Buôn lậu qua đường hàng không, bao giờ mới hết?

14:35 | 25/02/2020
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, lược lượng Hải quan quan đã phát hiện và tiến hành đấu tranh, xử lý nhiều vụ vận chuyển trái phép hàng cấm qua đường hàng không. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu hàng hóa qua tuyến đường này vẫn còn nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
buon lau qua duong hang khong bao gio moi het Nhiều vụ buôn lậu qua đường hàng không bị cơ quan chức năng phát hiện
buon lau qua duong hang khong bao gio moi het Buôn lậu qua đường hàng không: Ngày càng tinh vi
buon lau qua duong hang khong bao gio moi het Nhức nhối nạn buôn lậu qua đường hàng không
buon lau qua duong hang khong bao gio moi het
Số hàng nhập lậu bị thu giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18/2

Hàng cấm tìm cách lên máy bay

Theo thông tin từ cơ quan Hải quan, trong những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các địa bàn cửa khẩu với thủ đoạn tinh vi. Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) Thành phố cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện những vụ vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không.

Cụ thể, ngày 17/9/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) thực hiện các quyết định khám đồ vật theo các vận đơn trên chuyến bay của Hãng hàng không Qatar Airways. Qua kiểm tra thực tế, các lô hàng phát hiện 816 hộp sữa bột hiệu Aptamil Profutura loại 800g/hộp, xuất xứ EU.

Tại thời điểm khám, không có đại diện của người nhận hàng có tên trên vận đơn nên chưa xác định đối tượng vi phạm. Đoàn kiểm tra bàn giao hàng hóa vi phạm cho Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài lưu giữ tại kho; tiếp tục xác minh thông tin lô hàng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vài ngày sau, tổ kiểm soát hải quan - Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Đội 1 - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thực hiện khám đồ vật theo thủ tục hành chính đối với lô hàng đang được tập kết tại kho hàng của Công ty cổ phần Nhà ga hàng hóa ALS.

Tại thời điểm khám, không có đại diện của người nhận hàng có tên trên vận đơn. Hàng hóa vi phạm gồm: 43 chiếc máy tính xách tay hiệu Dell Precision. Đoàn kiểm tra niêm phong và bàn giao hàng hóa đã khám xét cho Công ty cổ phần Nhà ga hàng hóa ALS lưu giữ.

Cũng tại Hà Nội, ngày 17/2, lực lượng Hải quan thực hiện Quyết định khám đồ vật đối với lô hàng thuộc vận đơn số 235-41903816/HAWB19121003, trên chuyến bay TK6564 ngày 16/12/2019 của Hãng hàng không Turkish Airlines, đang được tập kết tại kho hàng của Công ty cổ phần Nhà ga hàng hóa ALS. Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đây là lô hàng tồn, không có người nhận từ cuối năm 2019.

Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, không có đại diện của người nhận hàng có tên trên vận đơn. Qua kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện trong lô hàng có 7 chiếc đồng hồ, gồm 3 đồng hồ để bàn quả lê đã qua sử dụng, 2 đồng hồ để bàn vai bò đã qua sử dụng, 2 đồng hồ cây dạng tủ đứng đã qua sử dụng và 1 vỏ đồng hồ cây dạng tủ đứng, vỏ gỗ đã qua sử dụng (không máy). Đây là mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/06/2018. Lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong và bàn giao hàng hóa đã khám xét cho Công ty Cổ phần Nhà ga hàng hóa ALS lưu giữ tại kho dưới sự giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài để tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Là trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhất phía nam, tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm cũng đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Cụ thể, mới đây nhất vào ngày 18/2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt phá đường dây nhập lậu số lượng lớn laptop và điện thoại di động iPhone từ Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, PC03 tạm giữ 4 nghi can gồm: Bùi Hữu Lộc (48 tuổi, quốc tịch Mỹ), Huỳnh Thị Bích Thuận (36 tuổi, trú tại quận Gò Vấp), Phan Tấn Phát (38 tuổi, quê Khánh Hòa) và Nguyễn Hữu Cương (48 tuổi) để điều tra, xử lý về tội “buôn lậu”.

Trước đó, vào khoảng 2h ngày 17/2, Thuận, Cương và Phát vận chuyển 8 kiện hàng ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan (cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất), chuẩn bị đưa lên xe taxi. Ở phía sau, Lộc cũng đang chuyển 4 kiện hàng tương tự từ khu vực trả hành lý ký gửi ra cửa sân bay. PC03 tiến hành kiểm tra, phát hiện bên trong 12 kiện hàng chứa 207 máy tính laptop (Dell, Macbook…) và 3 điện thoại di động iPhone (đã qua sử dụng). Đáng chú ý, toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không khai báo hải quan.

Tại cơ quan công an, Bùi Hữu Lộc khai nhận toàn bộ số hàng Lộc mua tại Mỹ, sau đó đóng vào 12 kiện hàng vận chuyển về VN để bán kiếm lời. Khi hàng về đến sân bay, Lộc điện cho Thuận, Cương đến nhận hàng. Riêng Phát được Cương nhờ vào sân bay phụ nhận hành lý; khi các nghi can đang chuyển hàng ra thì bị cảnh sát bắt giữ. Hiện vụ việc đang được PC03 tiếp tục điều tra làm rõ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buôn lậu hàng hàng hóa qua đường hàng không. Theo Ông Nguyễn Khánh Quang - Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển hàng cấm và hàng có giá trị cao qua đường hàng không nên số vụ buôn lậu qua tuyến đường này không gia tăng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình hình buôn lậu ở đây đã giảm nhiệt. Hơn nữa, do đặc trưng của một điểm kết nối giao thương hàng hóa quan trọng trong khu vực, Việt Nam cũng dễ trở thành nơi trung chuyển hàng cấm. Thủ đoạn buôn lậu qua đường hàng không thường rất đa dạng, tinh vi, khiến cho cơ quan chức năng rất khó phát hiện, bắt giữ và xử lý vụ việc đến cùng.

Vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình hình buôn lậu qua đường hàng không, các lực lượng chức năng phải nâng cao khả năng nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật soi chiếu, giám sát hiện đại. Điều quan trọng hơn là cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia đang “nóng” về vấn nạn buôn hàng cấm.

Đồng thời, ngành hải quan cũng cần thông báo kịp thời về các phương thức, thủ đoạn và các diễn biến mới của tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường để phối hợp, ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, ngành hải quan nên đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, tăng cường đào tạo nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này