Nâng cao đời sống nông thôn góc nhìn từ Sơn Tây

Kỳ 1: Bức tranh làng quê khởi sắc

16:35 | 07/01/2020
(LĐTĐ) LTS: Sau 10 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, từ xuất phát điểm thấp, cho đến nay phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã từng bước đi vào cuộc sống. Tại thị xã Sơn Tây, để người dân đồng lòng, phát huy sự chủ động trong xây dựng nông thôn mới… nhiều bài học, cách làm hay đã được đúc rút. Trong đó, một trong những kinh nghiệm quý là công tác dân vận cùng sự chỉ đạo thống nhất từ các cấp Đảng, chính quyền và việc thống nhất đoàn kết trong Đảng, sâu sát đến nhân dân, vận động nhân dân. 
ky 1 buc tranh lang que khoi sac Những sắc màu ngoại ô
ky 1 buc tranh lang que khoi sac Nâng cao vai trò công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới
ky 1 buc tranh lang que khoi sac Thanh Oai: Giữ nét làng trong xây dựng nông thôn mới

Đến thị xã Sơn Tây không ít lần song mỗi dịp ghé thăm cảm xúc của tôi với vùng đất này lại mỗi lần mỗi khác. Bởi ngoài nét chân chất, hồn hậu của người dân nơi đây, hiện đời sống vùng xứ Đoài mây trắng cũng dần được nâng cao, nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đổi thay toàn diện

Ghé thị xã Sơn Tây khi địa phương vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, bà Phan Thị Hảo, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây cho biết, Sơn Tây có 6 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là: Cổ Đông, Xuân Sơn, Sơn Đông, Đường Lâm, Thanh Mỹ và Kim Sơn. Điểm đáng chú ý là, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới của thị xã có nhiều khó khăn, thách thức.

Minh chứng dễ thấy là số tiêu chí đạt và cơ bản đạt của các xã thấp (chỉ từ 3-5 tiêu chí), thu nhập bình quân theo đầu người còn thấp (16,4 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo cao (8,86%). Kinh tế tập thể tuy đã được quan tâm nhưng phát triển chậm và hiệu quả chưa cao, kinh tế trang trại, gia trại ở quy mô nhỏ, công nghiệp-dịch vụ chưa phát triển đồng bộ. Nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn chưa đầy đủ, sâu sắc, vẫn còn trông chờ vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước…

ky 1 buc tranh lang que khoi sac
Đời sống người dân trên địa bàn thị xã Sơn Tây ngày một nâng cao. Ảnh: Luyện Đinh

Khó khăn bộn bề song bằng sự nỗ lực, đồng lòng cùng nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai nên thị xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cả 6/6 xã. Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù diện tích sản xuất giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp thị xã Sơn Tây thời gian qua vẫn tăng 3-5%/năm. Thị xã đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Thanh Mỹ vào năm 2020.

Theo tìm hiểu, hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở thị xã Sơn Tây đạt kết quả cao như: 100% đường giao thông trục xã, liên xã và 100% đường liên thôn, trục thôn được cứng hóa; 96,3% đường giao thông ngõ xóm được kiên cố hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 97,1% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 87,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%.

Đặc biệt, chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được tích cực thực hiện nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn bền vững. Nhiều mô hình nông nghiệp mang hiệu quả cao đang được đẩy mạnh phát triển như: Nuôi gà mía, nuôi thỏ sinh sản, nuôi dê thương phẩm, trồng bưởi Diễn, nấm...

Đời sống nông dân được nâng cao

Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xét cho cùng là nâng cao đời sống người nông dân. Nắm bắt được tinh thần này, nhiều địa phương dù có xuất phát điểm không cao nhưng đã biết khéo léo tận dụng thế mạnh vốn có để phát triển.

Xã Thanh Mỹ là ví dụ. Theo tìm hiểu, Thanh Mỹ từng có xuất phát điểm là xã khó khăn nhất của thị xã Sơn Tây. Với địa hình trung du, đồi gò, đất khô cằn sỏi đá, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi nông dân chủ yếu trồng sắn, ngô, lạc nên thu nhập thấp (18,8 triệu đồng/người/năm), đời sống còn nhiều khó khăn, toàn xã có tới hơn 300 hộ nghèo (8,7%)…

Trong khi đó, mỗi hộ nông dân ở Thanh Mỹ có từ 7 - 18 mảnh ruộng nhỏ, rải rác ở các khu đồng, trên đồi, giao thông nội đồng là đường đất, kênh mương thủy lợi chưa được kiên cố... Thực hiện dồn điền, đổi thửa thành công, mỗi hộ dân chỉ còn từ 1 đến 3 thửa ruộng và điều này tạo điều kiện để nhiều hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh.

Được biết, sau 5 năm nỗ lực 2011 – 2016 Thanh Mỹ hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tiếp đà, cho đến nay Thanh Mỹ đang tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao...

Nông thôn mới ở Thanh Mỹ như một làn gió góp phần thổi bùng lên sức sáng tạo và phong trào xây dựng phát triển kinh tế thôn quê. Hộ ông Phùng Văn Chuy, thôn Thủ Trung là ví dụ. Ông Chuy cho biết, trước đây gia đình chủ yếu chăn nuôi lợn, nhưng do bệnh dịch và hiệu quả kinh tế không cao nên đã chuyển sang chăn nuôi đà điểu.

Theo tính toán của ông Chuy, đà điểu nuôi khoảng 7 - 8 tháng sẽ có trọng lượng 90 - 100kg, cho thu nhập 8 - 8,5 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí thu lãi 2 - 3 triệu đồng/con. Quá trình chăn nuôi không vất vả do đà điểu chủ yếu ăn cỏ, rau tạp, cám gà. Chỉ cần một lao động là có thể chăm sóc được vài trăm con đà điểu…

Tương tự, ở xã Kim Sơn, trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã cũng có xuất phát điểm rất thấp. Theo bà Lê Thị Chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Sơn, những tiêu chí về giao thông, nước sạch… ở địa phương thực sự rất khó khăn. Nhưng đến nay, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã đều đã đạt chuẩn, trong đó tiêu chí “cứng” hóa các đường giao thông nội đồng, mương nội đồng đã hoàn thành với mức điểm được chấm rất cao (10/10 điểm).

Điểm đặc biệt ở Kim Sơn là ở chỗ, đảng bộ, chính quyền nơi đây đã tích cực tuyên truyền, đã sâu sát đến từng hộ dân để bà con hiểu, xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của chính nhân dân, có lợi cho nhân dân. Bởi vậy, việc cứng hóa giao thông nội đồng, mương nội đồng và nhiều phần việc khác có sự góp công không nhỏ của bà con.

Tham quan tìm hiểu thực tế tại một số mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như: Nuôi gà mía, nuôi ong và các nghề thủ công truyền thống như làm bánh kẹo... ở xã Kim Sơn và Đường Lâm điểm dễ nhận thấy là hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã và đang bước đầu hình thành mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà mía của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây còn có thêm mô hình liên kết nuôi ong lấy mật của Tổ hợp tác ong mật Kim Sơn. Sản phẩm gà mía Sơn Tây, mật ong Kim Sơn là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thị xã.

Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian sắp tới, ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã cho biết: Thị xã đã chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và nâng cao thu nhập; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân; đảm bảo hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo…

Phạm Thảo – Luyện Đinh

Còn nữa…

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này