Covid-19: Những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam

17:06 | 20/02/2020
(LĐTĐ) Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) ở Trung Quốc đã lây lan sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mặc dù chủ yếu xảy ra ở các tỉnh, thành phố của Trung Quốc, song nền kinh tế to lớn của họ có mối quan hệ đến chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối toàn cầu. Riêng đối với Việt Nam, thì mối quan hệ đó lại rất chặt chẽ từ trước đến nay trong xuất nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu.
covid 19 nhung thach thuc cho nen kinh te viet nam “Đìu hiu” ngành vận tải vì dịch Covid-19
covid 19 nhung thach thuc cho nen kinh te viet nam Quân đội góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19
covid 19 nhung thach thuc cho nen kinh te viet nam Xử lý nghiêm, nếu nghi nhiễm Covid-19 mà không chịu cách ly

Những chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2020 của Việt Nam cho ta thấy: Chỉ số ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kì năm trước. Xuất khẩu tháng 1 đạt 19,1 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng trước đó và 14,3% so với cùng kì năm 2019. Sức mua người tiêu dùng nội địa cũng chậm lại dù là có tháng Tết âm lịch, nhưng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và tiêu dùng xã hội trong tháng 1/2020 chỉ tăng 10,2% so với cùng kì năm 2019 (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,2%. Năm 2019, tốc độ tăng (đã loại trừ yếu tố giá) của tháng 1 là 10,9%.

covid 19 nhung thach thuc cho nen kinh te viet nam
Dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam

Còn về ngành nông nghiệp thì sao? Riêng hàng hóa nông sản xuất khẩu bị ứ đọng ở biên giới Việt –Trung với tấn thanh long, dưa hấu, thủy hải sản... và đang chuẩn bị có hàng trăm nghìn tấn nông sản sắp tới mùa thu hoạch rộ trong vài tháng tới ở khắp cả nước. Trong khi đó, nguồn tiêu thụ nước ngoài và trong nước chưa xác định được một cách đầy đủ và hiệu quả.

Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra một số giải pháp như tăng công nghiệp chế biến trong nước, mở rộng thị trường sang các nước khác ngoài Trung Quốc và tiêu thụ nội địa những sản phẩm này. Tuy nhiên, bài toán không phải đơn giản bởi lượng tiêu thụ trong nước có hạn. Chủ yếu ¾ nông sản của chúng ta là để xuất khẩu, còn ¼ tiêu thụ trong nước.

Trong khi đó, để đàm phán xuất khẩu một loại quả với các nước cũng phải kéo dài một vài năm là nhanh…Không “bỏ trứng vào một giỏ” khi giải bài toán xuất khẩu là con đường đúng đắn, nhưng cũng rất khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản ở nước ta, trong khi cửa khẩu biên giới Việt Trung vẫn chưa mở.

Công nghiệp và nông nghiệp là như vậy, còn về du lịch. Theo báo cáo chung tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ninh, khách du lịch đã giảm 50-60%, trong đó phần lớn khách giảm là Trung Quốc. Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng rất lớn trong đại dịch này. Nó kéo theo sự suy giảm của các ngành vận tải đường bộ, hàng không, đường thủy...

Hệ lụy của việc suy giảm mạnh các ngành kinh tế kể trên chắc chắn sẽ lan tỏa sang ngành dịch vụ phục vụ cho các ngành đó như vận chuyển, logistic. Cụ thể sẽ có hàng chục triệu tấn hàng hóa sẽ bị lưu trữ trong kho một thời gian dài chờ nơi tiêu thụ. Cho tới nay chưa có một thống kê nào nêu cụ thể về tổn thất về ngành vận chuyển và logistic trong 1-2 tháng gần đây, tuy nhiên, việc suy giảm sản lượng , thu nhập, lợi nhuận của ngành này là một điều chắc chắn và không chỉ là ngày một, ngày hai.

Trong khi các ngành còn có khó khăn thì ngành y tế và thương mại online lại có chiều hướng phát triển, kinh doanh các thiết bị vật tư y tế, mua bán qua mạng tăng lên, giảm mua trực tiếp tại các chợ, cửa hàng, siêu thị là một quy luật tất yếu trong thời kì chống dịch ở thị trường nội địa nước ta. Thời gian chống dịch còn có thể kéo dài, chúng ta phải lường hết những khó khăn và những cơ hội có, mặc dù là nhỏ, để vươt qua được thời kì khó khăn này. Chính phủ đã quyết tâm không giảm chỉ tiêu kế hoạch, bằng mọi cách phải phấn đấu để vượt qua những khó khăn thách thức đột xuất gặp phải trong 2020.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này