“Đói” nhân sự mùa dịch bệnh

11:56 | 18/02/2020
(LĐTĐ) Thông thường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội sẽ tăng lên lên đáng kể. Tuy nhiên, cùng với bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì tình trạng thiếu hụt lao động.
doi nhan su mua dich benh Xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới, cơ hội rộng mở với nhân sự ngành du lịch
doi nhan su mua dich benh Gia tăng xu hướng “Ngân hàng số”, tăng nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan
doi nhan su mua dich benh Doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh tuyển nhân sự
doi nhan su mua dich benh
Tâm lý của người lao động trong thời điểm diễn biến của dịch gây ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung lao động. Ảnh minh họa

Nhu cầu tuyển dụng cao

Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, việc nhiều doanh nghiệp đang cần tuyển lao động thời điểm này không phải do biến động của thị trường lao động mà thông thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên lên đáng kể. Tính đến sáng ngày 17/2, trên trang web tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (vieclamhanoi.net) vẫn còn 2.625 đơn hàng vẫn chưa tuyển dụng đủ nhân lực.

Có thể nói, cùng với nhu cầu gấp gáp tìm nhân sự sau Tết, tình trạng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến rất nhiều doanh nghiệp dù chưa thực sự quá cần thiết nhưng vẫn chủ động tuyển dụng nhiều vị trí việc làm để dự phòng. Chính vì vậy, mức lương cơ bản cũng hấp dẫn hơn so với cùng kỳ thời điểm năm 2019.

Đơn cử như trường hợp của Công ty bán lẻ BRN, hiện đang có nhu cầu tuyển dụng 15 lao động thời vụ, dù không yêu cầu chuyên môn nhưng mức lương cơ bản được đơn vị tuyển dụng đưa ra là 5,5 – 7 triệu đồng, cao hơn so với trước Tết từ 500.000 – 1.000.000 đồng/tháng tùy theo vị trí tuyển dụng.

Không riêng gì Công ty bán lẻ BRN, trong tình thế vừa đối phó với dịch bệnh vừa thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp hiện như “ngồi trên đống lửa”. Theo thông báo tuyển dụng, Công ty Cổ phần May 10 có nhu cầu tuyển ở nhiều vị trí việc làm như: Công nhân may, cắt, là; nhân viên bán hàng, quản lý đơn hàng, bán hàng, bếp, thiết kế đồ họa.

Đại diện công ty cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng đến 500 lao động để bù đắp vào số lao động “nghỉ việc” sau Tết nhằm phục vụ cho các đơn hàng trước đó. Hiện, công ty trả lương cho công nhân cắt may, nhân viên bán hàng từ 6 - 12 triệu đồng/tháng; kỹ sư 9 triệu đồng/tháng trở lên.

Ngoài ra, do nhu cầu tuyển lao động để đáp ứng công việc sản suất, kinh doanh trước mắt nên thời điểm này không ít doanh nghiệp cũng phải nhờ đăng tải thông tin tuyển dụng trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội như: Công ty TNHH Ashashi tuyển dụng 89 lao động là công nhân sản xuất, công nhân bảo trì; Công ty CP Phát triển dịch vụ nhà sạch HMC tuyển 50 giúp việc theo giờ; Hệ thống nhà hàng phở cuốn Ngũ Xã tuyển 20 nhân viên chạy bàn, phụ bếp, bảo vệ...

Thị trường “đói” nhân sự

Trên thực tế, trái ngược với nguồn cầu lao động đang tăng cao, nguồn cung lao động đang đối diện nhiều thách thức đáng kể. Thực tế, dịch bệnh đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành sản xuất gia công như: Dệt may và da giày...

Được biết, theo thông lệ, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ mở cửa sàn giao dịch việc làm đầu năm sau mùng 10 tháng Giêng (ngày 3/2), do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp thường tăng sau kỳ nghỉ tết. Năm nay, mặc dù đã thông báo mở phiên giao dịch việc làm vào ngày 4/2, song theo “lệnh” của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cũng như chủ trương của thành phố “tránh” tụ tập đông người để chủ động phòng, tránh dịch bệnh lây lan, việc các sàn việc làm đóng cửa cũng đã dẫn đến tình trạng “khan” lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông thường sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động tại Hà Nội luôn có nhu cầu lớn về tuyển dụng. Thống kê tuần đầu tiên sau tết cho thấy có 75 DN đăng ký tuyển dụng với 692 vị trí làm việc qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Đến ngày 17/2, tức là vẫn trong tháng Giêng Âm lịch, đã có tới hơn 2.625 đơn hàng cần tuyển dụng gấp nhiều vị trí việc làm.

Thống kê cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp tại Hà Nội trong tháng 2 tập trung chủ yếu vào các nghề như: Nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng, ở các lĩnh vực dệt may, da giày và may mặc; nhà hàng - khách sạn, du lịch, vận tải, ô tô - xe máy và xây dựng... Sự thiếu hụt nhân sự của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là rất lớn, thường xuyên phải tuyển lao động. Ngoài ra, sau tết các doanh nghiệp may mặc, da giày, điện tử buộc phải gia tăng sản xuất, thuê thêm nhân công để đảm bảo kịp tiến độ các đơn hàng nước ngoài…

Được biết, theo thông lệ, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ mở cửa sàn giao dịch việc làm đầu năm sau mùng 10 tháng Giêng (ngày 3/2), do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp thường tăng sau kỳ nghỉ tết. Năm nay, mặc dù đã thông báo mở phiên giao dịch việc làm vào ngày 4/2, song theo “lệnh” của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cũng như chủ trương của thành phố “tránh” tụ tập đông người để chủ động phòng, tránh dịch bệnh lây lan, việc các sàn việc làm đóng cửa cũng đã dẫn đến khiến tình trạng “khan” lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng đến thị trường lao động. Mặt khác, tâm lý người lao động sau nghỉ tết chưa muốn quay trở lại ngay với công việc, nay lại thêm mối lo dịch bệnh dẫn đến một số doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian này, trung tâm sẽ chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu” – ông Vũ Quang Thành cho hay.

Có thể nói, cùng với tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, thị trường lao động quý 1 cũng như cả năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ được dự báo thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp chuỗi sản xuất. Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh vướng phải tình trạng thiếu hụt nhân sự, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng chủ động điều tiết, tìm kiếm giải pháp thay thế lực lượng lao động để hoạt động sản xuất không chịu nhiều ảnh hưởng.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này