Nghĩa cử đẹp của người Hà Nội

14:37 | 14/02/2020
(LĐTĐ) Những bề bộn của cuộc sống đôi khi khiến người ta nghĩ rằng cái “chất” Hà Nội mất đi. Nhưng sự thật không phải thế. Có chăng “chất” Hà Nội chỉ biến đổi và thể hiện theo các phương cách khác nhau. Đôi chút chú tâm, ta vẫn có thể bắt gặp ngay ở những con người bình dị những góc tâm hồn “rất Hà Nội” như thuở nào. Tương thân tương ái là một trong những phẩm chất như vậy.
nghia cu dep cua nguoi ha noi Góp phần xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”
nghia cu dep cua nguoi ha noi Nét đẹp văn hóa từ khu dân cư
nghia cu dep cua nguoi ha noi Nơi đề cao giá trị người Hà Nội

Những ngày này, những nghĩa cử như phát khẩu trang miễn phí, giải cứu nông sản, hiến máu tình nguyện… được thực hiện giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành là giá trị đạo đức tinh thần bất biến của người Hà Nội qua suốt chiều dài dâu bể. Thứ giá trị này chỉ được phát lộ mỗi khi có những biến cố dịch họa, thiên tai…

Chung tay giải cứu nông sản

Thời điểm này, chẳng khó để chứng kiến cảnh người dân Hà Nội đổ xô đi mua dưa hấu trên các tuyến phố. Giá dưa bày bán trên các tuyến phố tại Thủ đô rẻ hơn so với các khu chợ, cửa hàng. Đây là số dưa chưa xuất khẩu được vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus Corona gây ra.

Tại phố Đại La (quận Hai Bà Trưng) dưa hấu được bày bán ngay trên vỉa hè với số lượng lớn. Người dân sống tại các khu vực lân cận và người đi đường chứng kiến cảnh này đều dừng lại, mua ủng hộ bà con nông dân.

nghia cu dep cua nguoi ha noi
Những đoàn viên, thanh niên, người lao động trên địa bàn Hà Nội tham gia hiến máu cứu người. Ảnh: Giang Nam

Dưa hấu được bán với giá 20.000 đồng/quả, đa số người dân đều chọn mua ít nhất 2, 3 quả. Mặc cho thời tiết mưa rét, nhiều người vẫn mặc áo mưa, đeo khẩu trang nán mua ủng hộ. Một người bán hàng cho biết, đây là dưa hấu được họ nhập từ một tỉnh ở phía Nam, sau đó chở ra cửa khẩu ở Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vì dịch virus corona nên các cửa khẩu, các cặp chợ vùng biên Trung Quốc đóng cửa, họ phải quay ngược về Hà Nội để “bán chạy”.

Tương tự, trên đường Khương Trung (quận Thanh Xuân) rất nhiều dưa hấu được bày bán với giá 8.000/kg đã nhanh chóng thu hút nhiều người dừng lại mua hàng ủng hộ. Bà Trần Thị Thúy, trú tại quận Thanh Xuân chia sẻ: Đang có dịch virus Corona, người dân không xuất khẩu được sang biên giới nên phải quay lại đây bán. Họ trồng vất vả đến khi thu hoạch lại không bán được nên tôi mua ủng hộ. Giá dưa cũng được bán rẻ hơn so với các cửa hàng. Dưa rẻ nên mua về cho gia đình, đồng thời góp một tay hỗ trợ người nông dân trong tình cảnh khó khăn.

Người dân Thủ đô sẵn sàng tham gia giải cứu các sản phẩm nông sản, những siêu thị cũng cam kết chung tay với việc làm này. Theo tìm hiểu, toàn bộ 37 siêu thị Big C và Go trên toàn quốc sẽ bán dưa hấu và thanh long không lợi nhuận. Lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1.200 tấn thanh long và 2.000-3.000 tấn dưa hấu. Chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ cũng cam kết hỗ trợ giải cứu khoảng 160 tấn dưa hấu ở miền Bắc và 100 tấn ở thị trường phía Nam...

Trách nhiệm, tình người trong cơn dịch bệnh

Lo lắng trước sự nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, những ngày qua, nhiều người dân ở Thủ đô “đổ xô” tìm mua khẩu trang để phòng tránh bệnh, khiến mặt hàng khẩu trang y tế trở nên khan hiếm, tăng giá. Song, không vì lợi nhuận, một số cửa hàng, quầy thuốc trên địa bàn Thành phố đã có hành động đẹp là tặng miễn phí những chiếc khẩu trang y tế cho người dân, để lại ấn tượng tốt, làm ấm lòng cộng đồng trong “cơn bão” dịch bệnh.

Nhiều chương trình “Chung tay phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV” được Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, tổ chức công đoàn các cấp… phát động, nhằm vận động quyên góp, ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế; phát miễn phí khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn; phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch đến các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân... Nhiều doanh nghiệp vận tải, nhà xe phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.

nghia cu dep cua nguoi ha noi
Phát khẩu trang miễn phí tại Hà Nội góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Giang Nam

Tổ chức đoàn thể các cấp, lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên luôn xung kích, đi đầu trong tuyên truyền và tích cực tham gia vệ sinh môi trường, tẩy trùng, phát khẩu trang, nước sát khuẩn; thành lập các đội thanh niên xung kích hướng dẫn, giúp đỡ người nhà và bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện về phòng, chống dịch bệnh. Ngay tại các bến xe, nơi tập trung đông người như Kim Mã, Yên Nghĩa… Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã phối hợp với Công ty VIC Pharma triển khai hoạt động phát miễn phí khẩu trang cho hành khách đi xe buýt…

Còn nữa, và nhiều nữa những hành động đẹp tương tự. Đó là những điều tử tế. Đó là những tấm lòng thể hiện tình dân tộc, tình đồng bào của người Việt “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Mới đây thôi, sau khi thông tin về lượng máu dự trữ tại nhiều bệnh viện trên cả nước giảm đến mức báo động, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đón tiếp hàng trăm người đến hiến máu tình nguyện nhằm chia sẻ những khó khăn với người bệnh trong dịp thiếu máu cao điểm.

Tại những buổi hiến máu, tôi bắt gặp rất nhiều người đến hiến máu bằng những cách rất “đặc biệt”. Họ là mẹ con, vợ chồng, chị em gái hay là người yêu của nhau. Tất cả mọi người đến hiến máu đều có chung một tâm niệm là mong muốn được tham gia hiến máu để cùng với ngành y tế chung tay khắc phục khó khăn về máu. Bạn Nguyễn Kim Phương (sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) vừa đăng ký hiến máu vừa chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em hiến máu nên cũng có phần sợ đau, nhưng nghĩ đến sự thiết thực của việc hiến máu từ thiện em đã quyết định đến đăng ký hiến máu ngày hôm nay. Theo em nghĩ những người trẻ còn khỏe chúng ta nên hiến máu cứu người để giúp đỡ những người cần máu.

Người xưa vẫn thường bảo, có đi qua hoạn nạn mới thấu được lòng nhau. Hơn bao giờ hết, trong hoạn nạn, tình người mới là thứ mà chúng ta cần và cần phát huy. Là đất kinh kỳ, là Thủ đô nên trong hơn ngàn năm lịch sử của mình, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ cư dân khắp các vùng miền. Người Thăng Long - Hà Nội luôn có ý thức cưu mang, đùm bọc lẫn nhau cùng làm ăn, sinh sống trong một cộng đồng đoàn kết, chặt chẽ. Truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” từ đó hình thành và tồn tại suốt chiều dài lịch sử cho đến nay. Những người có điều kiện luôn sẻ chia, giúp đỡ những người nghèo khó, nhiều người dù chưa khá giả cũng sẵn lòng chia sẻ với những người nghèo khó hơn mình.

Cũng như nhiều người, tôi từng lo “chất” Hà Nội sẽ mất đi, nhất là ở thế hệ trẻ. Nhưng sự thật không phải thế. Có chăng, nó thành một dòng chảy âm thầm. Có chăng là sự thay đổi nhất định về cách tiếp cận, thể hiện, khi những thế hệ mới sinh ra, lớn lên. Mảnh đất làm nên con người. Văn hóa Hà Nội có sức mạnh lạ kỳ. Hình như sống ở mảnh đất này, những con phố ấy, những hàng cây ấy, những ngôi nhà ấy, những con người ấy, sớm hay muộn, cũng khiến người ta mến yêu. Nghĩa cử đẹp của người Hà Nội, tấm lòng tương thân tương ái luôn là cái “chất” bất biến, hun đúc và làm nên những người Hà Nội hào hoa.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này