốc trôi nổi trên mạng bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng những bài thuốc đó hoàn toàn chưa được khuyến cáo của ngành y tế. Điều này rất nguy hiểm.

“Bản thân tôi cũng từng nói nhiều đến “dịch tin đồn”. Nếu như đó là bài thuốc của Viện Đông y, của một thầy thuốc kê đơn và ký tên đàng hoàng thì nó sẽ khác với những bài thuốc chỉ lưu hành trên mạng rồi truyền nhau áp dụng. Theo tôi điều đó là không nên. Trong thời điểm này, những khuyến cáo Bộ Y tế là chuẩn xác và chúng ta nên tin và thực hiện theo…” - Bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh.

(Còn nữa…)

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này