“Cởi trói” không gian văn hóa công cộng ở Thủ đô

Kỳ 2: Tranh bích họa làm thay đổi bộ mặt đường phố

15:44 | 21/02/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng đã và đang được triển khai nhằm làm đẹp cho không gian công cộng ở Thủ đô. Trong đó, các phong trào phố bích họa, tranh bích họa tại nhiều nơi đã góp phần làm nên một diện mạo mới, đáp ứng nhu cầu cải thiện mỹ quan ở các không gian sống, không gian du lịch của Thủ đô.
ky 2 tranh bich hoa lam thay doi bo mat duong pho Kỳ 1: Chuyện từ bãi rác, đến không gian văn hóa

Dấu ấn từ các con phố bích họa

Những năm gần đây, việc chỉnh trang làm đẹp diện mạo không gian công cộng nơi đô thị Hà Nội đã trở thành phong trào sâu rộng trên toàn địa bàn Thành phố. Cảm hứng từ việc làm thay đổi không gian sống ở Thủ đô đã nhanh chóng lan tỏa trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp trẻ, thúc đẩy những sáng kiến trong việc bảo vệ di sản và sử dụng không gian công cộng một cách có hiệu quả hơn. Trong đó, phong trào vẽ tranh bích họa được cho là có dấu ấn quan trọng trong việc làm đẹp không gian sống, góp phần làm thay đổi bộ mặt đường phố.

ky 2 tranh bich hoa lam thay doi bo mat duong pho
Việc làm đẹp không gian sống góp phần mở rộng không gian văn hóa công cộng

Nằm trong một con ngõ của tổ dân phố 19, phường Khương Trung, một không gian công cộng đã được khoác lên bộ áo mới với những bức tranh bích họa nhiều màu sắc. Những bức tranh bích họa với thông điệp “Không khí sạch, kiến tạo thành phố xanh” đã làm thay đổi diện mạo cho những bức tường cũ kỹ, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông Tạ Minh Đức một người dân ở khu dân cư cho biết, hoạt động này được cả khu dân cư kết hợp với tổ chức tài trợ triển khai và kết quả đã tạo cho cảnh quan nơi đây xanh sạch đẹp, nhất là sinh động nhiều màu sắc hơn.

Hay tại ngõ 68 Yên Phụ (Tây Hồ) cũng được nhiều người đam mê nghệ thuật đường phố nhắc đến với không gian của những bức tranh theo phong cách Châu Âu đẹp mắt. Từ ý tưởng của một người dân muốn vẽ tranh tường cho ngôi nhà của mình, những hộ dân tại đây đồng loạt nhất trí thực hiện các bức tranh nhiều màu sắc trang trí cho cả con ngõ. Điểm nhấn của không gian nơi đây là bức tranh phong cảnh Venice lãng mạn và thơ mộng. Bức tranh dài 10m, cao 5m, được vẽ hoàn toàn bằng màu 3D arylics, có độ bền màu từ 10-20 năm. Ngay sau khi hoàn thành, ngõ 68 Yên Phụ như khoác lên một tấm áo mới, đẹp và độc đáo hơn.

Một trong những không gian văn hóa nghệ thuật công cộng để lại dấu ấn đặc sắc nhất không thể không kể đến là phố bích họa Phùng Hưng. Khi phố bích họa Phùng Hưng khánh thành vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhiều người dân Hà Nội và du khách đã khá bất ngờ trước sự thay đổi của đoạn phố này,bởi trước kia nơi đây vốn là những vòm cầu màu xám lạnh lẽo. Từ khi những bức bích họa được kiến tạo đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt nhếch nhác của con phố trước kia để tạo ra một không gian gắn kết cộng đồng và kết nối với các không gian khác.

Phố bích họa Phùng Hưng bao gồm 19 tác phẩm mô tả lại khung cảnh sinh hoạt, những nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội trước năm 2000. Đây là thành quả của dự án “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UBND quận Hoàn Kiếm kết hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc thực hiện. Với những góc nhìn và cảm nhận khác nhau về Hà Nội xưa đã góp phần tạo nên một chuỗi tác phẩm nghệ thuật đa sắc và đa chiều.

Thông qua từng bức họa, người Hà Nội như được bước qua cánh cổng thời gian, lội ngược dòng về quá khứ, về thời điểm thiếu thốn, khó khăn lắm điều nhưng có những điểm thú vị rất riêng. Khi xem các tác phẩm tại phố bích họa Phùng Hưng, người ta sẽ hoài niệm lại những ký ức, những dấu ấn không thể quên của con phố Phùng Hưng cũng như Hà Nội. Có thể nói, nghệ thuật công cộng ở đây đã gắn liền với cảnh quan, nó đánh thức ký ức của cộng đồng, của những người Hà Nội cũng như những người không ở Hà Nội nhưng đến du lịch, tham quan Thủ đô.

Mở rộng không gian sống

Phong trào thực hiện phố bích họa, tranh bích họa trên địa bàn Hà Nội đến nay đã ít nhiều mang đến hiệu ứng tích cực. Nó không chỉ mang lại cái nhìn mới, tạo nên diện mạo sạch, đẹp, hấp dẫn ở những con đường mà còn trở thành địa chỉ hấp dẫn của người dân và du khách. Từ đó, mở ra một không gian đi bộ thú vị - kết nối các giá trị di sản, nghệ thuật và cộng đồng. Điều này cũng cho thấy rằng, hàng ngày, hằng giờ các không gian văn hóa công cộng của người dân Thủ đô vẫn đang được chú trọng.

ky 2 tranh bich hoa lam thay doi bo mat duong pho
Nhiều nơi, tranh bích họa làm thay đổi bộ mặt phố phường.

Bà Hoàng Phụng (70 tuổi), có thời gian sinh sống tại con phố Phùng Hưng hơn 40 năm qua cảm nhận: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên tôi hiểu rất rõ về cây cầu Long Biên, cũng như con phố Phùng Hưng. Từ khi Thành phố vẽ tranh bích họa trên các vòm cầu, tôi cảm thấy rất đẹp, thay đổi hẳn bộ mặt của khu phố. Tôi coi đây là một bước đột phá vừa bảo tồn được di tích lịch sử gợi lại khung cảnh Hà Nội ngày xưa, đồng thời là nơi thu hút khách du lịch tham quan”.

Chị Nguyễn Thị Huyền (Hoàn Kiếm) thì bày tỏ, từ khi có con phố bích họa Phùng Hưng hoàn thành, cuối tuần gia đình chị đều đến đây chơi, nhìn ngắm các bức bích họa: “Trước khi được vẽ tranh bích họa, phố Phùng Hưng vốn chỉ là những bức tường đơn điệu, chúng tôi không để ý đến môi trường xung quanh mình. Giờ đây, khi phố bích họa Phùng Hưng được khoác áo mới, đẹp hơn, trở thành không gian văn hóa công cộng thu hút nhiều khách du lịch, chúng tôi tự thấy cần có trách nhiệm cùng nhau giữ gìn cho không gian sống của mình thêm sạch, đẹp”, chị Huyền cho biết.

Ngoài phố bích họa Phùng Hưng, hàng trăm các “công trình” nghệ thuật nhỏ lẻ khác với mong muốn thay đổi bộ mặt đường phố, làm đẹp thêm không gian sống cũng vẫn đang diễn ra hằng ngày. Trong những năm qua, Hà Nội cũng đã thực hiện thành công việc vẽ trang trí lên nhiều bốt điện, tủ điện tại ngã tư Phan Chu Trinh – Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, phố Tràng Tiền, Ngô Quyền, Hàng Khay... Hoạt động này vốn nằm trong dự án “Sắc màu Hà Nội” do Nhóm họa sỹ Hanoi Art Space tổ chức thực hiện nhằm tăng thêm hình ảnh đẹp cho thành phố trên tất cả các con đường, ngõ phố của Thủ đô.

Để có thể thực hiện Dự án mang nhiều ý nghĩa về cảnh quan môi trường này, Câu lạc bộ đã xúc tiến bằng các hành động cụ thể như: Vệ sinh môi trường làm sạch lòng đường, hè phố, bốt điện, nắp cống, cột đèn, thùng rác… Sau đó triển khai vẽ lên các bốt điện những màu sắc nổi khối, sinh động. Họa sĩ Đỗ Mạnh – thành viên dự án cho biết: “Trước khi đặt bút, các họa sĩ phải đến khảo sát vị trí để lựa chọn nội dung, màu sắc phù hợp với không gian xung quanh. Họa sĩ cũng phải làm sạch bề mặt tủ điện để đảm bảo độ bám, bền màu. Sau khi vẽ xong, tủ điện sẽ được phủ một lớp sơn chống bụi bẩn và ảnh hưởng của thời tiết. Theo tính toán của các họa sĩ, trung bình màu của tủ điện sẽ giữ được khoảng 2 năm”.

Việc những bốt điện, tủ điện đồng loạt được ‘‘khoác’’ lên mình những tấm áo mới thay thế hình ảnh nham nhở, bị bôi bẩn trước đây cũng cho thấy nỗ lực của Thành phố trong việc cải tạo không gian sống. Trầm ngâm ngắm những bốt điện trong những ngày thảnh thơi cuối năm, ông Nguyễn Văn Bắc (phường Cửa Nam) cho biết ông rất ủng hộ việc vẽ tranh lên bốt điện trên các tuyến phố Hà Nội. Bởi những bức tranh không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan, mà còn để lại hình ảnh Hà Nội đẹp trong mắt du khách nước ngoài. “Bên cạnh đó thấy các bốt điện được làm đẹp như vậy, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con nhân dân xung quanh cũng được nâng lên, tình trạng vứt, đổ rác hoặc phóng uế bừa bãi tại các bốt điện đã không còn”, ông Bắc cho hay.

(Còn nữa)

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này