Lối “sống xanh” trong giới trẻ

22:04 | 19/12/2019
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, dễ dàng bắt gặp những hành động, việc làm của các bạn trẻ Hà Nội nhằm hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Từ thay đổi thói quen sử dụng chai thủy tinh thay vì chai nhựa đến sử dụng các loại ống hút tre, inox, hạn chế dùng bao ni lông… Phong trào “Chống rác thải nhựa” đã thật sự đi vào đời sống, nhiều mô hình, cách làm hay được giới trẻ khởi xướng và hưởng ứng. Điều đó cho thấy giới trẻ Thủ đô không thờ ơ trước thực trạng rác thải nhựa tràn vào đời sống sinh hoạt hàng ngày.
loi song xanh trong gioi tre Lan tỏa lối sống xanh: Cần sự chung sức của cả cộng đồng
loi song xanh trong gioi tre Lan tỏa lối sống xanh: Biến rác thải trở nên có ích
loi song xanh trong gioi tre Lan tỏa lối sống xanh: Mô hình hay từ “thử thách dọn rác”

Ít nhựa thêm xanh

Dự án “Ít nhựa thêm xanh”, được thực hiện bởi Câu lạc bộ 350 Việt Nam- thành lập dưới sự bảo trợ của Đoàn thanh niên trường Đại học Ngoại Thương, đã góp phần giải quyết vấn đề môi trường đang được quan tâm hàng đầu hiện nay là rác thải nhựa.

Chị Nguyễn Hoàng Điệp – Phụ trách dự án cho biết, dự án trong năm 2019 và 2020 nhắm trực tiếp đến các quán cà phê, trà sữa dành cho giới trẻ trên địa bàn quận Đống Đa, nhằm thuyết phục các quán có sự thay đổi trong quy trình vận hành của mình, đưa ra các chính sách khuyến khích khách hàng, để giảm thiểu lượng nhựa một lần cần sử dụng bao gồm: Ống hút, cốc, túi.

loi song xanh trong gioi tre
Dự án “Ít nhựa thêm xanh” thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ Thủ đô.

Cùng với quá trình thuyết phục các quán cùng chung tay bảo vệ môi trường, các sự kiện dành cho người tiêu dùng được thực hiện nhằm giáo dục ý thức khách hàng có trách nhiệm giảm thiểu nhựa một lần, khuyến khích họ thay đổi thói quen để giải quyết vấn đề chung của môi trường.

Trong khuôn khổ dự án, Câu lạc bộ 350 Việt Nam còn tổ chức sự kiện đổi quà dành cho khách hàng của các quán cà phê, trà sữa tham gia dự án. Theo đó, khi khách hàng mang bình cá nhân đến mua đồ mang đi, sẽ nhận được phiếu đổi quà tại bàn trực của dự án. Sau đó, mang phiếu đến điểm đổi quà của dự án để đổi lấy những chậu sen đá xinh xinh.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ 350 Việt Nam còn tổ chức hoạt động trò chơi tại bàn trực dự án nhằm tác động tới nhận thức của khách hàng về lối sống xanh, hạn chế rác thải nhựa. Ngoài ra, dự án còn mong muốn tác động nâng cao tinh thần giảm thiểu tối đa việc sử dụng nhựa một lần tới các giảng viên đang giảng dạy tại Đại học Ngoại Thương bằng cách tặng quà cho các giảng viên sử dụng bình cá nhân thay vì bình nhựa bằng những phần quà thân thiện với môi trường như túi đi chợ, bàn chải tre.

Chị Điệp cho hay: “Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn có thể giảm 20-30% lượng nhựa dùng một lần trong các quán tham gia dự án, tái chế 100% nhựa dùng một lần có thể tái chế, thu hút sự tham gia của 200 người tiêu dùng và giảm được 80% lượng chai nhựa 1 lần của các thầy cô”.

Được biết, dự án Ít nhựa thêm xanh 1 diễn ra từ tháng 8-10/2019 đã thu về những kết quả nổi bật. Dự án đã hợp tác được 5 quán trong phạm vi Chùa Láng, Nguyên Hồng, Hà Nội để trở thành mạng lưới xanh. Trong đó, thu hút hơn 100 người tiêu dùng đến với dự án và giảm được 10% - 15% lượng ống hút nhựa 1 lần tại các quán trong mạng lưới xanh.

Đổi rác lấy quà, tái chế từ vỏ hộp sữa

Phong trào “Chống rác thải nhựa” giờ không chỉ là khẩu hiệu mà đã dần đi sâu vào nếp nghĩ, thói quen hàng ngày trong giới trẻ của Thủ đô.

Hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 4 năm 2019 với chủ đề “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa”, tuổi trẻ Thủ đô đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên và nhân dân về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, pano....

Phong trào “Chống rác thải nhựa” giờ không chỉ là khẩu hiệu mà đã dần đi sâu vào nếp nghĩ, thói quen hàng ngày trong giới trẻ của Thủ đô. Hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 4 năm 2019 với chủ đề “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa”, tuổi trẻ Thủ đô đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên và nhân dân về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, pano.... Đặc biệt, các đoàn viên thanh niên đã hướng dẫn, vận động người dân phân loại rác tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa (không sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, thìa, dĩa, bát, đĩa, chai nhựa…).

Điển hình như tại các khu dân cư trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, với sự trợ giúp từ đoàn thanh niên, người dân đã tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các điểm đen về rác thải; triển khai các điểm thu gom giấy vụn, đồ nhựa tại trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học; thực hiện các mô hình “Cơ quan không rác thải nhựa”, “Văn phòng không rác thải nhựa”, “Trường học không rác thải nhựa”….

Đáng chú ý, Quận đoàn Hai Bà Trưng còn tổ chức chương trình “Đổi rác lấy quà” thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia. Với việc đổi rác lấy bình thủy tinh thân thiện với môi trường, trong một buổi sáng, Quận đoàn Hai Bà Trưng đã thu về hơn 1 tấn rác thải bao gồm giấy vụn và chai lọ nhựa.

Bà Phạm Phương Phương, Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng cho biết: “Chai, lọ nhựa sẽ được đoàn viên, thanh niên phân loại, tái sử dụng tạo thành vườn hoa xinh xắn ở các phường. Hoạt động này sẽ góp phần nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” trong thanh thiếu nhi. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong và sau khi ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh để nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường trong thanh niên và nhân dân”.

Cùng nhằm thực hiện phát động của Thành phố để hạn chế đồ nhựa dùng một lần, trong năm học 2019-2020, nhiều trường mầm non và tiểu học công lập trên địa bàn đã đăng ký Chương trình thu gom vỏ hộp sữa do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo cùng các đơn vị liên quan thực hiện.

Hiện đã có 637 trường tại 16 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố và đang tiếp tục nhân rộng trên toàn địa bàn Thành phố. Dự kiến sẽ có khoảng trên 1.000 trường học đăng ký tự nguyện tham gia chương trình. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa đó là việc tăng cường nâng cao nhận thức cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước, qua đó góp phần hình thành ở học sinh ý thức và đạo đức về bảo vệ môi trường, có thái độ và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.

Điển hình như quận Nam Từ Liêm đã triển khai chương trình thu gom, tái chế vỏ hộp sữa tại 13 trường Mầm non và 20 trường Tiểu học trên địa bàn quận, dự kiến mỗi tháng sẽ thu gom, tái chế hơn 700.000 vỏ hộp sữa. Theo đó, các em học sinh sẽ được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa: Làm dẹp, cho ống hút vào trong hộp sau khi uống hết sữa, gập nhỏ hộp lại và xếp vào đúng nơi quy định, giúp tiết kiệm diện tích cũng như dễ dàng hơn cho việc thu gom.

Vỏ hộp sau đó sẽ được thu gom định kỳ hàng tuần, chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích. Vỏ hộp sữa giấy có cấu tạo rất đặc biệt, bên trong hộp là một lớp tráng nhôm và nhựa rất mỏng, có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái rất hữu ích; còn phần vỏ bằng giấy có thể nghiền nát thành bột giấy và tái chế để sản xuất giấy in, bìa carton, thùng giấy, tập vở…

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa của việc tái chế vỏ hộp sữa, bảo vệ môi trường. Thông qua đó, không chỉ giáo viên, phụ huynh mà trẻ em và cộng đồng cùng hình thành thói quen tốt từ những việc gần gũi và thiết thực hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường.

Bằng những hành động cụ thể, những mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên và giới trẻ Thủ đô đã và đang chứng tỏ là lực lượng xung kích đi đầu, là những hạt nhân kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa, xây dựng xã hội an toàn, văn minh và hiện đại.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này