Kỹ thuật can thiệp bào thai: Mang hạnh phúc cho những người làm cha mẹ

16:32 | 31/12/2019
(LĐTĐ) “Điều tôi lo lắng không biết việc thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai có thành công không. Vì nhiều người nói đã có bệnh viện tư nhân thực hiện kỹ thuật này với chi phí cao nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt 6 – 7%. May mắn, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các con tôi được can thiệp kịp thời, chào đời khỏe mạnh lại được miễn phí hoàn toàn”, chị Vương Thị Linh, sản phụ mang song thai chung một bánh rau xúc động chia sẻ.
ky thuat can thiep bao thai mang hanh phuc cho nhung nguoi lam cha me Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Làm chủ kỹ thuật can thiệp bào thai
ky thuat can thiep bao thai mang hanh phuc cho nhung nguoi lam cha me Kỹ thuật can thiệp bào thai: Kỹ thuật y khoa thấm đẫm nhân văn
ky thuat can thiep bao thai mang hanh phuc cho nhung nguoi lam cha me
Hai trẻ song thai chung một bánh rau được can thiệp bào thai và chào đời khỏe mạnh.

Ca phẫu thuật “cân não”

Là một trong những sản phụ mang song thai chung bánh rau, hạ sinh thường thành công ở tuần thứ 33, chị Vương Thị Linh (sinh năm 1992, quê Phúc Thọ - Hà Nội) không giấu nổi vui mừng hạnh phúc ngập tràn trên khuôn mặt.

Ngay khi được chẩn đoán song thai chung một bánh rau và mắc hội chứng truyền máu song thai, chị Linh được các bác sĩ thực hiện can thiệp bào thai ngay trong buồng tử cung để giúp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh tới khi chào đời.

“Nghe các bác sĩ nói đến truyền máu song thai hai vợ chồng tôi đều rất lo lắng, bởi bản thân chưa nghe tới hội chứng bệnh này. May mắn được các bác sĩ động viên và phân tích cách can thiệp, nên hai vợ chồng cũng yên tâm hơn”, chị Linh tâm sự.

Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Sim - Phó Giám đốc Trung tâm sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Sản phụ Vương Thị Linh được chẩn đoán song thai chung một bánh rau từ rất sớm. Và được đưa đến bệnh viện từ khi thai 12 tuần. Bệnh nhân được quản lý trong nhóm song thai chung một bánh rau của Bệnh viện suốt thai kỳ cho đến khi thai 20 tuần, thì phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai.

Lúc này, sản phụ được tiếp tục theo dõi. Ở tuần 23, các bác sĩ phát hiện một thai đã cạn nước ối, bó chặt vào em bé giống như hút chân không và thai không thể cử động được. Còn 1 thai thì đa ối bồng bềnh và sản phụ cảm thấy rất khó thở, tức ngực. Trước tình trạng trên, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quyết định mổ cấp cứu cho sản phụ ở tuần thứ 23.

“Khi mổ cho cho bệnh nhân Linh, có điều đặc biệt là các bác sĩ phải cân nhắc xem có giữ được hai thai hay không. Bởi vì hai thai dây rốn nằm ở hai mép của bánh rau, không hề ở trung tâm của bánh rau nên khó có khả năng nuôi dưỡng thai tốt được. Khi quyết định giữ cả hai thai cũng là một điều mạo hiểm, khiến các bác sĩ phải “cân não” khi quyết định”, bác sĩ Sim phân tích.

Theo lời bác sĩ Sim, yếu tố giúp các bác sĩ quyết định giữ cả hai thai, đó là hai thai có cân nặng khá là tốt và tương đồng nhau. Và các bác sĩ cũng hy vọng, khi mà mổ can thiệp đốt các cầu nối bánh rau đi, thì tuần hoàn có thể lập lại cho hai thai như hai bánh rau. Cũng có điều may mắn là hai dây rốn bám vào hai mép bánh rau nhưng nằm xa nhau. Bởi vậy các bác sĩ đã tìm các cầu nối và chặn các cầu nối đó bằng các tia lare đông lạnh, thì khả năng gây tổng thương, tai biến cho hai thai sẽ thấp nhất.

ky thuat can thiep bao thai mang hanh phuc cho nhung nguoi lam cha me
Các bác sĩ thăm khám cho chị Linh trước khi xuất viện.

Cuối cùng, ca can thiệp đã thành công sau 40 phút nhờ sự nỗ lực và phối hợp của các y bác sĩ. Sau ca can thiệp, sản phụ Linh tiếp tục được theo dõi sát sao. Hai em bé phát triển đồng đều. Đêm 28/12, ở tuần thai 33, chị Linh chuyển dạ và sinh thường hai bé lần lượt với cân nặng 1,8 kg và 1,7 kg.

Theo bác sĩ Sim, đây là 2 bé sinh đôi đầu tiên chào đời khỏe mạnh sau khi được điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng can thiệp bào thai tại bệnh viện. Hiện tại, hai bé đã tự thở, bú tốt và được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh.

Kỹ thuật y khoa thấm đẫm nhân văn

Được biết, trong quá trình mổ, các bác sĩ luôn cố gắng đảm bảo kỹ thuật đạt hiệu quả cao nhất, tuy nhiên sau khi mổ song, việc bệnh nhân tích cực theo dõi thai theo hướng dẫn của bác sĩ là điều cực kỳ quan trọng. Bởi nếu các em bé không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ từ trong bụng mẹ, thì vẫn nhẹ cân, chậm phát triển.

Và nếu các sản phụ không được nghỉ ngơi thì nguy cơ bị các biến chứng song thai như: Đẻ non, tiền sản giật, nhiễm trùng thai nghén, tiểu đường thai kỳ…. Bởi lẽ các bà mẹ có song thai có biến chứng tiểu dường thai kỳ, nhiễm độc thai nghén cao gấp 4- 5 lần so với các bà mẹ đơn thai.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Việc chăm sóc sau mổ rất quan trọng, mục tiêu kéo dài được tuổi thai càng lâu càng tốt cho các thai phụ.

Và để quyết định cuộc mổ thành công thì yếu tốt tiên quyết là chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm, để muộn quá thì việc mổ là vô nghĩa. Đặc biệt để thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai, phải có trang thiết bị hiện đại, phòng mổ chuyên biệt. Cuối cùng là con người với các chuyên gia được đào tạo, bàn tay khéo léo, có trách nhiệm. “Bởi lẽ chỉ có một sơ sảy nhiễm trùng buồng ối thì sẽ dẫn đến sảy thai ngay sau can thiệp. Việc nhiễm trùng buồng ối nếu không được can thiệp kịp thời thì có thể phải cắt cả tử cung” Phó Giáo sư Nguyễn Duy Ánh cho biết.

Liên tiếp sau khi bắt đầu triển khai những ca can thiệp trong buồng tử cung đầu tiên dưới sự hướng dẫn của chuyên gia hàng đầu thế giới, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã trực tiếp tự triển khai kỹ thuật hiện đại này, và có những thành công hết sức tốt đẹp, với tỷ lệ thành công ngang tầm quốc tế.

ky thuat can thiep bao thai mang hanh phuc cho nhung nguoi lam cha me
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trao đổi với phóng viên.

Kỹ thuật can thiệp trong buồng tử cung (chữa bệnh cho thai nhi) nhằm khắc phục những bệnh lý, bất thường của bào thai khi đã biết rõ những bệnh lý, bất thường này không thể chờ đợi đến khi trẻ chào đời, nếu tiếp tục chờ đợi, thai nhi sẽ tử vong trong tử cung hoặc chào đời với những dị tật, bất thường nặng hơn.

Trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật này thì những thai nhi không may mắn bị dị tật hoặc bất thường trong bụng mẹ bác sĩ có biết cũng không thể làm gì mà đành phải phó mặc cho số phận. Còn hiện tại, với kỹ thuật khoa học hiện đại, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, chúng ta có thể cứu chữa được thai nhi với tỷ lệ thành công tới 90%, trẻ sinh ra sẽ không còn bị dị tật hoặc tử vong”- Phó Giáo sư Nguyễn Duy Ánh phân tích.

“Nước ta có tỷ lệ sinh đẻ cao, mỗi năm có tới hàng nghìn ca gặp các biến chứng, nếu chỉ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật này thì không thể xử lý được hết. Vậy nên sau khi thực hiện đề tài này tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chúng tôi mong muốn nhiều đơn vị sản phụ khoa khác sẽ được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để các tỉnh đều triển khai được kỹ thuật tiên tiến này. Điều này rất ý nghĩa vì đây là một kỹ thuật y khoa thấm đẫm nhân văn, đem lại hạnh phúc rất lớn cho các gia đình”, PGS Nguyễn Duy Ánh cho biết thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này