Những cột mốc chủ quyền trên biển

17:29 | 22/01/2020
(LĐTĐ) Nhìn ra xa đại dương mênh mông, rồi ngước lên cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên nền trời xanh ngát, Thượng tá Bùi Thanh Tùng - Chính trị viên đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân nói với phóng viên: “Dù khó khăn gian khổ, dẫu có phải hy sinh, song cán bộ, chiến sĩ chỉ có một suy nghĩ và hành động duy nhất, không chủ quan, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước”.
nhung cot moc chu quyen tren bien Cảnh giác “đường lưỡi bò” dưới mọi hình thức
nhung cot moc chu quyen tren bien Đề nghị các nước tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam
nhung cot moc chu quyen tren bien “Mỗi cuốn sách, bài thơ, bức ảnh là một cột mốc chủ quyền”

Vẹn nghĩa tình đồng đội

Xuân Canh Tý là xuân thứ ba liên tiếp, Thượng tá Bùi Thanh Tùng đón giao thừa trên đảo. Trên cương vị lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ dày dạn kinh nghiệm, việc đón Tết xa nhà bên đồng đội không còn lạ lẫm với Thượng tá Tùng. Nhưng với nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ, cảm giác đón Tết xa người thân, xa gia đình, ở nơi cách xa đất liền không khỏi có chút bâng khuâng, nhung nhớ.

nhung cot moc chu quyen tren bien
Đảo Song Tử Tây

Chia sẻ về tình đồng đội nơi đầu sóng, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Thượng tá Bùi Thanh Tùng - Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, cán bộ, chiến sĩ là anh em ruột thịt”. Đã ra đến đảo, chúng tôi luôn gắn bó, thương yêu nhau như anh em một nhà, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, làm tròn bổn phận thiêng liêng của người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, cùng nhau viết tiếp truyền thống vinh quang “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền”.

Nhắc đến kỷ niệm đón Xuân bên đồng đội, Thượng tá Tùng chợt trùng lòng khi nhớ lại câu chuyện đêm 30 Tết năm 2019 với binh nhất Nguyễn Minh Hiếu, quê ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Hiếu là lính mới ra đảo nhận nhiệm vụ tháng 1/2019. Trước khi nhận nhiệm vụ, cả bố và mẹ Hiếu đều mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và nằm điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Hiếu là con lớn trong gia đình, sau Hiếu còn một em nhỏ đang đi học. Đúng đêm 30 Tết, khi đang thực hiện nhiệm vụ canh gác thì Hiếu nhận được tin bố mất. Nhận được tin dữ, Hiếu suy sụp hoàn toàn. Khi đó, lãnh đạo, chỉ huy đảo cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ, đồng đội cùng quê, các hộ dân kết nghĩa đã kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ, cử người luôn bên cạnh, kiên trì động viên nhiều ngày liên tục để Hiếu lấy lại tinh thần.

Sự quan tâm và tình cảm chân thành của đồng chí, đồng đội nơi đảo xa trong những ngày “sóng gió” và cuộc sống sau này đã trở thành liều thuốc vô giá giúp Hiếu và gia đình vượt qua khó khăn, yên tâm gắn bó nơi tuyến đầu của Tổ quốc và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

nhung cot moc chu quyen tren bien
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây

Không chỉ có binh nhất Hiếu, mà còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang cắm chốt trên các đảo tiền tiêu thân yêu của Tổ quốc vì nhiệm vụ thiêng liêng trên vai, đã tạm gác lại tình riêng, lo cho niềm vui chung của dân tộc được yên vui, vẹn tròn.

Thượng tá Bùi Thanh Tùng tâm sự: Trên đảo bình thường đã vất vả nhưng trong điều kiện thời tiết phức tạp, ra bão dài ngày, thì lại càng khó khăn, vất vả gấp bội phần. Đặc biệt, nếu chỉ lơ là, mất canh giác một giây, một phút sẽ phải trả giá đắt bằng sinh mạng và chủ quyền của Tổ quốc. Những lúc như thế, chúng tôi đã phân công chỉ huy tăng cường xuống với anh em, đến từng vị trí canh gác, từng kíp trực đêm, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vững vàng nơi đầu sóng

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Chính trị viên đảo Song Tử Tây Bùi Thanh Tùng cho biết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn xác định “cứu dân là nhiệm vụ chiến đấu của đảo, là mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĩ Trường Sa”. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn còn nhớ như in sáng ngày 31/10/2017, trong cơn bão số 12 năm ấy, khi sóng to, gió lớn, tàu cá QNA 91739TS đang đánh bắt cá gần đó bị sóng đánh va đập vỡ chìm khu vực cửa ấu.

Lúc này trên tàu có 36 ngư dân, bị sóng đánh trôi dạt, có khả năng nhấn chìm tàu, nguy hiểm đến tính mạng. Khi đó, bất chấp phương tiện vật chất cứu nạn không đảm bảo, nhưng bằng mệnh lệnh từ trái tim, không quản ngại hiểm nguy và có thể phải trả giá bằng tính mạng bản thân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã lao ra dòng nước dữ cứu vớt được 34 ngư dân.

Hai ngư dân xấu số, thiệt mạng, đến chiều tối cùng ngày, cán bộ, chiến sĩ của đảo đã vớt được xác và bảo quản trên đảo 6 ngày sau đó. Với các ngư dân còn sống, đảo đã thăm khám sức khỏe và sắp xếp nơi ăn nghỉ, bảo đảm sinh hoạt, ăn uống sinh hoạt 6 ngày trên đảo.

nhung cot moc chu quyen tren bien
Cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo Song Tử Tây vui đón Xuân. Ảnh: Tống Tùng

Không chỉ với tàu cá QNA 91739TS, bám sát quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã xua đuổi hàng trăm lượt tàu thuyền nước ngoài ra khỏi khu vực, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã cứu vớt 37 tàu cá, hơn 100 ngư dân gặp nạn trên biển; khám, chữa bệnh cho gần 2.500 lượt ngư dân, hướng dẫn cho gần 800 lượt tàu cá với hàng nghìn ngư dân vào Âu Tàu của đảo tránh trú bão an toàn...

Trước khi được đưa về đất liền, ông Phạm Bảo Ngoan - chủ tàu cá QNA 91739TS đã viết những lời ghi lòng tạc dạ hết sức nghẹn ngào: “Nói thật với các anh, đây là lần sinh thứ hai của 34 anh em chúng tôi. Các anh là ân nhân của chúng tôi. Các anh đã chăm sóc chu đáo từ sức khỏe đến chén cơm, manh áo.

Các anh thật xứng đáng là người lính cụ Hồ, gan dạ, dũng cảm, trí tuệ canh giữ biển trời biên cương của Tổ quốc. Bà con ngư dân chúng tôi luôn tin tưởng và sát cánh cùng bộ đội Hải quân, để mỗi tàu cá là một đài quan sát, mỗi ngư dân là một cột mốc khẳng định chủ quyền trên biển”.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này