Tìm giải pháp giảm áp lực từ rác thải xây dựng

Kỳ cuối: Bổ sung khung chính sách quản lý

19:06 | 14/02/2020
(LĐTĐ) Việc đổ chất thải rắn xây dựng ra môi trường đang là một trong những tác nhân chính gây nên ô nhiễm cũng như mất mỹ quan đô thị. Do đó, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm cần bổ sung các cơ sở pháp lý cần thiết nhằm khuyến khích các hoạt động xử lý rác thải xây dựng.
ky cuoi bo sung khung chinh sach quan ly Kỳ 1: Nhức nhối nạn đổ trộm
ky cuoi bo sung khung chinh sach quan ly Từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon là việc làm cấp thiết
ky cuoi bo sung khung chinh sach quan ly Du lịch Hà Nội nói không với rác thải nhựa
ky cuoi bo sung khung chinh sach quan ly
Một dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng được triển khai tại Hà Nội.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 2.500-3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của thành phố đã lấp đầy. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn các địa phương về các địa điểm tiếp nhận, xử lý. Trong đó, có 2 địa điểm để chôn lấp là bãi Nguyên Khê (huyện Đông Anh), bãi Dương Liễu (huyện Hoài Đức) và 1 địa điểm để thực hiện tái chế (nghiền) tại vị trí chân cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai).

Đặc biệt, trong quy trình cấp phép xây dựng đã quy định rõ việc xử lý nguồn rác, phế thải xây dựng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc. Ngoài số lượng được mang đi chôn lấp thì hằng ngày còn một lượng lớn chất thải bị đổ “trộm” xuống ao, hồ, bãi đất trống, thậm chí cả ở lòng, lề đường tại các quận, huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm...

Tuy nhiên, trên thực tế, trong quản lý chất thải rắn xây dựng nói riêng hay quản lý trật tự xây dựng nói chung, nhiều địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt. Tình trạng phó mặc cho bên vận chuyển rác thải xây dựng diễn ra từ lâu và chưa có hướng giải quyết cụ thể, nhất là việc quy trách nhiệm trong vấn đề xả thải ra môi trường.

Do các đối tượng thường đổ trộm đất thải vào ban đêm nên việc truy đuổi rất khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chủ xe còn có biểu hiện chống đối, đóng cửa xe bỏ đi hoặc lao thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ rồi bỏ chạy… Điều này dẫn đến tình trạng công tác xử lý vi phạm mới chỉ dừng tại các đơn vị vận chuyển bằng những mức phạt chưa đủ sức răn đe mạnh mẽ.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, hành vi đổ trộm rác thải, chất thải ra môi trường không những đe dọa cuộc sống sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe người dân mà còn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân làm phát sinh, lây lan dịch bệnh, gây ra nhiều bệnh tật cho người dân, phá hoại nghiêm trọng môi trường sống.

Do đó, phải coi hành vi đổ trộm rác thải, chất thải chưa xử lý ra môi trường là rất nguy hiểm cho người dân và xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sức khỏe người dân mà còn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống dân sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm đối với hành vi đổ trộm rác thải, chất thải để bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường. Đồng thời, phải tăng các chế tài đối với hành vi đổ trộm chất thải, rác thải ra môi trường nhằm răn đe, phòng ngừa các trường hợp sai phạm.

Đẩy nhanh các dự án tái chế

Hiện nay, ngoài trạm trung chuyển tái chế nghiền tại vị trí chân cầu Thanh Trì đã đi vào hoạt động, việc thực hiện tại các vị trí được nghiên cứu, đề xuất khác còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội, ngoài khó khăn trong thủ tục xác định và bàn giao mốc giới, cho thuê đất, thực hiện các thủ tục về môi trường, đê điều; thì việc tuyên truyền về công nghệ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng, sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt, dẫn đến còn sự phản ứng từ phía người dân khu vực dự án.

Vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn tối ưu vẫn đang là bài toán thách thức đối với các nhà quản lý và các nhà khoa học. Thực tế cho thấy, các công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng của Việt Nam hầu hết đều có quy mô nhỏ. Trong khi đó, công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn tại Việt Nam do chưa được phân loại tại nguồn, giá thành thấp…

Điển hình như tại vị trí cơ sở tái chế phế thải xây dựng tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, đại diện chủ đầu tư cho biết, do lo ngại về vệ sinh môi trường, nên không ít người dân không đồng tình. Dù trước đó, đơn vị đã có văn bản cam kết với UBND huyện Thanh Trì, UBND xã Yên Mỹ và nhân dân khu vực chỉ tiếp nhận, xử lý, tái chế vật liệu xây dựng như đá, bê tông, gạch, ngói... Từ đó, dẫn đến việc xây dựng, vận hành dự án cũng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, nhiều chuyên gia cho rằng, để các doanh nghiệp đầu tư và vận hành hiệu quả thiết bị, công nghệ nghiền để tái chế phế thải xây dựng, mang lại lợi ích kép về kinh tế cũng như môi trường, thành phố cần nhanh chóng ban hành khung giá dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ nghiền làm căn cứ để các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách đưa vào chi phí lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ký kết hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý phế thải xây dựng.

Ngoài ra, từ các cơ sở quy định của Luật, Sở Xây dựng, chính quyền các quận, huyện trước khi cấp phép xây dựng, phê duyệt nguồn vốn và dự toán các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố khi thẩm định hồ sơ cần yêu cầu các chủ đầu tư phải nêu rõ khối lượng chất thải rắn phát sinh cần xử lý, công nghệ xử lý và có chế tài giám sát việc chấp hành. Từ đó, lực lượng thanh tra xây dựng chuyên ngành, cảnh sát môi trường có cơ sở để tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này