Những giai điệu mùa Xuân bất hủ

16:35 | 24/01/2020
(LĐTĐ) Một mùa xuân nữa lại về. Và những ca khúc bất hủ về mùa xuân lại vang lên trong tiếng ca đầy luyến láy, mê hoặc. Những ca khúc này với giai điệu vui tươi, rộn ràng khiến bao người xao xuyến và háo hức chào đón năm mới Canh Tý 2020.
Hà Nội đẹp nao lòng mùa cây thay lá
Mùa xuân vẫy gọi

Điệu valse về mùa xuân

Những giai điệu mùa Xuân bất hủ
Cố nhạc sĩ Văn Cao

Có lẽ không hề quá lời khi khẳng định rằng, “Mùa Xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao là bài hát luôn thức dậy trong hồn ta mỗi độ Tết đến Xuân về, kèm theo đó là những bâng khuâng, day dứt về một thái độ sống sao cho xứng với những gì mà cả dân tộc đã phải mất bao nước mắt, máu xương mới giành lại được...

“… Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến đầu tiên/Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…”

Được ra đời khi đất nước bắt đầu hòa bình, “Mùa Xuân đầu tiên” là lời tâm sự chung của hàng triệu người dân Việt Nam sống trong thời kỳ chuyển giao. Đó là một mùa xuân “với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn” - một hình ảnh yên bình mà đất nước đã phải trải qua biết bao thăng trầm mới có được. Mùa xuân đầu tiên vừa có vẻ trầm ngâm của một người từng trải, lại vừa có sắc màu tươi vui của tuổi trẻ. Chính điều đó đã đem lại cảm xúc trọn vẹn cho người nghe, dù ở thời kỳ nào.

Theo nhà thơ Văn Thao - con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao đã kể lại quá trình phụ thân mình sáng tác nên ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên”: Vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), từ trung tâm chỉnh hình trên Ba Vì trở về nhà, vừa leo lên thang gác, Văn Thao chợt nghe vọng ra tiếng đàn dương cầm. Đó là một điệu valse với giai điệu mượt mà sâu lắng mà ông chưa bao giờ được nghe. Ông bước vào nhà. Một cảnh hết sức ấn tượng hiện ra trước mắt: “Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng”. Cố nhạc sĩ Văn Cao đã hoàn tất ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” đúng dịp Tết Bính Thìn. Ca khúc sau đó được in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Bản hoà ca đất trời và tình yêu

“Khúc giao mùa” là một sáng tác của nhạc sĩ Huy Tuấn, lần đầu tiên ra mắt khán giả trong album “Vẫn mãi mong chờ” của ca sĩ Mỹ Linh năm 2002. Suốt gần hai thập kỷ qua, ca khúc đã trở nên quen thuộc với người yêu nhạc mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Những giai điệu mùa Xuân bất hủ
Ảnh minh họa

“Khúc giao mùa” chọn được một thời điểm đặc biệt của đất trời khi mùa đông vẫn còn dùng dằng chưa nỡ đi còn mùa xuân vẫn rụt rè chưa hẳn đến. Ở thời khắc đấy, mọi thứ đều xôn xao, chuyển động. Trời vẫn còn lạnh nhưng nắng đã bắt đầu hửng. Cây cối vẫn còn trơ trụi nhưng ẩn dưới lớp vỏ xù xì là những mầm xanh đợi giờ hé nở. Lòng người vẫn còn nặng nề với bao điều dang dở của năm cũ nhưng đồng thời cũng tràn ngập niềm hy vọng ở năm mới.

Nếu lắng nghe thật kỹ, có thể cảm nhận được những bước chân chậm rãi của mùa xuân đang tới gần. Mùa xuân đẹp nhất vào thời khắc chuyển giao giữa đông sang xuân, khi tiết trời trở nên ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, con người kết thúc những tháng ngày bận rộn để trở về nhà tận hưởng niềm hạnh phúc bên gia đình. Tình yêu và hương vị mùa xuân đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Huy Tuấn viết nên “Khúc giao mùa” với những ca từ thật đẹp:

“... Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới/Hồn hòa vào cùng với đất trời/Xin nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc/Cuộc đời mãi thắm tươi...”

Niềm hạnh phúc trong “Khúc giao mùa” không ào ạt, mạnh mẽ mà êm đềm và lặng lẽ. Niềm hạnh phúc ấy được tìm thấy trước hết trong sự chia sẻ, kết nối giữa người với người. Đêm giao thừa rất dễ gặp những cặp tình nhân sánh bước bên nhau, tay nắm chặt tay. Họ đã cùng nhau đi qua một năm với bao vui buồn và sẵn sàng bước sang một năm mới đáng nhớ hơn, nhiều kỷ niệm hơn.

Đắm say với lời thì thầm mùa xuân
“…Từng chồi non xanh mơn man
Từng hạt mưa long lanh rơi… mùa xuân
Và trong ánh mắt lấp lánh
Lời yêu thương, yêu thương ai… ngập ngừng…”

Thì thầm mùa xuân là lời tâm sự của một thiếu nữ lần đầu tiên biết nói tiếng yêu và “biết thương nhớ, biết giận hờn”. Nhạc sĩ Ngọc Châu khéo léo gắn kết cảm xúc tình yêu của cá nhân vào trong không khí đầy sức sống của mùa xuân để tạo nên một “Thì thầm mùa xuân” đi cùng năm tháng.

Cô gái trong bài hát cảm nhận được mùa xuân đến trong từng hạt mưa, từng ánh mắt. Vào khoảnh khắc đó, cô đã có đủ dũng khí để nói lời yêu thương với chàng trai của mình. Mùa xuân được coi là mùa của sức trẻ, mùa của tình yêu, là thời khắc con người xích lại gần nhau và cùng lắng nghe nhịp đập con tim mình, “để rồi… đắm say, để rồi… ngất ngây”.

Nhạc sĩ Ngọc Châu khi sáng tác bài này mới chỉ là chàng sinh viên năm 2 Nhạc viện Hà Nội. Với tâm hồn mơ mộng, lang thang trên đường phố, xúc cảm trước sự thay đổi của vạn vật nên ca từ, giai điệu bỗng ùa về, khiến anh phải vội vã bỏ cuộc du xuân với bạn. Anh đạp xe thật nhanh về nhà, ngồi ngay vào đàn. Nói về bài hát tạo nên tên tuổi của mình, nhạc sĩ Ngọc Châu nhớ lại: “Hôm đó, tôi xin phép mẹ đi chơi với bạn bè nhưng thấy tôi về sớm, vội vã ngồi vào đàn, bà biết ngay tôi có cảm hứng. Bạn bè có thể trách cứ nhưng biết làm sao được, cảm xúc tới, không nhanh ghi lại thì lúc nó trôi đi, tôi sẽ quên hết giai điệu đã vang lên trong đầu mình”.

Cứ thế, chỉ trong 20 phút, bài hát sâu lắng và ngọt ngào về mùa xuân ra đời. Gần 30 năm qua, ca khúc dịu êm, ngọt ngào của nhạc sĩ Ngọc Châu được nhiều bạn trẻ thuộc nằm lòng. Mỗi dịp xuân về, ca khúc lại vang lên, đưa người nghe hoài niệm về thời xuân xưa của Hà Nội: Bình yên và nguyên sơ.

Bùi Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này