Lặng im nghe tiếng cảm của chính mình

09:26 | 23/12/2019
(LĐTĐ) Nhiều khán giả xem các đêm diễn do đạo diễn Vạn Nguyễn dàn dựng đã nhận định rằng, anh là người “hoài cổ”. Không những thế, anh còn rất “tham lam” khi chạm tay vào nhiều dòng âm nhạc, nhiều loại hình sân khấu từ hiện đại đến cổ xưa...
lang im nghe tieng cam cua chinh minh Nhà Hát lớn Hà Nội: Nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam
lang im nghe tieng cam cua chinh minh Hồ Hoài Anh bấm nút "cứu" Layla khiến sân khấu The Voice "bùng nổ"
lang im nghe tieng cam cua chinh minh Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Tôi kể chuyện lịch sử theo cách của tôi

“Khán giả nhận định hoàn toàn chính xác, thậm chí đôi khi mình còn thấy mình “tối cổ”... Hầu hết tôi không biết gì liên quan đến công nghệ. Điện thoại chỉ biết nghe gọi, không biết sử dụng các sản phầm công nghệ được ra đời hàng ngày, tivi ẫn sử dụng chiếc sanyo mua từ năm 1996, thích tranh sơn mài, thích đọc về di sản... Nhìn chung Vạn Nguyễn là một người Hà Nội thuộc hệ “âm lịch”, anh vui vẻ bổ sung thêm vào những cái “cổ” của mình.

lang im nghe tieng cam cua chinh minh
Đạo diễn sân khấu Vạn Nguyễn

Và gần đây nhất, khán giả nhận ra anh đã một lần nữa khẳng định thêm chất “cổ” khi đưa di sản Cổng Tam quan Kiên Giang - biểu tượng của quê hương Nhạc sĩ Lam Phương lên sân khấu tại Nhà hát Hòa Bình - TP Hồ Chí Minh trong chuỗi liveshow xuyên Việt Kỷ niệm 70 năm âm nhạc Lam Phương. Hình ảnh cổng Tam quan lung linh nét cổ được Vạn Nguyễn tái hiện trên sân khấu đã gây ấn tượng mạnh với những người yêu nghệ thuật và trân trọng di sản.

Tuy nhiên, nhìn cách làm việc của Vạn Nguyễn, sẽ dễ nhận thấy anh là một đạo diễn nhạy bén với sự phát triển của dòng chảy hiện đại. Những sân khấu hoành tráng, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị công nghệ mới… để làm nên một không gian “cổ” đã được anh sử dụng để “tôn lên giá trị vẻ đẹp của thời gian ghi dấu trên những tác phẩm nghệ thuật cho mỗi đêm diễn ở bất kỳ thể loại nào” như anh chia sẻ ..

Khi đánh giá về bản thân mình, Vạn Nguyễn khẳng định: “Tham lam, và nếu có thể xin được viết in hoa hai chữ này”. Không có gì là khó hiểu khi cái tham lam ấy được thể hiện qua từng chương trình nghệ thuật mà anh đã làm như viết và dàn dựng các vở kịch nói, viết và dựng sử thi, làm show âm nhạc về Bác Hồ, về đề tài đất nước quê hương, về chủ đề người lính, về âm nhạc Trịnh Công Sơn qua nhiều số, về âm nhạc Lam Phương và dòng nhạc trữ tình Hài ngoại, về festival sân khấu âm nhạc truyền thống...

“Đắm đuối với dòng nhạc về Hà Nội, rạo rực trong dòng nhạc cách mạng, mênh mang trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, đắm say với dòng trữ tình hải ngoại, tâm tình với cổ nhạc dân gian... Mỗi giai thanh đều cho tôi những thức cảm mạnh mẽ khi nghe, thấm. Mỗi loại hình nghệ thuật đều cho tôi cảm giác tìm thấy mình dù trong vai trò của người khán giả cảm nhận hay người dàn dựng, bất cứ vị trí nào, chỉ cần được tiếp xúc, được nghe, đọc, được xem một tác phẩm hay tìm hiểu về tác phẩm ấy đều là một niềm sung sướng chẳng thể tả bằng lời nói mà chỉ cứ lặng im nghe tiếng cảm của chính mình... Loại hình nào cũng đều muốn dựng được nhiều và thật nhiều những đêm diễn đầy cảm xúc!”, Vạn Nguyễn chia sẻ.

Anh từng viết:

“Đêm đón sương .. đôi bờ vai biêng biếc

Giọt nồng cay năm tháng đong đưa

Tối nhẹ tênh chút hơi ấm hương xưa

Hà Nội thu .. cuộn êm miền nhung nhớ ..

Thì cứ riêng mùa phong sương dang dở

Phố cứ sâu như hun hút nỗi chờ

Người cứ say dăm ba chén hững hờ

Chợp mắt nghiêng ..

ngón tay cài then áo”

Đọc lên và suy ngẫm có thể thấy Vạn Nguyễn là một người nhiều tâm tư, có một chút cô đơn nhưng lại vô cùng lạc quan trong cái cô đơn ấy. Vạn Nguyễn nói rằng, “Tâm tư và cô đơn là tài sản mà tôi có nhiều nhất”.

lang im nghe tieng cam cua chinh minh
Sự “một mình” như Vạn Nguyễn trải lòng là để làm nên những chương trình nghệ thuật sâu sắc, khó quên

Cũng không biết anh quen với sự một mình ấy từ bao giờ, với người khác có thể là cô đơn, nhưng với anh thì anh gọi đó là sự “một mình”. Vạn Nguyễn chia sẻ, anh thích và sống như một bản năng với sự một mình từ ngày còn nhỏ, cũng bởi bố mẹ cho tự quyết nên từ nhỏ đã quen tự quyết định lấy mọi việc một mình “một mình tự chọn trường cấp 3, đạp xe đi thi và (may mắn) thi đỗ dù thầy cô bạn bè gàn nhiều vì học vốn dốt toán (cười). Một mình tự chọn trường Đại học, tự đi đăng kí và đi thi, tự chọn nghề giáo, đi dạy học. Rồi một mình chọn nghệ thuật, đi học đạo diễn, một mình đi du lịch, một mình làm việc với kịch bản, máy tính, một mình đi về sau đêm diễn dù bất kể là nửa đêm hay gần sáng, mùa hè hay mùa đông” …

Một mình để nghiền ngẫm và để thấm nhiều hơn những giá trị nghệ thuật mà mình sắp đưa lên sân khấu, một mình để trở nên an nhiên hơn nỗi “cô đơn thỉnh thoảng” mà mỗi con người đều phải trải qua. Có lẽ cái sự “một mình” như anh trải lòng là để làm nên những chương trình nghệ thuật sâu sắc, khó quên. Và như có lần anh đã chia sẻ, “Niềm vui lớn nhất trong nghề nghiệp là khi những gì mình làm có để lại được một nét ngay ngắn, ngọt bùi và lặng lẽ với thời gian, cho cuộc sống thêm lời hoan ca, một cách toàn tâm. Ấy là viên mãn”.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này